Lời hứa 20 năm của Larry Berman với 'điệp viên hoàn hảo' Phạm Xuân Ẩn
Khi viết về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn, Giáo sư, nhà sử học Larry Berman đã hứa không sử dụng những thông tin có thể làm tổn thương đến nhiều người. Sau gần 20 năm, lời hứa đó vẫn còn.
LTS: Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, báo VietNamNet giới thiệu loạt bài với chủ đề “Ngày 30/4 - kỷ nguyên mới”.
Các chuyên gia, nhà quân sự, chứng nhân lịch sử chia sẻ những ký ức, bài học, kinh nghiệm từ thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đó là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, bài học huy động sức dân, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế; bài học ngoại giao, quân sự trong công cuộc kháng chiến cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đó là sự sáng tạo, kiên cường, là sức mạnh của chiến tranh nhân dân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bài học lớn trong phát huy nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giáo sư, nhà sử học Larry Berman là tác giả của cuốn sách “Điệp viên hoàn hảo X6” viết về Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn - phóng viên của Reuters, Tạp chí Time và New York Herald Tribune, đồng thời là vị tướng chiến lược tình báo của cách mạng Việt Nam.
Để hoàn thành cuốn sách này, Giáo sư Larry Berman đã đến Việt Nam gần 20 lần phỏng vấn ông Phạm Xuân Ẩn và thu thập tài liệu.

Giáo sư, nhà sử học Larry Berman và Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn. Ảnh: NVCC
“Điệp viên hoàn hảo X6” được xuất bản tại Mỹ vào năm 2007 gây ấn tượng mạnh với công chúng. Cuốn sách được tái bản nhiều lần và luôn là lựa chọn hàng đầu của nhiều người khi muốn tìm hiểu về vị tướng tình báo nổi tiếng nhất nhì Việt Nam.
VietNamNet trò chuyện với Giáo sư Larry Berman sau gần 20 năm kể từ khi cuốn sách được xuất bản.
TÔI MUỐN LÀ NGƯỜI VIẾT TIỂU SỬ VỀ PHẠM XUÂN ẨN
Nhìn lại hơn 25 năm về trước, sau lần đầu gặp mặt, tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn đã chọn ông trong hàng chục ứng viên nhà báo kỳ cựu sáng giá để chấp bút viết sách về cuộc đời tình báo của mình. Vậy tại sao ông Phạm Xuân Ẩn lại chọn ông và các cuộc phỏng vấn diễn ra như thế nào?
Lần đầu gặp Phạm Xuân Ẩn là khi tôi đang viết cuốn sách “Không hòa bình, Không danh dự: Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam”. Đây là cuốn sách viết về giai đoạn cuối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, tập trung vào các cuộc đàm phán bí mật giữa Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger và nhà ngoại giao của Việt Nam Lê Đức Thọ.
Tướng Phạm Xuân Ẩn nói với tôi rằng ông biết khá nhiều về chủ đề này và có thể giúp tôi hiểu rõ hơn các khía cạnh của câu chuyện. Hôm sau, chúng tôi gặp nhau ở quán cà phê Givral (quán cà phê nổi tiếng ở TPHCM trước đây, vì hay lui tới nơi này nên ông Phạm Xuân Ẩn còn có biệt danh là "tướng Givral") để thảo luận. Và đó chính là khởi đầu cho mối quan hệ giữa tôi và tướng Phạm Xuân Ẩn.
Khi sách “Không hòa bình, Không danh dự: Nixon, Kissinger và Sự phản bội ở Việt Nam” được xuất bản 2 năm sau, ông Ẩn đã đọc và nói với tôi cùng những người khác rằng cuốn sách được viết dưới góc độ công bằng nhất, do một nhà sử học người Mỹ về chiến tranh viết khi xem xét từ cả hai phía của các cuộc đàm phán. Ông ấy nhận định rằng tôi đã viết một cách khách quan với phía Việt Nam.
Càng trò chuyện nhiều và càng tìm hiểu về Phạm Xuân Ẩn, tôi càng muốn viết về ông ấy, không chỉ với tư cách là một điệp viên mà còn cả thời gian ông sống ở Mỹ và khi ông làm báo. Tôi muốn trở thành người viết tiểu sử của Phạm Xuân Ẩn.
Nói thì dễ hơn làm. Khi đó, Phạm Xuân Ẩn liên tục từ chối vì ông ấy tâm niệm sẽ mang theo những bí mật của mình xuống mồ. Bởi theo ông sẽ có nhiều người bị tổn thương nếu ông kể câu chuyện của mình.
