Lợi nhuận Đức Long Gia Lai tăng 15,6 tỷ đồng sau soát xét
Lợi nhuận sau thuế của Đức Long Gia Lai đạt hơn 61 tỷ đồng sau kiểm toán, tăng 15,6 tỷ đồng so với báo cáo tự lập do giảm chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp.
Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2024 của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG), doanh thu thuần đạt xấp xỉ 595 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp khoảng 154 tỷ đồng, giảm 5,7% so với báo cáo tự lập nhưng vẫn tăng 37,2% so với cùng kỳ năm trước.
Chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp lần lượt giảm 8,6% và 32,6% so với trước kiểm toán, xuống 151,7 tỷ đồng và 12,9 tỷ đồng.
Biến động các khoản chi phí nên lãi trước thuế của Đức Long Gia Lai tăng từ 56 tỷ đồng ở báo cáo tự lập lên 82,5 tỷ đồng sau soát xét. Lãi sau thuế cũng tăng lên 15,6 tỷ đồng, từ 45,4 tỷ đồng lên hơn 61 tỷ đồng.
Theo kế hoạch trình đại hội cổ đông, Đức Long Gia Lai đặt mục tiêu năm nay doanh thu đạt 1.400 tỷ đồng và lãi sau thuế 120 tỷ đồng. Nếu hoàn thành, doanh nghiệp sẽ tránh án hủy niêm yết do lỗ 3 năm liên tiếp. Sau nửa năm, công ty đã hoàn thành 42,5% kế hoạch doanh thu và 51% mục tiêu lợi nhuận.
Trong báo cáo tài chính soát xét, phía kiểm toán cho rằng, khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai có thể bị ảnh hưởng do công ty có khoản lỗ lũy kế tại ngày 30/6/2024 là 2.617 tỷ đồng và các khoản nợ ngắn hạn đã vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 826 tỷ đồng. Ngoài ra, công ty có một số khoản nợ phải trả và vay đã quá hạn thanh toán với tổng giá trị ước tính 2.342 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Đức Long Gia Lai khẳng định tình hình sản xuất vẫn đang hoạt động ổn định, khắc phục các khó khăn trước mắt và thực hiện thành công mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch doanh thu và lợi nhuận đã đề ra.
Ban lãnh đạo cho biết thêm công ty đang quyết tâm cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi công nợ, cắt giảm chi phí nhằm mục tiêu giảm nợ vay ngân hàng và các tổ chức. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, công ty đã thực hiện trả gốc vay hơn 148,4 tỷ đồng.
Mục tiêu chính năm nay của Đức Long Gia Lai là cơ cấu lại ngành nghề chiến lược theo hướng tập trung vào các lĩnh vực đã có kinh nghiệm, thế mạnh và dòng tiền tốt. Các lĩnh vực được kỳ vọng tăng trưởng tốt và sẽ mời gọi hợp tác là cơ sở hạ tầng, năng lượng xanh, khách sạn nghỉ dưỡng. Ngược lại, tập đoàn sẽ thoái vốn các ngành nghề đầu tư kém hiệu quả.
Về mặt tài chính, tập đoàn kỳ vọng đến hết năm 2025 sẽ trả dứt điểm các khoản nợ vay trên 1.000 tỷ đồng và tích lũy nguồn tiền để phát triển dự án mới.
Năm sau, Đức Long Gia Lai kỳ vọng doanh thu lên 1.550 tỷ đồng và lãi 170 tỷ đồng. Mục tiêu cho năm 2026 là doanh thu đạt 1.700 tỷ đồng và lãi ròng 250 tỷ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của Đức Long Gia Lai hơn 5.105 tỷ đồng, tăng 53 tỷ đồng so với đầu năm và 42 tỷ đồng so với báo cáo tự lập. Nợ phải trả của công ty hơn 4.507 tỷ đồng, tăng nhẹ so với 4.481 tỷ đồng ghi nhận trong báo cáo tự lập. Vốn chủ sở hữu xấp xỉ 598 tỷ đồng, lỗ sau thuế chưa phân phối hơn 2.617 tỷ đồng.
Vào 23/9, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) đã đưa cổ phiếu DLG vào diện cảnh báo vì đã chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024 quá 15 ngày so với thời hạn quy định.
Trước đó, DLG bị đưa vào diện cảnh báo từ ngày 13/4/2023 do tổ chức kiểm toán có ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán năm 2022 của tổ chức niêm yết, thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát theo quy định.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu DLG tăng 3,3% trong phiên giao dịch đầu tuần, lên 1.880 đồng. So với vùng giá 2.470 đồng hồi đầu năm, cổ phiếu này đã mất 24%.