Long An thiệt hại nặng sau cơn mưa dông
Hoàn lưu bão gây mưa lớn và gió mạnh đã làm khoảng 2.000ha lúa hè thu tại các huyện Tân Trụ, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và TP Tân An bị đổ ngã.
Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Long An cho biết, mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy đã gây thiệt hại đáng kể trên địa bàn tỉnh, làm sập và tốc mái 9 ngôi nhà khiến 2 người bị thương.
Tại huyện Tân Hưng, mưa lớn và lốc xoáy xảy ra tại xã Hưng Điền B và Hưng Thạnh đã làm sập 1 trụ đèn LED, 5 căn nhà bị tốc mái và 1 người bị thương. Ước tính thiệt hại về tài sản lên tới khoảng 327 triệu đồng. Còn tại huyện Vĩnh Hưng, lốc xoáy xảy ra tại xã Vĩnh Trị làm 3 căn nhà sập hoàn toàn, 1 căn tốc mái và 1 người bị thương, với thiệt hại ước tính khoảng 125 triệu đồng.
Ngay sau khi nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã khẩn trương phối hợp với các xã bị ảnh hưởng, tổ chức đoàn công tác đến thăm hỏi, động viên và trao tiền hỗ trợ ban đầu cho các gia đình gặp thiệt hại. Đoàn cũng huy động lực lượng công an, dân quân cùng các tổ chức đoàn thể địa phương giúp đỡ người dân sửa chữa nhà cửa, dựng lại các căn nhà bị sập và tốc mái, thu dọn đồ đạc nhằm giúp bà con sớm ổn định cuộc sống. Bên cạnh đó, đoàn công tác còn đến thăm hỏi, động viên các hộ dân có diện tích lúa bị thiệt hại do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, kịp thời hỗ trợ bà con vượt qua khó khăn trước mắt.
Các thảm họa thiên nhiên bao gồm bão lũ không chỉ gây thiệt hại trực tiếp đến tài sản, mà còn tạo ra những hệ quả kéo dài về mặt môi trường và xã hội. Đối với miền Bắc, nơi cơn bão vừa qua đã đổ bộ, tình trạng sạt lở đất, ngập úng và hư hỏng hạ tầng giao thông đã gây ra những khó khăn lớn trong việc cứu trợ và tái thiết sau bão. Nhiều khu vực sản xuất nông nghiệp bị phá hủy, làm gián đoạn chuỗi cung ứng lương thực và ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, tác động tiêu cực lên hệ sinh thái bao gồm mất mát rừng và ô nhiễm nguồn nước đã làm gia tăng nguy cơ suy thoái môi trường, đòi hỏi sự can thiệp khẩn cấp từ các cơ quan chức năng. Như nhận định của GS.TS Hoàng Xuân Cơ về các thảm họa thiên nhiên nói chung, ông cho biết: “Thảm họa môi trường là sự kiện thảm khốc, có mức tổn hại, mức tàn phá lớn đối với hệ sinh thái, gây tác động lớn, phạm vi rộng đến cuộc sống con người”. Tính khốc liệt của các thảm họa môi trường khi chúng không chỉ gây ra thiệt hại trước mắt mà còn có những hệ lụy lâu dài, đe dọa tới sinh kế của người dân và sự bền vững của hệ sinh thái tự nhiên. Việc khôi phục không chỉ dừng lại ở hạ tầng cơ sở mà cần đến những giải pháp đồng bộ về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững nhằm giảm thiểu rủi ro cho những lần bão tiếp theo.