Chỉ đến khi Phạm Xuân Ẩn phải nằm viện do phổi bị hư tổn nặng sau nhiều năm hút thuốc, thời gian không còn nhiều, trở về nhà từ bệnh viện, tôi nhận được tin nhắn rằng Phạm Xuân Ẩn muốn gặp tôi.
Một tháng sau, tôi có mặt tại TPHCM và một lần nữa đề nghị được chép lại câu chuyện đời ông trước khi quá muộn. Cả hai chúng tôi đều hiểu thời gian có hạn, và ông ấy cuối cùng đã chấp thuận.
Phạm Xuân Ẩn chỉ yêu cầu tôi không phản bội ông, tức là tôi không được đưa vào sách những điều ông kể ra dưới dạng thông tin nền để tôi hiểu hơn tình hình. Và đến hôm nay, tôi vẫn giữ lời hứa đó với Phạm Xuân Ẩn.
Sau này, vợ của tướng Phạm Xuân Ẩn là bà Hoàng Thu Nhạn đã viết thư cho tôi với nội dung: "Anh Ẩn đã yêu cầu ông khi viết về anh ấy là: giữ bí mật những gì cần thiết để bảo đảm an toàn cho những người bạn mà anh ấy luôn cảm kích, biết ơn. Và ông đã giữ lời hứa với anh ấy!..." (Lá thư được xuất bản trong cuốn Điệp viên hoàn hảo X6).

Một trong những tấm ảnh mà gia đình ưa thích, chụp ông Phạm Xuân Ẩn và bà Thu Nhạn. Nguồn: Tư liệu cá nhân của Phạm Xuân Ẩn
Các cuộc phỏng vấn diễn ra rất hấp dẫn. Tôi thường đến nhà Phạm Xuân Ẩn vào lúc 9 giờ sáng và nói chuyện cho đến khi ông ấy mệt. Ông cho phép tôi ghi âm tất cả các cuộc phỏng vấn và chia sẻ nhiều tài liệu cá nhân với tôi.
Tất cả các cuộc phỏng vấn sẽ sớm được cung cấp dưới dạng file kỹ thuật số để mọi người đều có thể lắng nghe, dù chỉ có điều là khi nghe băng, mọi người sẽ nghe thấy tiếng gà của nhà ông Ẩn vang lên trong nền. Đôi khi cuộc trò chuyện của chúng tôi kéo dài đến trưa, cũng có ngày chúng tôi nói chuyện đến 2-3 giờ chiều.
Tôi thực sự thích khiếu hài hước và những hồi ức của Phạm Xuân Ẩn. Một điều rất quan trọng nữa là ông ấy đã giới thiệu tôi với các thành viên của mạng lưới Cụm tình báo H63 như: Tư Cang (Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đại tá tình báo Nguyễn Văn Tàu) - người sau này cũng đã trở thành bạn của tôi; bà Ba (bà Nguyễn Thị Ba - nguyên thiếu tá tình báo, Anh hùng Lực lượng vũ trang) và những anh hùng khác của cách mạng Việt Nam như Đại tướng Mai Chí Thọ và Mười Hương (ông Trần Quốc Hương - Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, người chỉ huy mạng lưới tình báo chiến lược chống Mỹ).
Tôi đã dành nhiều giờ với họ, theo chân đến các địa điểm của Cụm tình báo H63, bao gồm những căn cứ an toàn và các điểm trao đổi mật thư.
ĐƠN GIẢN VÌ "CHÚNG TÔI LÀ BẠN"
Vậy ông có cảm nghĩ gì về Phạm Xuân Ẩn so với các điệp viên của Mỹ hoặc những điệp viên từ các quốc gia khác mà ông đã nghiên cứu?
Tôi gọi Phạm Xuân Ẩn là “điệp viên hoàn hảo” vì mỗi ngày khi còn hoạt động tình báo, ông ấy đều mạo hiểm một cách phi thường nhưng chưa bao giờ bị bắt. Ông ấy mỗi ngày sống giữa "kẻ thù" mà không biết liệu hôm đó có phải là ngày cuối cùng của mình hay không.
Câu chuyện của ông ấy là một ví dụ về "mê cung gương" trong thế giới tình báo. Phạm Xuân Ẩn đã xây dựng một mạng lưới tình báo trong khi vẫn làm việc dưới tư cách nhà báo cho Tạp chí Time, hình thành tình bạn sâu sắc với các nhà báo và quan chức Mỹ.

