Lo ngại tiền tệ lan rộng ra toàn cầu khi đồng đô la mạnh lên
Việc đồng đô la Mỹ hồi phục đang khiến các ngân hàng trung ương và chính phủ trên khắp thế giới lo lắng và buộc họ phải hành động để giảm bớt áp lực lên đồng nội tệ.
Từ Tokyo đến Istanbul, các nhà hoạch định chính sách đang vào cuộc để bảo vệ tỷ giá hối đoái bằng cả lời nói và hành động khi nền kinh tế Mỹ kiên cường góp phần giữ cho đồng bạc xanh mạnh mẽ và đẩy lùi kỳ vọng về lãi suất thấp hơn của Mỹ.
Đồng đô la đã tăng giá so với hầu hết mọi đồng tiền lớn vào năm 2024, điều này đã khiến Nhật Bản ngày càng đưa ra cảnh báo về việc sẵn sàng can thiệp để cứu đồng yên khỏi mức thấp nhất trong 34 năm. Thổ Nhĩ Kỳ cũng thực hiện tăng lãi suất để thúc đẩy đồng lira, Trung Quốc và Indonesia đã chuyển sang ổn định đồng nội tệ, trong khi Thụy Điển và Ấn Độ cũng đang chịu áp lực về tỷ giá hối đoái.
Những nỗ lực tăng cường đó gợi nhớ đến năm 2022 khi các quan chức ở Thụy Sĩ và Canada than thở về tỷ giá hối đoái suy yếu trong bối cảnh lạm phát gia tăng và đồng đô la mạnh đã tàn phá các nền kinh tế mới nổi, góp phần dẫn đến vụ vỡ nợ lịch sử của Sri Lanka. Ngày nay, các quốc gia đang có gánh nặng nợ nước ngoài vẫn gặp rủi ro, trong đó Maldives và Bolivia đặc biệt dễ bị tổn thương nếu đồng đô la vẫn mạnh.
Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex cho biết: “Đồng đô la Mỹ tiếp tục gây áp lực lên các ngân hàng trung ương khác. Trong môi trường toàn cầu hiện tại, nơi các ngân hàng trung ương dường như đang tìm cách kết thúc chu kỳ thắt chặt của mình, dường như không có lối thoát an toàn nào để thoát khỏi sự thống trị liên tục của đồng đô la”.
Chỉ vài tháng trước, một cuộc suy thoái ở Mỹ dường như là điều không thể tránh khỏi. Thay vào đó, dữ liệu cho thấy nước này được hưởng lợi từ thị trường lao động thắt chặt, tâm lý lạc quan của người tiêu dùng và trợ cấp của chính phủ cho sản xuất, khiến các nhà đầu tư nhanh chóng đánh giá lại kỳ vọng của họ về việc cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Thị trường hiện đang định giá rằng Fed sẽ có 3 lần cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào năm 2024, giảm so với kỳ vọng 6 lần cắt giảm lãi suất hồi đầu năm, giúp nâng chỉ số đo lường đồng đô la của Bloomberg lên hơn 2% trong năm nay - và làm suy yếu các đồng tiền khác, đặc biệt đồng rupee Ấn Độ, đồng naira của Nigeria đều đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Stephen Miller, nhà tư vấn và chuyên gia thị trường kỳ cựu tại Grant Samuel Funds Management cho biết: “Đây là câu chuyện về chủ nghĩa ngoại lệ thuần túy của Mỹ… Mua đô la vẫn là giao dịch số một”.
Điều này cũng đang khiến các ngân hàng trung ương trên thế giới phải thực hiện phòng thủ.
Tuần trước, Nhật Bản đã cảnh báo về “hành động mạnh mẽ” để củng cố đồng yên. Indonesia đã nhiều lần can thiệp vào thị trường liên ngân hàng, kỳ hạn và trái phiếu để thúc đẩy đồng rupiah. Và với việc đồng nhân dân tệ của Trung Quốc ở mức thấp nhất trong biên độ giao dịch được phép so với đồng đô la, các nhà đầu tư đang theo dõi những động thái mạnh mẽ hơn sau những điều chỉnh đối với tỷ giá tham chiếu hàng ngày của đồng tiền này.
Các quốc gia khác đang tìm kiếm chính sách tiền tệ để hỗ trợ đồng nội tệ. Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ tăng lãi suất vào tháng trước, trong khi các quan chức Thụy Điển cho biết đồng krona yếu hơn có thể trì hoãn động thái nới lỏng tiền tệ đầu tiên của nước này.
Tỷ giá hối đoái quan trọng vì đồng tiền mất giá sẽ làm tăng chi phí hàng nhập khẩu, gây ra lạm phát khi những chi phí đó ảnh hưởng đến giá cả tại các cửa hàng tạp hóa và nhà máy. Trong khi đó, có nhiều khả năng tiền sẽ chảy ra khỏi một quốc gia có đồng tiền yếu để tìm kiếm lợi suất cao hơn ở nơi khác – hay còn gọi là sự tháo chạy vốn và sẽ gây tổn hại cho đầu tư và tăng trưởng trong nước.
Tuy nhiên, việc đơn phương can thiệp vào thị trường tiền tệ chỉ có thể mang tính chất tạm thời trong việc làm thay đổi tỷ giá hối đoái.
Nói về sự can thiệp của ngân hàng trung ương và chính phủ vào thị trường tiền tệ, Rajeev De Mello, nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại Gama Asset Management SA cho biết: “Họ đang cố gắng kéo dài thời gian. Nếu chúng ta bắt đầu có nhiều nghi ngờ hơn về việc cắt giảm lãi suất của Fed, thì việc can thiệp sẽ chẳng ích gì - biến động sẽ tăng lên và ý định sẽ trở nên vô nghĩa”.
Mặc dù các thị trường vẫn kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách trong năm nay, nhưng không phải ai cũng tin rằng điều đó sẽ mang lại sự cứu trợ cho thị trường tiền tệ.
Các ngân hàng trung ương sắp bắt tay vào chu kỳ cắt giảm lãi suất đồng bộ nhất kể từ năm 2008, và kịch bản như vậy là tín hiệu tốt cho đồng đô la, vì lãi suất chính sách của Mỹ được dự đoán sẽ vẫn là một trong những mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển lớn trong năm nay.
Carmen Reinhart, giáo sư tại Trường Harvard Kennedy và cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết: “Một điều khác ngoài sự can thiệp mà chúng tôi sẽ thấy và đã thấy là sự sẵn sàng đi trước Fed về mặt nới lỏng… Tôi cho rằng họ sẽ ngại làm điều đó hơn nếu họ lo lắng về tiền tệ”.
Michael Cahill, nhà phân tích ngoại hối tại Goldman Sachs cho biết: “Với tất cả những lời chỉ trích từ các nhà hoạch định chính sách toàn cầu, chúng tôi đang thấy sự thừa nhận từ các ngân hàng trung ương rằng việc cắt giảm lãi suất của Fed không nhất thiết sẽ mang lại sự cứu trợ, ít nhất là về mặt tiền tệ”.
Trong khi đó, Ed Al-Hussainy, chiến lược gia tỷ giá tại Columbia Threadneedle Investment cho rằng: “Chỉ có một giao dịch tiền tệ phát triển có thể thống trị tất cả… đó là mua đô la”.