Lớp học đặc biệt ở Khe Táu

Do tập quán và quan niệm lạc hậu, ở các bản làng vùng cao, nhiều phụ nữ người dân tộc Mông đều không đi học hoặc bỏ học từ rất sớm. Mù chữ, tái mù chữ, dù quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nhưng cái nghèo, cái đói vẫn đeo đẳng, trĩu nặng cuộc đời của họ. Nhiều chị em còn bị bóc lột sức lao động khi đi làm thuê trái phép, thậm chí bị dụ dỗ, lừa bán, phải phiêu bạt nơi đất khách quê người. Nhưng với phụ nữ người Mông ở thôn Khe Táu, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (Yên Bái) thì giờ đã khác...

 Điểm trường thôn Khe Táu cách trung tâm thị trấn hơn 60km.

Điểm trường thôn Khe Táu cách trung tâm thị trấn hơn 60km.

* Vượt qua hủ tục

Chúng tôi vào thôn Khe Táu sau cơn mưa đầu mùa Hạ. Từ thị trấn Mậu A lên xã Phong Dụ Thượng gần 50 cây số nhưng từ trung tâm xã vào Khe Táu mới là thử thách với người và phương tiện. Hơn 10 cây số nhưng phải đi máy trên con đường đất cheo leo, một bên là vách núi dựng đứng, bên kia vực sâu thăm thẳm, nhiều chỗ cả một vách núi đổ sập, những tảng đá nặng cả mấy chục tấn nằm chềnh ềnh ven đường... Nguy hiểm như vậy nhưng đây là cung đường quen thuộc của các thầy cô giáo Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Phong Dụ Thượng từ nhiều tháng nay. Mấy tháng nay, các thầy cô mang một sứ mệnh cao cả là dạy chữ cho hơn 20 phụ nữ dân tộc Mông ở thôn.

Như thường lệ, tối nay khi ông mặt trời vừa kịp xuống núi, thì Nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Khe Táu lại rực ánh đèn điện. Bỏ qua những tâm lý ngại ngùng, e dè, các “Học sinh lớn” đồng thanh ê a đánh vần từng con chữ. Dù tiếng phổ thông còn ngọng, phát âm chưa tròn vành, rõ chữ, nhưng mọi người đều mạnh dạn đọc to, đọc đều dưới sự hướng dẫn của 2 thầy Triệu Hồng Minh và Nguyễn Quang Thọ.

Những đôi tay chai sạn của người phụ nữ Mông vốn chỉ quen cầm cuốc, tra ngô, cấy lúa nay lại vụng về cầm bút để tô từng nét chữ hay xòe ra để làm các phép tính đơn giản. Khó khăn, vất vả là vậy nhưng các anh chị vẫn miệt mài đến lớp, bởi ở đó có con chữ, có hy vọng và có những người thầy cô tâm huyết.

 Đường vào xã Phong Du Thượng rất gian nan. Xuống các thôn còn phải qua sông suối, vực sâu.

Đường vào xã Phong Du Thượng rất gian nan. Xuống các thôn còn phải qua sông suối, vực sâu.

Tranh thủ giờ nghỉ giải lao, tôi làm quen với chị Sùng Thị Mang. Hơn 40 tuổi, chị Sùng Thị Mang mới bắt đầu đi học cái chữ. Một phần vì điều kiện gia đình khó khăn, phần khác chị lại lấy chồng sớm, cuộc sống quanh năm chỉ gắn bó với ruộng nương đã ngăn bước con đường đến trường của chị. Qua tuyên truyền của chính quyền địa phương, lại được chồng ủng hộ và suy nghĩ muốn biết chữ để phát triển kinh tế đã thôi thúc chị tìm đến lớp học xóa mù chữ. Ban ngày phải đi làm nương nhưng tối về chị không vắng mặt buổi nào, trời tạnh cũng như mưa chị Mang vẫn miệt mài đến lớp.

Chị chia sẻ: “Mình lớn tuổi rồi, đi học cũng vất vả lắm, học mãi mới nhớ, nhưng mà đến lớp vui vì có nhiều chị em cũng đi học như mình mà học được chữ thì mình đọc được báo, mình biết được cách mọi người trồng cây, nuôi con lợn, gà để phát triển kinh tế”.

 Chị Sùng Thị Mang (người đầu tiên bên phải và chị em phụ nữ trong bản đang học lớp xóa mù chữ.

Chị Sùng Thị Mang (người đầu tiên bên phải và chị em phụ nữ trong bản đang học lớp xóa mù chữ.

