Lời xin lỗi khó được chấp nhận của Thùy Tiên, BTV Quang Minh
Chuyên gia cho rằng công chúng khó chấp nhận lời xin lỗi đơn thuần của nghệ sĩ sau khi quảng cáo sai, đặc biệt là khi họ không tham gia đồng giải quyết những thiệt hại gây ra.
Những ngày giữa tháng 4, ồn ào nghệ sĩ quảng cáo lố, sai sự thật lại tiếp tục nổ ra và thu hút sự quan tâm từ công chúng. Cơ quan chức năng đang xác minh, xử lý vụ nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật. Song sau ồn ào, câu hỏi được đặt ra là vì sao nghệ sĩ bất chấp chỉ trích, cảnh báo, để tiếp tay cho những sản phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc nhiều năm qua.
Quy trình nhận quảng cáo của nghệ sĩ
Theo tìm hiểu của Tri Thức - Znews, quy trình quảng cáo bắt đầu với sự tiếp cận và đề xuất từ nhãn hàng hay các công ty truyền thông (agency). Họ sẽ đánh giá sự phù hợp của sản phẩm/dịch vụ với hình ảnh, giá trị và đối tượng người hâm mộ của nghệ sĩ.
Sau đó, phía nhãn hàng hoặc agency sẽ chủ động liên hệ với nghệ sĩ/người đại diện của họ (quản lý, trợ lý, công ty quản lý nghệ sĩ) để mời tham gia quảng cáo, livestream bán hàng, hay làm đại diện cho thương hiệu.
Tiếp đó, nhãn hàng sẽ có những đề xuất ban đầu (brief), cung cấp thông tin cơ bản về chiến dịch quảng cáo bao gồm sản phẩm/dịch vụ cần quảng bá, đối tượng khách hàng, kênh truyền thông, thời gian thực hiện và mục tiêu muốn đạt được. Đi kèm theo đó là các yêu cầu xuất hiện, đóng phim, chụp hình… liên quan tới nghệ sĩ.

BTV Quang Minh đã lên tiếng xin lỗi vì quảng cáo một sản phẩm sữa thời gian qua.
Hai bên sẽ xem xét, thỏa thuận mức chi phí, quyền lợi cho nghệ sĩ. Sau khi đạt được thống nhất chung, nhãn hàng và nghệ sĩ sẽ tiến tới hoạt động hợp tác sản xuất nội dung quảng cáo.
Quá trình này có thể bao gồm quay phim, chụp ảnh, thu âm, tham gia sự kiện, livestream, tạo content trên mạng xã hội... Trong đó, nghệ sĩ sẽ phải thực hiện các yêu cầu theo hợp đồng. Nội dung quảng cáo sẽ được phát hành trên các kênh truyền thông đã được thống nhất. Hiệu quả của chiến dịch sẽ được nhãn hàng/agency theo dõi và đánh giá. Bước cuối cùng trong quy trình này là nghiệm thu và thanh toán.
Phía nhãn hàng sẽ thanh toán phí quảng cáo cho nghệ sĩ theo các điều khoản đã quy định trong hợp đồng (có thể thanh toán theo giai đoạn, sau khi hoàn thành công việc...).
Với các nghệ sĩ nổi tiếng hoặc hoạt động trong một công ty giải trí lớn, họ thường có một đội ngũ tư vấn và kiểm tra liệu các sản phẩm/dịch vụ có uy tín, chất lượng, không ảnh hưởng tới hình ảnh, danh tiếng.
Đội ngũ này sẽ xem xét kỹ lưỡng các điều khoản và điều kiện bao gồm thời gian thực hiện, phạm vi sử dụng hình ảnh, quyền lợi, trách nhiệm của cả hai bên. Hơn nữa, họ chú trọng nội dung chi tiết các script của quảng cáo, thông tin được kiểm chứng.
Tuy nhiên, với các nghệ sĩ hoạt động độc lập, quy trình này có thể bị xem nhẹ hoặc thiếu kỹ lưỡng. Trong nhiều trường hợp, do mức chi phí được trả quá cao mà nghệ sĩ "ngó lơ" để nhận quảng cáo. Không ít trường hợp, nghệ sĩ cũng bận rộn với lịch trình, tin tưởng vào đối tác, và bỏ qua các yếu tố khác để ký kết hợp đồng.
Nghiêm trọng hơn, nghệ sĩ cũng ít đi kiểm tra các nội dung truyền thông đã thỏa thuận có được thực hiện đúng theo yêu cầu hay không. Trong một số trường hợp, nghệ sĩ hoặc người đại diện không/bỏ qua việc duyệt nội dung quảng cáo trước khi phát hành để đảm bảo phù hợp với hình ảnh của họ. Ngoài ra, việc xem xét việc thực hiện thỏa thuận cũng không rõ ràng.
