Lo ngại kho dự trữ sắp cạn kiệt, Mỹ dừng cung cấp tên lửa cho Ukraine
Lầu Năm Góc đã dừng một số lô viện trợ tên lửa phòng không và các loại đạn dược chính xác khác tới Ukraine vì lo ngại kho dự trữ của Mỹ sắp cạn kiệt, hai nguồn thạo tin cho biết.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth. (Ảnh: AP)
Quyết định này được đưa ra sau quá trình đánh giá nội bộ về kho vũ khí Mỹ theo yêu cầu của Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth.
Theo Reuters, những chuyến hàng vũ khí bị tạm dừng là các lô viện trợ mà chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden đã cam kết chuyển giao cho Kiev.
Trong số đó, có hàng chục tên lửa đánh chặn Patriot, tên lửa không-đối-không Stinger và AIM, hàng trăm hệ thống Hellfire và GMLRS, cũng như hàng nghìn quả đạn pháo 155mm. Một số vũ khí được chuyển đến châu Âu đã bị giữ lại khi chưa kịp bàn giao cho lực lượng Ukraine.
Trong một email, Lầu Năm Góc cho biết cơ quan này cung cấp cho Tổng thống Donald Trump các lựa chọn về viện trợ quân sự cho Ukraine phù hợp với mục tiêu chấm dứt xung đột.
"Bộ Quốc phòng Mỹ đang xem xét và điều chỉnh nghiêm ngặt cách tiếp cận để đạt được mục tiêu trên, đồng thời duy trì sự sẵn sàng của lực lượng Mỹ đối với các ưu tiên phòng thủ của đất nước", ông Elbridge Colby - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách chính sách - cho biết.
Phó Thư ký Báo chí Nhà Trắng Anna Kelly cũng bảo vệ động thái này như một bước đi cần thiết để ưu tiên nhu cầu quốc phòng của Mỹ. "Quyết định này được đưa ra sau khi Bộ Quốc phòng xem xét lại việc hỗ trợ quân sự cho các quốc gia khác. Lợi ích của Mỹ phải được đặt lên lên hàng đầu", bà Kelly nói.
Kiev đã nhiều lần lên tiếng bày tỏ thất vọng về sự ủng hộ ngày càng giảm sút từ Washington. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở The Hague vào tuần trước, nhưng không nhận được bất kỳ lời hứa chắc chắn nào. Ông Trump cho biết hệ thống Patriot "rất khó để có được" và Mỹ cần chúng để tự vệ.
Bộ trưởng Hegseth cho biết vào tháng trước, rằng Nhà Trắng đang cắt giảm tài trợ quân sự cho Kiev như một phần của chiến lược "Nước Mỹ trên hết" và với hy vọng đạt được một giải pháp ngoại giao.