Chúng tôi chú ý đến một người phụ nữ trẻ địu con, ngồi nắn nót tô từng nét chữ, mồ hôi túa ra trên khuôn mặt đỏ lựng, đó là chị Sùng Thị Bla. Tuổi thơ của chị là những tháng ngày cơ cực, không được đi học vì gia đình quá nghèo khó. “Tôi muốn đi học để biết đọc, biết viết, mở mang hiểu biết, có cuộc sống tốt hơn. Khi biết chữ, tôi sẽ đọc được hướng dẫn sử dụng thuốc cho con mỗi khi bị ốm, biết xem hạn dùng các loại thực phẩm, đồ dùng gia đình. Xem những thông tin hướng dẫn hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình” – Sùng Thị Bla vui vẻ cho biết.

Theo ông Lương Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Phong Dụ Thượng, hiện nay xã 1.378 hộ, 6.495 khẩu, gồm 5 dân tộc, sinh sống tại 8 thôn, trong đó dân tộc Tày, Dao chiếm đa số. Trong số hơn 900 bà con dân tộc Mông có nhiều phụ nữ không biết chữ. Điều này gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời khiến chị em rất thiệt thòi về mọi mặt. Đó cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều phụ nữ trên các bản làng bị lừa gạt, dụ dỗ, bóc lột sức lao động khi đi làm thuê trái phép, làm gia tăng tình trạng tảo hôn, gia tăng tỷ lệ đói nghèo...

* Những “người hùng” cắm bản

Qua thầy Nguyễn Quang Thọ và các cô giáo Trường PTDTBT TH Phong Dụ Thượng, được biết đây là xã có tỷ lệ người không biết chữ, tái mù chữ cao nhất huyện Văn Yên. Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa mù chữ, cấp ủy, chính quyền địa phương này đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các nhà trường mở các lớp xóa mù chữ. Riêng năm 2023, xã đã thực hiện được 3 lớp với 90 học viên (độ tuổi từ 16 – 60) tham gia lớp xóa mù chữ giai đoạn 2 năm 2023, trong đó nhiều chị em đã tham gia các chương trình tiểu học sau xóa mù chữ.

 Lớp học đặc biệt có độ tuổi từ 16 đến 60.

Lớp học đặc biệt có độ tuổi từ 16 đến 60.

Để vận động chị em đến trường học chữ cái khó nhất là phải làm thay đổi nếp nghĩ, tư duy của chị em phụ nữ. Phải từng bước xóa bỏ hủ tục lạc hậu, phụ nữ chỉ có nhiệm vụ sinh con, đi làm nương, chăm sóc chồng con, sống phụ thuộc hoàn toàn vào chồng. Muốn đả thông tư tưởng chị em thì phải thông suốt tư tưởng lạc hậu của các ông chồng. Để nâng cao chất lượng dạy học, địa phương đã chỉ đạo bố trí những giáo viên có kinh nghiệm đến lớp, đặc biệt là những giáo viên bám bản, vừa có kiến thức, vừa biết tiếng Mông, hiểu phong tục tập quán để việc dạy học đạt hiệu quả cao.

“Chúng tôi phối hợp với các đoàn thể quần chúng nhất là Chi hội phụ nữ để tiếp cận. Cách thức tuyên truyền phải trực quan, sinh động, ví dụ cụ thể. Mưa dầm thấm lâu, chị em nhìn thấy rõ lợi ích của biết chữ, những người chồng cũng thay đổi quan niệm thì mới cho vợ đến lớp” – thầy Nguyễn Quang Thọ đúc kết.

 Mọi người đều hăng say từng con chữ dù khó khăn.

Mọi người đều hăng say từng con chữ dù khó khăn.

Anh Tráng A Páo, 51 tuổi, là lớp trưởng vui vẻ tâm sự: “Thấy được ích lợi từ việc học con chữ nên cả hai vợ chồng mình đều đi học. Để đến được lớp, 2 vợ mình phải lên nương từ sớm, về nhà sắp xếp công việc mới đến lớp được. Bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, mình đang học tính toán để ra chợ mua bán dễ dàng hơn”.

Chuyển biến lớn nhất ở các lớp xóa mù chữ là đổi thay từ việc vận động chị em đi học thành tư duy muốn đi học. Bởi thế, đa phần chị em phụ nữ dù bận rộn với công việc, song họ đã cố gắng sắp xếp thời gian để đến lớp duy trì, đảm bảo về sĩ số và chất lượng học tập. Do biết chữ nên nhận thức của người dân được nâng lên, Bản Khe Táu năm nay không còn hộ đói, 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, các hủ tục lạc hậu trong việc cưới, việc tang được xóa bỏ hoàn toàn, đồng bào Mông nơi đây không chỉ biết canh tác lúa nước mà còn thâm canh 2 vụ, đặc biệt nhờ biết con chữ tìm hiểu các thông tin văn hóa, biết tận dụng, khai thác tiềm năng từ ruộng bậc thang để làm du lịch.

