Lối sống lạ đời, nổi loạn của nữ tác giả 'Buồn ơi chào mi'

Đam mê viết lách như vậy, nhưng trong mắt cha mẹ, Françoise là một 'đứa bé hư hỏng'. Liên tục bị đuổi học, thi trượt và thậm chí bỏ hẳn một năm trời chỉ để nghe nhạc Jazz.

Mười tám tuổi, Françoise Sagan xuất hiện trên văn đàn Pháp tựa một ngôi sao chổi - ngạo nghễ, phóng khoáng và khiến người ta ngây ngất -với tiểu thuyết ngắn đầu tay: Buồn ơi chào mi.

Lối sống lạ đời, tùy hứng nhưng chân thực

Vốn là một thiếu nữ không mặn mà với học hành, không may mắn với thi cử và cũng không được gia đình ủng hộ theo nghiệp văn chương, nhưng từ thời niên thiếu Françoise Sagan đã say mê các tác phẩm văn học lớn (của Shakespeare, Proust, Camus, Cocteau, Rimbaud, Sartre…) và sống một lối sống lạ đời, tùy hứng nhưng trên hết là chân thực.

Giữa cuộc đời và tác phẩm của Françoise Sagan có một sự ứng chiếu rõ rệt: những câu chuyện lãng mạn của giới tư sản giàu có vỡ mộng, tâm trạng chán chường và hoài nghi, lối sinh hoạt phóng túng bừa bãi, và cả cách nhìn đượm buồn, ý nhị, nên thơ pha lẫn những nét dí dỏm bất ngờ. Francoise Sagan từng nói: “Tôi sẽ sống rất cẩu thả nếu tôi không viết và tôi sẽ viết rất cẩu thả nếu tôi không sống".

Nhà văn Françoise Sagan.

Đam mê viết lách như vậy, nhưng trong mắt cha mẹ, Françoise là một “đứa bé hư hỏng”. Liên tục bị đuổi học, thi trượt và thậm chí bỏ hẳn một năm trời chỉ để nghe nhạc Jazz, cho tới khi cầm được hợp đồng xuất bản sách về khoe gia đình thì câu đầu tiên mà Francois Sagan nghe được là: “Tốt hơn hết mày nên có mặt đúng giờ ăn". Thậm chí, người cha không muốn để cái họ Quoirez xuất hiện trên bìa sách nên cô con gái phải chọn bút danh Sagan, theo tên một nhân vật của Proust.

Như vậy, có thể thấy rằng nữ nhà văn gần như khác biệt trong môi trường mà bà đã sống thời niên thiếu, cá tính mạnh mẽ, nổi loạn, bất cần và tài hoa của Sagan không gây ra một mâu thuẫn lớn lao, sâu sắc nào với gia đình nhưng hẳn đã đẩy bà vào một trạng thái ám ảnh mà sau này bà đã khoác lên cho các nhân vật: trạng thái chán chường và đơn độc.

Sự nghiệp thành công quá sớm, quá choáng váng làm Sagan chao đảo, thêm vào đó là đời sống xa hoa, vô độ, trác táng không ngừng nghỉ của bà khiến cho một bộ phận độc giả phẫn nộ. Nhưng Sagan đã và vẫn có sức sống mãnh liệt đối với giới trẻ và nhận được sự ưu ái, hâm mộ của rất nhiều tác gia lớn.

Lý do chính là vì bà đã dựng lại trong tiểu thuyết của mình cái bản chất yếu đuối của một xã hội Pháp đang rệu rã, cái khao khát và ngờ vực của một giới trẻ mất phương hướng và bị kìm hãm, cái cấm kị và đè nén của một nền đạo đức giả dối, cái không khí lễ hội không biết đến ngày mai, cái thái độ vừa ích kỷ vừa đáng thương của những con người cô đơn, chán nản… bằng một ngòi bút chân thực, giản dị, tinh tế và hết sức thông minh.