Giáo sư Larry Berman. Ảnh: Lê Anh Dũng
Mỗi tình bạn ấy vừa là tài sản vừa là gánh nặng, vì mỗi thông tin tình báo được chuyển cho đồng đội có thể khiến một người bạn thân thiết của ông phải đánh đổi bằng mạng sống.
Cốt lõi cảm xúc trong câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn nằm ở việc ông ấy từ chối để cuộc chiến tước đoạt khả năng xây dựng những tình bạn chân thành của mình.
Khi nhà báo người Mỹ Anson bị bắt ở Campuchia, Phạm Xuân Ẩn đã mạo hiểm mọi thứ để cứu thoát bạn mình, sau đó ông chỉ giải thích một cách đơn giản vì "chúng tôi là bạn”.

Phóng viên Robert Sam Anson của tờ Time bị Quân đội miền Bắc Việt Nam bắt ở Campuchia vì tưởng lầm là phi công Mỹ, sau đó được thả. Khi trao bản phân tích chiến dịch xâm lăng Campuchia của Nixon và báo cáo về tình hình tư tưởng lính Việt Nam Cộng hòa cho giao liên Nguyễn Thị Ba, ông Phạm Xuân Ẩn cũng gửi kèm lá thư đề nghị trả tự do cho Anson với nội dung “một người Mỹ tốt từng cứu trẻ em Việt kiều ở Tà Keo”. Hàng chục năm sau Anson mới biết người cứu mình là đồng nghiệp Phạm Xuân Ẩn.
Sau khi đất nước thống nhất, ước mơ lớn nhất của Tướng Phạm Xuân Ẩn là hàn gắn mối quan hệ Việt - Mỹ. Năm nay Việt Nam kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước và khá đặc biệt cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ. Là một sử gia nghiên cứu chính trị, ông đánh giá thế nào về mối quan hệ giữa hai nước?
Câu chuyện cuộc đời tướng Phạm Xuân Ẩn lên đến đỉnh điểm vào thời khắc Việt - Mỹ hòa giải. Tháng 9/2003, tàu USS Vandegrift thăm Việt Nam - lần đầu tiên một tàu hải quân Mỹ cập cảng Việt Nam kể từ khi chiến tranh kết thúc năm 1975.
Phạm Xuân Ẩn khi ấy tuổi đã cao, được chứng kiến cảnh những cựu thù ngày nào trở thành bạn bè. Chính sự chuyển biến ấy là minh chứng cho niềm tin sâu sắc nhất của ông Ẩn, rằng những mối quan hệ chân chính giữa con người có thể vượt qua ranh giới của ý thức hệ và chính trị. Phạm Xuân Ẩn đã được chứng kiến một chương mới mở ra trong quan hệ Việt - Mỹ. Trên thực tế, ông đã trở thành một phần của quá trình hòa giải rộng lớn hơn giữa hai kẻ thù xưa.

Thiếu tướng Phạm Xuân Ẩn trên tàu USS Vandegrift năm 2003. Ảnh tư liệu
Cuộc đời của Phạm Xuân Ẩn thể hiện nghịch lý của một người điệp viên không chịu để linh hồn mình bị sự dối trá làm cho tha hóa. Câu chuyện của ông là minh chứng cho khả năng của con người có thể duy trì nhân tính trong hoàn cảnh vô nhân đạo nhất, tìm thấy ánh sáng trong nơi tối tăm nhất của hoạt động gián điệp, chữa lành vết thương chiến tranh và thu hẹp khoảng cách giữa các quốc gia.
Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn nhắc nhở chúng ta rằng lòng nhân đạo, vị tha vẫn là hy vọng mạnh mẽ nhất để chúng ta chung sống hòa bình.
Việt Nam và Mỹ đã chuyển từ kẻ thù thành Đối tác Chiến lược toàn diện thông qua nhiều nỗ lực. Sinh thời, ông Phạm Xuân Ẩn mơ ước về một nước Việt Nam thống nhất, sạch bóng giặc ngoại xâm. Nhưng vì ông đã sống ở Mỹ trong suốt quãng đời làm tình báo, làm việc với người Mỹ, tìm hiểu về người Mỹ, ông tin rằng người Việt Nam và người Mỹ có chung nhiều giá trị và có thể là bạn bè.
Ước mơ của ông về quan hệ hai nước có thể được nhìn thấy trong mối quan hệ Việt - Mỹ ngày nay. Ông ấy chắc sẽ rất vui mừng khi biết nhiều sinh viên Việt Nam học tập tại Mỹ và trở về quê hương giống như ông đã làm, để đóng góp, xây dựng, phát triển Việt Nam.
