'Xám Ngố đi thành phố' để học cách yêu quê hương

Tiếp nối mạch truyện 'Hùm Xám qua sông', nhà văn Bùi Tiểu Quyên tiếp tục đưa nhân vật Xám bước vào hành trình mới trong 'Xám Ngố đi thành phố'.

 Nhà văn Bùi Tiểu Quyên tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Hoàng Yến.

Nhà văn Bùi Tiểu Quyên tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Hoàng Yến.

Lễ ra mắt sách Xám Ngố đi phố diễn ra hôm 20/4 tại Đường sách TP.HCM.

Trong thế giới nhộn nhịp của thành thị, Xám gặp Tony Tèo - Á quân cuộc thi Chó đẹp, cô Mít Lùn bán bánh canh trứng cút, cậu Sao Mực với giấc mộng làm “Hao Thiên Khuyển” và nhỏ Vẹt hoài niệm về cánh rừng Nam Mỹ. Mỗi nhân vật đều là lát cắt sinh động của đời sống đô thị, đầy ắp những câu chuyện vui nhộn, xúc động nhưng cũng không kém phần sâu sắc.

Thế giới thành thị hiện lên qua đôi mắt ngơ ngác của Xám là những cao ốc choáng ngợp, con người tất bật và những khoảng lặng cô đơn. Hành trình phiêu lưu ấy là sự lớn lên lặng lẽ của một nhân vật “ngố và không ngố”. Xám cảm hóa những kẻ từng chống đối bằng lòng tử tế, cứu người trong đám cháy bằng sự dũng cảm và học cách giữ cho trái tim mình luôn ấm giữa thành phố đôi khi lạnh lùng.

Hành trình của Xám Ngố không chỉ dừng ở những cuộc phiêu lưu mà lắng lại ở triết lý giản dị: đi để hiểu, đi để học, đi để trở về. Sau hành trình phiêu lưu, Xám mang theo món quà quý giá nhất: ký ức về thành phố, và tình cảm chưa từng đặt tên với những người đã chạm qua đời mình.

Nhưng dù hành trình có đưa Xám đi xa đến đâu, “chiếc la bàn” trong cậu vẫn luôn hướng về Đất Mũi - nơi có cụ Đước, có lời dặn của bác Giác, có rừng đước và dòng sông chín nhánh… Những hình ảnh ấy không chỉ gợi nhắc một địa danh, mà còn là cách để nhà văn gieo vào lòng độc giả - đặc biệt là độc giả nhỏ tuổi - ý niệm sâu sắc về quê hương, về ký ức dân tộc.

 Nhà nghiên cứu văn học Bùi Thanh Truyền tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Hoàng Yến.

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Thanh Truyền tại buổi ra mắt sách. Ảnh: Hoàng Yến.

Nhà nghiên cứu văn học Bùi Thanh Truyền nhận định: “Việc trao truyền tình yêu thương động vật rất quan trọng. Biết yêu loài vật, các em mới biết yêu người, sau đó là yêu cả dân tộc. Trọng trách ấy nhà văn viết cho thiếu nhi gánh vác vai trò rất quan trọng”. Và quả thật, qua đôi mắt nâu trong veo của chú chó Xám Ngố, bạn đọc - dù là thiếu nhi hay người lớn - đều có thể thấy lại bóng dáng của chính mình: đôi khi ngơ ngác giữa phố thị, đôi khi dũng cảm phi thường, và lúc nào cũng đau đáu về một chốn quê xa.

Trong buổi ra mắt sách, nhà văn Bùi Tiểu Quyên chia sẻ: “Phải cẩn trọng trong từng trang viết. Trẻ em sẽ không đọc nếu truyện không hay và nếu ta truyền tải sai, cái sai ấy sẽ ở lại rất lâu trong tâm hồn các em”. Chính vì thế, trước khi xây dựng nhân vật, chị dành thời gian tìm hiểu kỹ lưỡng từ tập tính các loài vật đến các địa danh gắn với lịch sử và chắt lọc từng chi tiết để tạo nên một thế giới vừa gần gũi vừa giàu tính biểu tượng.

Từ Hùm Xám qua sông đến Xám Ngố đi thành phố, nhà văn Bùi Tiểu Quyên đã thắp sáng hành trình trưởng thành bằng chất liệu văn chương vừa trong trẻo, vừa sâu lắng. Không cầu kỳ trong hình thức nhưng đầy ắp xúc cảm và giá trị nhân văn về lòng trung thành, nghĩa khí, và tình yêu quê hương sâu thẳm.

Nguồn Znews: https://znews.vn/xam-ngo-di-thanh-pho-de-hoc-cach-yeu-que-huong-post1547530.html