Chẳng thế mà François Le Grix của nhà xuất bản Julliard, sau một đêm đọc Buồn ơi chào mi đã phải thốt lên: “Độc đáo. Hoàn toàn chân thực. Tài năng thiên bẩm. Vừa thơ mộng lại vừa đậm chất tiểu thuyết. Không có bất kỳ một lỗi nào".

Tài năng độc đáo trong tiểu thuyết

Sau Buồn ơi chào mi vang dội rực rỡ, Françoise Sagan cho ra mắt tiểu thuyết thứ hai Một nụ cười nào đó vào năm 1956, tiếp tục khẳng định tài năng và phong cách độc nhất vô nhị.

Câu chuyện xoay quanh một cô sinh viên luật đại học Sorbonne phải lòng một người đàn ông lớn tuổi đã có vợ, oái oăm thay lại là cậu ruột của người bạn trai. Một câu chuyện giản đơn, thậm chí là tầm thường với những nỗi buồn vặt vãnh, những day dứt trẻ con, những nghi ngờ, khám phá về mặt tinh thần lẫn thể xác mà ở thời đại đó đã bị gán cho cái mác băng hoại đạo đức, khiêu dâm.

Nhưng tiểu thuyết thứ hai này cho thấy một sự ngây thơ và dễ tổn thương mà Buồn ơi chào mi không có được. Hơn nữa, Một nụ cười nào đó đằm thắm hơn, cố chấp hơn với tình yêu để rồi vỡ mộng hơn, nhưng là một vỡ mộng không tàn bạo mà dịu dàng như một bản nhạc.

Sách Một nụ cười nào đó.

Nhân vật nam chính - một người đàn ông “mắt xám, trông mỏi mệt, gần như u buồn” - là người duy nhất làm cho cô gái hạnh phúc vì chỉ hai người họ mới giống nhau và chia sẻ cho nhau nỗi chán chường cố hữu của đời sống. Nhân vật nữ chính - trung tâm của cuộc tình tay tư - là một cô nàng vô ưu, lẳng lơ, có những lúc tự nhận bản thân vô sỉ, song từ đầu đến cuối luôn bị giày vò bởi nỗi cô đơn của một đời sống vô vị và nhàm chán.

Mối quan hệ lén lút giữa Dominique và Luc sẽ không khiến hai người phải day dứt và khổ đau như họ đã cảm thấy nếu Françoise - vợ Luc - không tỏ ra là một người phụ nữ ấm áp, dịu dàng và từ ái. Françoise luôn đối xử với Dominique như một người mẹ thương con, bởi vì bà cho rằng cô sinh viên ấy cùng một bản chất với chồng bà: họ là những kẻ có đôi chút bất hạnh cần được vỗ về. Ở cuối tác phẩm, Francoise vẫn không đổi thay trong lối cư xử và trong tình cảm với tình địch dù đã biết câu chuyện dan díu, nhưng chỉ bằng một câu nói, bà đã đập tan cái cố chấp của cô gái trẻ, khiến cô không còn gì ngoài tan nát…

Lối kể chuyện của Sagan trong Một nụ cười nào đó vẫn giữ một giọng điệu dửng dưng như thể các nhân vật bị tách lìa với cảnh trí mà họ đang sống, như thể câu chuyện mà họ dự phần chỉ là vặt vãnh, thứ duy nhất họ không trốn thoát được là cô đơn và đau khổ mà họ gây ra cho chính mình hoặc cho người khác. Tuy câu chuyện giản đơn nhưng nhân vật của Sagan không đơn giản: họ có phương tiện để hạnh phúc nhưng không bao giờ họ thực sự chạm tới hạnh phúc.

Francoise Sagan qua đời năm 2004, để lại phía sau một sự nghiệp đa dạng nhưng công bằng mà nói, không thể cuốn hút bằng chính cuộc đời bà. Một cuộc đời độc đáo, trí tuệ, đam mê, vội vã và chân thực như “một khúc andante của Mozart, luôn gợi đến bình minh, cái chết, một nụ cười nào đó".

Thanh Thư

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/loi-song-la-doi-noi-loan-cua-nu-tac-gia-buon-oi-chao-mi-post948185.html