Đơn cử, hai bên cam kết về thời gian 6-12 tháng cho chiến dịch truyền thông trên TikTok, Facebook, nhưng nhãn hàng/agency lại sử dụng thời gian dài hơn, sản xuất thêm các nội dung phái sinh và phân phối trên các nền tảng, kênh truyền thông khác nhau mà chưa được sự đồng ý của nghệ sĩ.
Hoặc trên hợp đồng lại không thể hiện rõ ràng thời gian cam kết, làm việc độc quyền, việc hủy hợp đồng, bồi thường… trong khi thỏa thuận ban đầu lại có đề cập. Điều này dẫn đến các hệ lụy phát sinh sau này khi sản phẩm bị phanh phui là không có chất lượng, không đúng với quảng cáo, hay tiếp tục sử dụng hình ảnh nghệ sĩ để quảng cáo chui, nội dung vẫn có trên các nền tảng không được phép.
'Làm ít, kiếm tiền nhiều'
Tùy vào tên tuổi, hình thức hợp tác mà mức chi phí nghệ sĩ Việt nhận được từ quảng cáo khác nhau, có thể dao động từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Hình thức quảng cáo ngày càng đa dạng nhưng phổ biến nhất là bài đăng ảnh, video trên trang/kênh cá nhân.
Trao đổi với Tri Thức - Znews, TS Nguyễn Văn Thăng Long, Giảng viên Cao cấp ngành Truyền thông Chuyên nghiệp, Đại học RMIT cho biết với sự nổi tiếng của các nghệ sĩ, KOL và tầm ảnh hưởng của họ với hành vi của công chúng, các thương hiệu thuộc nhiều ngành khác nhau ngày càng tìm đến, để quảng bá sản phẩm và dịch vụ.

Các nghệ sĩ, người nổi tiếng có thể nhận hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng thậm chí nhiều hơn khi tham gia quảng cáo sản phẩm.
Đặc biệt, các sản phẩm sữa, thực phẩm chức năng mới thành lập trên thị trường càng sử dụng nhiều chiến lược tiếp thị dựa trên người ảnh hưởng (influencer marketing). Để tăng nhận diện thương hiệu và sức thuyết phục với người tiêu dùng trong một thời gian ngắn, nhãn hàng cũng không ngần ngại chi khủng cho các nghệ sĩ, người nổi tiếng để có thể chen chân vào thị trường tiềm năng nhưng nhiều cạnh tranh.
Với nhiều nghệ sĩ, họ khó có thể từ chối với các hợp đồng mời quảng cáo với các công ty/thương hiệu mới với nhiều lý do. Thù lao thường sẽ cao hơn, hợp đồng ít ràng buộc phức tạp hơn, thời gian quay quảng cáo cũng không quá cầu kỳ. Với nhiều trường hợp sẽ có thêm thù lao/hoa hồng dựa trên sản phẩm bán được.
"Hiện tại, những sự biện minh thường thấy ở các nghệ sĩ là tuyên bố bị công ty/thương hiệu lừa, hoặc cho rằng mình thiếu chuyên môn để xác minh các tuyên bố về sản phẩm. Điều này có thể được xem là một cách để thoái thác trách nhiệm. Thế nên, mặc dù một số nghệ sĩ đưa ra lời xin lỗi, nhưng công chúng vẫn không chấp nhận. Đặc biệt là khi các nghệ sĩ không tham gia đồng giải quyết những thiệt hại gây ra cho người tiêu dùng", TS cho biết.
Theo TS, đối với các nghệ sĩ, họ cần nhận thức và thực hiện trách nhiệm xã hội với tư cách là những nhân vật có ảnh hưởng trong công chúng. Do đó khi làm việc với các thương hiệu/agency, nghệ sĩ cần tiến hành thẩm định kỹ lưỡng các sản phẩm và thương hiệu mà họ chọn đại diện, đảm bảo tính chính xác của các tuyên bố cũng như chất lượng của sản phẩm.
Nếu nghệ sĩ thiếu kiến thức chuyên môn có thể nhờ bên thứ 3 xác thực, hoặc lưu lại các giấy tờ có công chứng của thương hiệu, đính kèm như là một phụ lục của hợp đồng nhằm đảm bảo tính xác thực về chất lượng công bố của sản phẩm.
Ngoài ra, nghệ sĩ hay công ty quản lý cần phải thẩm định các điều khoản hợp đồng từ lúc thương lượng tới lúc ký kết, và thực hiện cẩn thận. Nếu cần, họ có thể nhờ luật sư để kiểm tra qua các điều khoản trong hợp đồng. Khi quảng cáo hay livestream, nghệ sĩ cần minh bạch với khán giả về nội dung được tài trợ và trải nghiệm chân thực của họ với sản phẩm.
"Quan trọng nhất, cơ quan chức năng cần tiến hành để sửa đổi Luật Quảng cáo, với các điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động của những người nổi tiếng và các nghệ sĩ tham gia quảng cáo trên mạng", chuyên gia nói.