Lớn mạnh ngành Y

Từ xuất phát điểm với nhiều khó khăn, thách thức, 25 năm sau tái lập tỉnh, cơ ngơi của ngành Y tế tỉnh ngày càng khang trang, hiện đại; chất lượng các dịch vụ y tế được nâng lên rõ rệt. Những năm gần đây, nhiều chỉ tiêu của ngành đạt được đã cao hơn so với bình quân chung của cả nước. Thành quả đó không phải tự nhiên “đơm hoa kết trái”, mà được vun trồng nhờ sự quan tâm đầu tư không ngừng và những định hướng dài hơi của tỉnh cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe (CSSK) nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực phấn đấu, cống hiến của các thế hệ y, bác sĩ toàn ngành.

Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: Dương Chung

Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh được đầu tư xây dựng hiện đại. Ảnh: Dương Chung

Cách đây 1/4 thế kỷ, những bệnh viện hiện đại với nhà cao tầng, phòng ốc khang trang, thiết bị máy móc hiện đại hẳn là điều xa vời, ít ai nghĩ tới. Bởi lúc bấy giờ khó khăn chồng chất khó khăn.

Ngày mới “ra ở riêng”, ngành Y tế tỉnh chỉ có một cơ quan văn phòng sở, 3 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 trung tâm y tế (TTYT) huyện. Mạng lưới cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh phân phối dược phẩm rất mỏng. Tuy đã có 145 trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn, nhưng cơ ngơi của các trạm rất đơn sơ. Tổng nhân lực toàn ngành lúc đó chỉ có hơn 1.600 người.

Sau 25 năm, Vĩnh Phúc đã có 2 công trình bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Sản-Nhi tỉnh được thiết kế hiện đại với nhiều công năng sử dụng.

Giai đoạn 2016-2020, hàng loạt bệnh viện, TTYT cũng được “thay áo mới”, như Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên; TTYT các huyện Vĩnh Tường, Sông Lô, Lập Thạch, Phúc Yên…

Hiện đại hóa mạng lưới y tế xã, phường, thị trấn, 5 năm trở lại đây, tỉnh đã bố trí kinh phí xây mới hơn 90 TYT xã; đồng thời, phân bổ ngân sách để đầu tư cải tạo, sửa chữa 36 TYT.

Hiện 100% TYT đều đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; bình quân mỗi TYT xã có 1,2 bác sĩ. Từ tổng mức đầu tư công 4% giai đoạn 2010-2015, đến giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn đầu tư phát triển hằng năm của tỉnh cho ngành Y tế tỉnh được nâng lên 7%.

Quy mô của ngành không chỉ ngày càng lớn mạnh mà còn được sắp xếp theo hướng tinh gọn, đem lại hiệu lực, hiệu quả hoạt động cao. Thực hiện Đề án số 01 của Tỉnh ủy, năm 2014, ngành đã sáp nhập 3 đơn vị y tế trên địa bàn huyện, thành phố quy về một đầu mối.

Trong những năm tiếp theo, ngành tiếp tục cơ cấu lại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh trên cơ sở sáp nhập 6 đơn vị hệ dự phòng tuyến tỉnh. Sở Y tế cũng sắp xếp tinh gọn lại các phòng, ban và một số cơ quan đơn vị trực thuộc.

Từ năm 2017 đến nay, ngành Y tế tỉnh có 13 đơn vị công lập được giao quyền tự chủ đảm bảo chi thường xuyên. Tại 13 đơn vị này, mỗi năm có hơn 2.300 viên chức không hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của đơn vị, nhờ đó đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 200 tỷ đồng mỗi năm để chi cho các lĩnh vực khác.

Là “tư lệnh” của ngành Y tế Vĩnh Phúc ở thời điểm hiện tại, gắn bó cùng quá trình đi lên và phát triển của ngành, Tiến sĩ, bác sĩ Lê Hồng Trung, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Ngay từ khi tái lập tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác CSSK nhân dân với nhiều chủ trương, chính sách đồng bộ về công tác y tế.

Trong những năm gần đây, nhờ thực hiện Nghị quyết số 03 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sự nghiệp y tế và CSSK nhân dân giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, bộ mặt của ngành Y tế tỉnh tiếp tục có sự đổi thay toàn diện.

Hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị được xây dựng và phát triển đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở theo hướng từng bước hiện đại, hiệu quả và bền vững, đáp ứng tốt nhu cầu bảo vệ, CSSK nhân dân.

Chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên, toàn tỉnh có hơn 9.500 cán bộ (tính cả công lập và tư nhân), cao hơn so với chỉ số quy hoạch nhân lực y tế của cả nước; tỷ lệ bác sĩ có trình độ sau đại học đạt cao. Đây là điều kiện thuận lợi để các đơn vị thực hiện được hầu hết các kỹ thuật theo phân tuyến và một số kỹ thuật tuyến trên.

Công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19 đạt kết quả khả quan, đáng ghi nhận. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện hiệu quả; các loại hình, dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, phong phú.

Cùng với hệ thống y tế công lập, mạng lưới các cơ sở y dược tư nhân ngày càng phát triển mạnh mẽ. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03, ngành Y tế tỉnh đã có một số chỉ tiêu đạt và vượt so với bình quân chung của cả nước, điển hình như tỷ lệ bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ hằng năm...

Tỷ lệ bao phủ BHYT vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi cũng nằm trong tốp các địa phương có chỉ số tốt nhất vùng đồng bằng sông Hồng…

Những kết quả đó là đáng tự hào, tuy nhiên, còn nhiều điều, nhiều mục tiêu mà trong giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo, toàn ngành phải tiếp tục nỗ lực thực hiện, nỗ lực tăng tốc và bứt phá để thực sự xứng đáng với kỳ vọng, sự tin tưởng của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và nhân dân”.

Quả thật, cơ ngơi của ngành Y tế tỉnh sau 25 năm tái lập tỉnh tuy đã “thay da đổi thịt” rõ rệt; tuy nhiên, kết quả và thành tựu hôm nay chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng phát triển và tạo được lợi thế so sánh cách biệt với các tỉnh, thành phố lân cận.

Thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn và hạn chế đó, mới đây, tỉnh đã ban hành dự thảo và đang trong quá trình phê duyệt “Đề án phát triển sự nghiệp y tế và bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2035” với nhiều giải pháp trọng điểm nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu trong 5-10 năm tới, phát triển toàn diện sự nghiệp y tế đạt chuẩn chung của quốc gia và có yếu tố trình độ quốc tế; xây dựng Vĩnh Phúc thành trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao của khu vực phía Bắc, có sự liên kết chặt chẽ với các bệnh viện vùng Thủ đô Hà Nội.

Quỳnh Hương

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/71749/lon-manh-nganh-y.html