 Anh Tráng A Páo và vợ sau khi biết chữ đã mở cửa hàng tạp hóa, kinh doanh tăng thêm thu nhập.

Anh Tráng A Páo và vợ sau khi biết chữ đã mở cửa hàng tạp hóa, kinh doanh tăng thêm thu nhập.

Cuộc sống chưa phải đã hết khó khăn nhưng có thể nói là một cuộc “cách mạng” lớn về nhận thức, tư duy để đổi thay cuộc sống của đồng bào Mông nơi này. Ông Lù A Cháng - Trưởng bản Khe Táu nói “Sau thành công 2 lớp học đầu tiên, bây giờ chỉ cần thông báo có lớp học chữ là nhiều chị em trong bản đã đăng ký tham gia. Người trước đã học xong về biết áp dụng vào chăn nuôi tại gia đình có hiệu quả nên nhiều chị em cũng đi học theo”.

Không chỉ các lớp xóa mù chữ ở Khe Táu, bây giờ nhiều thôn, bản ở xã Phong Dụ Thượng đã triển khai mô hình này, như thôn Cao Sơn, Thượng Sơn, Khe Dẹt, Khe Mạng... Trên thực tế những lớp học xóa mù chữ ở huyện vùng cao Phong Dụ Thượngmang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Việc tổ chức các lớp học xóa mù chữ vừa giúp nâng cao dân trí, vừa là hành trang để người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tạo sự đổi thay cho mảnh đất vùng cao này. Có được điều đó, công đầu thuộc về các thầy cô giáo – những người hùng cắm bản.

 Do có nghiệp vụ sư phạm, tận tâm với công việc, các thầy cô giáo đã vận động nhiều phụ nữ và người cao tuổi đến lớp học. Trong ảnh: Cô giáo Võ Phương Bắc và ông Tráng Nụ Chay (60 tuổi - hàng sau cùng, từ phải qua) và học sinh trong lớp.

Do có nghiệp vụ sư phạm, tận tâm với công việc, các thầy cô giáo đã vận động nhiều phụ nữ và người cao tuổi đến lớp học. Trong ảnh: Cô giáo Võ Phương Bắc và ông Tráng Nụ Chay (60 tuổi - hàng sau cùng, từ phải qua) và học sinh trong lớp.

 Thầy Nguyễn Quang Thọ thay mặt cô giáo Võ Thị Phương Bắc - giáo viên trường Tiểu học thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, đang biệt phái dạy xóa mù tại Khe Táu, tặng quà học sinh có thành tích học tập tốt.

Thầy Nguyễn Quang Thọ thay mặt cô giáo Võ Thị Phương Bắc - giáo viên trường Tiểu học thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, đang biệt phái dạy xóa mù tại Khe Táu, tặng quà học sinh có thành tích học tập tốt.

Qua tìm hiểu được biết, tất cả thầy cô như thầy Nguyễn Quang Thọ, Triệu Hồng Minh, Trần Ngọc Sơn, Nguyễn Văn Thi; các cô giáo Nguyễn Thị Dung, Nguyễn Thùy Linh, … đều là những giáo viên dạy giỏi, có kinh nghiệm ngoài thị trấn, nhiều người còn có chồng con tận ngoài thành phố Yên Bái (cách nơi dạy học 150km), nhưng họ đều gác tình riêng, lặn lội “3 cùng”, mang cái chữ, ánh sáng kiến thức đến cho bà con người dân tộc thiểu số.

Chính nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô, mà chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nói chung, dân tộc Mông nói riêng đã dũng cảm dám vượt qua các hủ tục, vượt qua những mặc cảm, tự ti, đi học chữ, vượt qua những hủ tục, kỳ thị, đối xử để vươn lên làm chủ số phận, làm chủ cuộc đời. Những cống hiến của các thầy cô đã góp phần xua đi những cổ hủ, lạc hậu nơi vực thẳm núi cao.

Võ Thị Phương Bắc - Giáo viên Trường tiểu học thị trấn Mậu A, Văn Yên, Yên Bái

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/lop-hoc-dac-biet-o-khe-tau-158156.html