Logistics - 'mạch máu' của nền kinh tế

Được ví như 'mạch máu' của nền kinh tế, ngành logistics giữ vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao.

Hệ thống logistics còn hạn chế

Bình Phước là tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam - khu vực hành lang thương mại quan trọng với nhiều cửa ngõ ra, vào thuận lợi cả về đường bộ, đường sông, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Đồng thời giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa Việt Nam với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới. Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 4.686 ha, trong đó 8 khu công nghiệp đã được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng và đi vào hoạt động với tổng diện tích 1.194 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 70%, nhưng đến nay tỉnh vẫn chưa có một trung tâm logistics, khu công nghiệp logistics. Đây là một bất lợi lớn trong việc tạo động lực phát triển.

Ngành logistics giữ vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Hiện trạng cảng cạn tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, huyện Lộc Ninh (tháng 4-2022)

Hiện khoảng 80% doanh nghiệp (DN) logistics ở Bình Phước có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ nên việc tổ chức kinh doanh còn manh mún, phân tán, chênh lệch trình độ giữa DN trong nước và nước ngoài khá lớn. Do đó, khả năng cạnh tranh của các DN trong lĩnh vực logistics của địa phương rất yếu, không đáp ứng tốt các yêu cầu của khách hàng, nhất là với DN có vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đến thị phần bị thu hẹp. Vì vậy, Bình Phước cần phát triển cơ sở hạ tầng logistics, bất động sản logistics, hệ thống và các trung tâm logistics… để phát huy lợi thế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Theo GS.TS Đặng Đình Hào, Trường đại học Kinh tế quốc dân, Đại học quốc gia Hà Nội, xây dựng hệ thống logistics phát triển có vai trò kết nối, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, kinh tế Bình Phước phát triển đồng đều, thực hiện được các chỉ tiêu cơ bản theo nghị quyết của tỉnh. Nếu hệ thống logistics được xây dựng bài bản hơn, hệ thống hơn, quan tâm hơn thì chắc chắn các chỉ tiêu đó càng vượt trội, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách địa phương.

Giải pháp phát triển

Tại Bình Phước, những năm qua, logistics đã có đóng góp tích cực cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo luồng sinh khí mới cho nền kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của logistics ở Bình Phước chưa xứng tầm với điều kiện, tiềm năng hiện có của tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và yêu cầu của quá trình hội nhập. Các địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển dịch vụ logistics nhưng chưa kết nối hiệu quả với tỉnh Bình Phước. Đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, đặc biệt là cơ sở hạ tầng logistics vừa chậm vừa thiếu đồng bộ đã trở thành “điểm nghẽn” khiến ngành logistics chưa khai thác hết tiềm năng và phát triển như kỳ vọng.

GS.TS Đặng Đình Hào cho rằng: “Về hệ thống logistics, Bình Phước cần tăng cường nâng cao nhận thức cho các ngành, địa phương, DN về ứng dụng logistics, kết nối logistics để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Qua khảo sát, gần 70% DN cho rằng, nhận thức về logistics ở mức thấp. Còn qua nghiên cứu các tài liệu, chính sách hiện nay thì các vấn đề về hệ thống logistics, DN logistics, bất động sản logistics chưa được đề cập. Do vậy, tỉnh cần quan tâm phát triển logistics từ dịch vụ đến hệ thống, thể hiện trong các chính sách, văn bản”.

Trong quá trình làm việc, Ban chủ nhiệm đã thu thập rất nhiều tài liệu, dữ liệu cũng như thực hiện điều tra, khảo sát với số lượng, chất lượng rất tốt. Trên cơ sở đó đã nghiên cứu, phân tích khung lý thuyết, dữ liệu dự báo triển vọng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh và định hướng phát triển hệ thống logistics nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế với những mục tiêu rất cụ thể.

Bà BÙI THỊ MINH THÚY, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề cập “Tập trung phát triển mạnh một số ngành dịch vụ như: Dịch vụ du lịch, tài chính, tín dụng, bảo hiểm; dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đồng thời quan tâm phát triển các loại hình dịch vụ khác như: Logistics, dịch vụ kỹ thuật, tư vấn pháp lý… theo hướng tiện ích, chất lượng và từng bước đáp ứng theo chuẩn mực quốc tế”. Nhận thức rõ tầm quan trọng của logistics, tháng 8-2020, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đã họp tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu đánh giá các điều kiện và đề xuất giải pháp phát triển hệ thống logistics trên địa bàn tỉnh Bình Phước”. Kết quả, Trường đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học quốc gia Hà Nội được chọn thực hiện đề tài này.

Logistics không chỉ là một phương thức kinh doanh mang lại hiệu quả cao cho các DN đã được chuyên môn hóa mà còn phát triển, trở thành lĩnh vực có vai trò quan trọng trong giao thương trong nước và quốc tế. Logistics cũng đang được coi là xương sống, mô hình phát triển kinh tế toàn cầu trong tương lai. Do vậy, để phát huy tiềm năng, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa ngày càng tăng, cần xây dựng chiến lược phát triển hệ thống logistics của Bình Phước phù hợp. Trong đó, chú trọng quy hoạch lại hệ thống hạ tầng giao thông và hạ tầng phục vụ logistics để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho ngành logistics.

Hiền Lương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/28/139681/logistics-mach-mau-cua-nen-kinh-te