Lo ngại Mỹ - Trung rơi vào chiến tranh lạnh ngày một gia tăng
Năm 2019 đánh dấu 40 năm quan hệ ngoại giao Mỹ và Trung Quốc, tuy nhiên, hai nước vẫn đắm chìm trong cuộc chiến kinh tế và địa chính trị. Ngay cả khi hai bên đã đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại nhằm hướng tới việc chấm dứt những bất đồng, năm 2019 ảm đạm vừa qua vẫn không đem lại nhiều hy vọng cho mối quan hệ đang ngày càng có nhiều mâu thuẫn.
Bất đồng thương mại khởi nguồn năm 2018 đã biến tấu thành một chu kỳ trả đũa lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực, từ công nghệ, an ninh quốc gia đến địa chính trị, khiến nhiều chuyên gia cho rằng điều này đang định hình lại cán cân quyền lực toàn cầu.
“Thỏa thuận thương mại bước một” đạt được mới đây được coi như một động thái giữ thể diện cho cả hai bên trong thời điểm khủng hoảng, nhưng các chuyên gia cho rằng nó còn lâu mới đủ để chấm dứt cuộc chiến thương mại kéo dài, giải quyết các căng thẳng sâu sắc và khắc phục thiệt hại gây ra cho cả hai nước và nền kinh tế toàn cầu.
Ngày càng nhiều các dấu hiệu cho thấy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng khác biệt và nhiều chuyên gia lo ngại về một cuộc chiến tranh lạnh mới, giữa nước Mỹ, với sự chia rẽ nội bộ chưa bao giờ hiện hữu rõ đến vậy và rút khỏi nhiều thỏa thuận quốc tế, và một Trung Quốc ngày càng hiếu chiến với cách tiếp cận ngoại giao kiểu “ăn miếng trả miếng”.
Chuyên gia về Trung Quốc Orville Schell cho rằng, việc Mỹ rút khỏi các tổ chức, hiệp định quốc tế, đang phủ bóng trên mọi khía cạnh trong quan hệ song phương và tạo môi trường tương tác “mới và nguy hiểm hơn”.
“Chúng ta đang ở giai đoạn mà mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng chia rẽ đáng báo động. Nếu không có phương hướng lãnh đạo sáng tạo và phù hợp, Mỹ và Trung Quốc sẽ trở thành hai chiến tuyến trong một cuộc chiến tranh lạnh mới”, chuyên gia cho biết.
Trong một cuộc phỏng vấn cuối năm, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị bày tỏ thất vọng rằng Lễ kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước hồi tháng 1-2019 đã bị lu mờ bởi sự hạn chế của Mỹ đối với Trung Quốc về thương mại, khoa học, công nghệ. Trong một bài phát biểu vào tháng 12-2019, ông Vương Nghị cũng gọi chính quyền Trump là một “kẻ gây rối trong thế giới ngày nay”, cáo buộc Mỹ đang làm suy giảm quan hệ song phương và cố kiềm chế Trung Quốc. George Magnus, chuyên gia của Trung tâm Trung Quốc tại Đại học Oxford, cho rằng bình luận của ông Vương Nghị không phải là điều bất ngờ, trong bối cảnh mối quan hệ thù địch và đối kháng giữa hai nước.
Trong khi những bất đồng cũ về Đài Loan, Tây Tạng hay Biển Đông chưa được giải quyết, Washington năm 2019 mở ra hàng loạt mặt trận mới - Tập đoàn viễn thông Huawei, Hong Kong và Tân Cương. Đáng chú ý, chính quyền Trump đưa Huawei và hơn 100 chi nhánh của tập đoàn này vào danh sách đen xuất khẩu với các cáo buộc về an ninh quốc gia bất chấp sự bác bỏ của Huawei về sự liên quan tới chính phủ, quân đội hay các cơ quan tình báo Trung Quốc. Mỹ cũng nỗ lực lôi kéo đồng minh tẩy chay công nghệ 5G của Huawei.
Chính quyền Trump cũng như các nghị sỹ Mỹ, nhiều lần chỉ trích Trung Quốc về các chính sách đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương hay các cuộc biểu tình phản đối chính quyền ở Hong Kong. EU và Canada cũng nằm trong số những nước Phương Tây bày tỏ lo ngại về vấn đề Tân Cương và Hong Kong.
Nhưng chính Mỹ mới là nước đặc biệt chọc giận Trung Quốc trong năm 2019, với các dự luật nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội. Trung Quốc cứng rắn đáp trả rằng, cả Tân Cương và Hong Kong đều là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc các thế lực nước ngoài đang can thiệp vào nước này vì mục đích chính trị.
Theo Hiệp hội học giả quốc gia Mỹ có trụ sở tại New York, tám viện Khổng Tử, các tổ chức nghiên cứu và quảng bá ngôn ngữ, văn hóa Trung Quốc tại Mỹ, đã bị đóng cửa trong năm 2019, và thêm ba tổ chức khác cũng sắp đóng cửa. Từ con số 103 vào tháng 4-2017, số viện nghiên cứu như vậy giảm xuống chỉ còn 88 vào cuối năm 2019. Dư luận ở Mỹ cũng quay lưng với Trung Quốc.
Cuộc khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew tháng 12 cho thấy, tỷ lệ thiện chí với Trung Quốc của người Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Theo các nguồn tin ngoại giao, trao đổi hai phía chính thức và không chính thức đã giảm đáng kể cả về số lượng, quy mô và cường độ.
Học giả của cả Trung Quốc và Mỹ đều thấy rõ mối quan hệ giữa sự lớn mạnh của Bắc Kinh và sự phát triển của mối quan hệ song phương hầu như không có xung đột giữa hai nước trong bốn thập kỷ qua. Nhiều chuyên gia cho rằng tương lai của sự cải cách và mở cửa của Trung Quốc vẫn sẽ phụ thuộc vào mối quan hệ với Mỹ.
Theo Yuan Peng, Chủ tịch Viện quan hệ quốc tế đương đại Trung Quốc, chính sách mở cửa của Bắc Kinh gần như bất khả thi nếu không có sự bình thường hóa quan hệ với Mỹ. Theo ông này, phiên toàn thể thứ ba của Ủy ban Trung ương lần thứ 11, được coi là sự khởi đầu của những cải cách của Trung Quốc và sự mở cửa nền kinh tế với Mỹ cũng như các nước phương Tây khác, diễn ra chỉ hai ngày sau thông cáo chung về thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc ngày 16-12-1978.
Nhiều chuyên gia bi quan về quan hệ Mỹ-Trung trong năm 2020, thậm chí một số lo ngại hai nước sẽ rơi vào một cuộc chiến tranh lạnh mới. Zhiqun Zhu, trưởng khoa quan hệ quốc tế Đại học Buckenll nói rằng, tình trạng mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc là đáng thất vọng nhưng đã tránh được kịch bản xấu nhất.