PHẠM XUÂN ẨN RẤT VĨ ĐẠI NHƯNG CŨNG RẤT THỰC TẾ
Hiếm có người nước ngoài nào đến Việt Nam hàng chục lần chỉ để tìm hiểu và viết về một người Việt Nam. Ông có cảm thấy mình có duyên với Việt Nam? Ông có dự định thăm Việt Nam nếu còn đủ sức khỏe?
Bạn bè tôi nói rằng kiếp trước tôi là người Việt Nam. Tôi nghĩ là đúng. Tôi có một tình yêu và sự cảm mến đặc biệt dành cho người Việt Nam - những người luôn đối xử rất tử tế với tôi.
Các món ăn yêu thích của tôi cũng đến từ ẩm thực Việt Nam.
Có một căn phòng đặc biệt tại khách sạn Continental dành riêng cho Phạm Xuân Ẩn. Mỗi đêm khi ngủ, tôi dường như cảm nhận được linh hồn của anh ấy. Tôi vẫn đến thăm Việt Nam 2-3 lần mỗi năm.
Một tấm bảng đồng ghi nhớ về Phạm Xuân Ẩn được đặt tại căn phòng 307, lầu 2 của khách sạn Continental. Trong những năm 1960-1975, với vai trò là một phóng viên chi nhánh hãng thông tấn Reuters và sau đó là của Tuần báo Time tại Việt Nam có trụ sở đóng tại khách sạn này, Phạm Xuân Ẩn đã thu thập lượng lớn thông tin tình báo có giá trị đặc biệt quan trọng về các chiến lược chính trị, quân sự của Mỹ và chính quyền Việt Nam cộng hòa nhằm phục vụ cho công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Chúng tôi đang dự kiến thực hiện bộ phim điện ảnh quy mô lớn dựa trên nội dung sách của tôi. Kịch bản thực sự hay và chúng tôi đang cố gắng để bộ phim được gây quỹ và sản xuất hoàn toàn tại Việt Nam, với mục tiêu cạnh tranh ở giải Oscar. Tôi mong rằng mình còn sống được tới thời điểm bộ phim hoàn thành.
Tôi cũng đang viết một cuốn sách mới có tên: A Slow Walk with Death: The Lingering Legacy of Agent Orange (Tạm dịch: Bước đi chậm rãi với cái chết: Di sản còn sót lại của chất độc màu da cam). Cuốn sách là nguyên nhân chính khiến tôi thăm Việt Nam và trong tương lai sẽ có nhiều chuyến đi hơn nữa.
Tôi đặc biệt vui mừng khi bản dịch tiếng Việt “Điệp viên hoàn hảo X6” được rất nhiều người Việt trẻ đón đọc, họ cũng hay liên lạc với tôi.

Phạm Xuân Ẩn thực sự là một anh hùng đối với nhiều thế hệ người Việt Nam.
Câu chuyện của Phạm Xuân Ẩn nếu được dựng thành phim sẽ giúp ông được cả thế giới biết đến là một điệp viên có một không hai, đến nỗi cả bạn bè lẫn kẻ thù đều mang lòng kính trọng. Trong cuộc sống, Phạm Xuân Ẩn rất vĩ đại, gần như là một huyền thoại, nhưng ông cũng rất thực tế.
Giáo sư, nhà sử học Larry Berman là Giáo sư Danh dự tại trường Đại học California tại Davis. Ông đã viết về nhiều chủ đề liên quan tới Việt Nam, trong đó có các sách Hoạch định một thảm kịch: Quá trình Mỹ hóa cuộc chiến tranh tại Việt Nam; Cuộc chiến tranh của Lyndon Johnson: Đường tới ngõ cụt tại Việt Nam; Không hòa bình, Không danh dự: Nixon, Kissinger và sự phản bội tại Việt Nam; Điệp viên hoàn hảo: Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn, Phóng viên Reuters, Time, New York Herald Tribune... & Tướng Tình báo Chiến lược Việt Nam; ZUMWALT: Cuộc đời và Những dấu mốc thời gian của Đô đốc Hải quân Mỹ Elmo Russell Zumwalt, JR.
Ông đã đến Việt Nam hơn 30 lần và tin rằng kiếp trước từng sống ở Việt Nam.
Bài phỏng vấn có sử dụng một số tư liệu từ cuốn sách "Điệp viên hoàn hảo: Cuộc đời hai mặt phi thường của Phạm Xuân Ẩn, Phóng viên Reuters, Time, New York Herald Tribune... & Tướng Tình báo Chiến lược Việt Nam".