Linh hoạt điều kiện vay để hỗ trợ doanh nghiệp 'khỏe', có sẵn đơn hàng
Doanh nghiệp mong muốn Ngân hàng Nhà nước linh hoạt điều kiện vay để doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn so với quy định...
Việc liên tục giảm lãi vay thời gian qua được xem là nỗ lực rất lớn của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, không chỉ mong lãi suất giảm, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn kiến nghị: Ngân hàng Nhà nước cần linh hoạt điều kiện vay để doanh nghiệp được vay vốn nhiều hơn so với quy định, nhất là số đơn hàng xuất khẩu bắt đầu tăng trong những tháng cuối năm.
“Cung vốn” và “cầu vốn” phải gặp nhau
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2023 tăng 7,7% so với tháng trước. Nếu so sánh với tháng 5 (tăng 4,3%), tháng 6 (tăng 4,5%), tháng 7 (tăng 0,8%), thì mức tăng của tháng 8 là rất khả quan.
Trong tháng 8/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 60,92 tỷ USD, tăng 6,7% so với tháng trước và giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 435,23 tỷ USD, giảm 13,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 10%; nhập khẩu giảm 16,2%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,19 tỷ USD. Một số chuyên gia kinh tế nhận định: Hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm được kỳ vọng khởi sắc, đặc biệt với các ngành hàng chủ lực như nông, thủy sản, dệt may…
Để đáp ứng nhu cầu vốn cho các doanh nghiệp trong những tháng cuối năm, mới đây nhất, 4 "ông lớn" ngân hàng là: Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank lại giảm mạnh lãi suất huy động với mức điều chỉnh khá lớn, từ 0,3 - 0,5 điểm % ở hàng loạt kỳ hạn, từ đó sẽ có cơ sở để tiếp tục hạ lãi vay, theo chỉ đạo trước đó của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi vay đối với đối với các khoản vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5 - 2%/năm theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đại diện một số ngân hàng cho biết: Hiện lãi suất cho vay bình quân đã về ngưỡng 8%/năm, tức là giảm 3% so với cuối năm 2022; đồng thời, các ngân hàng đang đẩy mạnh và kích thích cho vay, trở thành động lực để các doanh nghiệp tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường.
Chia sẻ với phóng viên báo Tin tức, ông Vũ Công Huân - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn HDC cho biết: Hiện doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất từ 9 - 10%, giảm 2 - 3% so với trước. Lãi suất giảm đã giúp doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí vốn vay thêm từ 0,7 - 0,8%. Với biên lợi nhuận của ngành thủy sản, mức lãi suất hiện tại của ngân hàng là phù hợp với doanh nghiêp[. Hiện thủ tục cho vay tín chấp cũng đơn giản hơn, do doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch.
“Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của HDC sang Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản là sản phẩm tôm sú, tôm thẻ, tôm chế biến giá trị gia tăng. Lượng hàng gom của công ty chủ yếu ở các tỉnh Cà Mau (chiếm 70%), Bạc Liêu, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bến Tre. Trong những tháng đầu năm, tình hình xuất khẩu các mặt hàng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào của Việt Nam tăng từ 30 - 35% so với thị trường Ấn Độ và Ecuador, nên đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp bị giảm từ 30 -32% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi hy vọng từ nay tới cuối năm, tình hình xuất khẩu sẽ khá hơn vì mặt hàng tôm ở Ấn Độ và Ecuador chuẩn bị hết mùa”, ông Vũ Công Huân chia sẻ.
Tuy nhiên lãnh đạo HDC cũng trăn trở: Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là thiếu nguồn vốn, do theo quy định của ngành Ngân hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ được vay tín chấp tối đa 5% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp cho năm trước. Hiện các đơn hàng xuất khẩu của HDC trong 3 tháng tới có giá trị khoảng 120 - 150 tỷ đồng. Để có tiền mua đủ sản lượng, gom hàng cho xuất khẩu, doanh nghiệp phải đi vay vốn theo hình thức tín chấp. nhưng ngân hàng chỉ cho vay từ 20 - 30 tỷ đồng, rất thấp hơn so với mong muốn của doanh nghiệp.
“Nếu muốn được giải ngân thêm, doanh nghiệp phải có tài sản thế chấp. Đây là điều kiện vô cùng khó với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Doanh nghiệp mong muốn được vay ngân hàng từ 80 - 100 tỷ đồng để hoàn thành các đơn hàng xuất khẩu cho các khách hàng trong những tháng cuối năm. Với những trường hợp như HDC đã có các đơn hàng xuất khẩu ổn định, phía ngân hàng có thể thẩm định dòng tiền trên hóa đơn, kiểm toán, báo cáo thuế của doanh nghiệp đầy đủ, kiến nghị hệ thống ngân hàng xem xét nới lỏng điều kiện cho vay tăng lên từ 10 - 15% trên tổng doanh thu của doanh nghiệp. Nếu chiếu theo quy định cũ sẽ làm giảm năng lực bán hàng của doanh nghiệp bởi hiện chúng tôi mới chỉ thu xếp được vốn để sản xuất cho 35% đơn hàng cung cấp cho thị trường trong nước", ông Vũ Công Huân cho biết.
Ông Lê Quý Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Xuất nhập khẩu Thủy sản Thanh Hóa nhấn mạnh: “Để được hỗ trợ vốn kịp thời, điều quan trọng là doanh nghiệp cần trao đổi thẳng thắn, minh bạch về tình hình kinh doanh để ngân hàng hiểu hơn và đồng hành, giúp tháo gỡ các vướng mắc nhanh nhất có thể”. Thời gian qua, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa đã được giảm 2% từ ngân sách Nhà nước (giảm thuế VAT), cộng thêm 1,5% từ ngân hàng đã giảm lãi suất cho doanh nghiệp. Điều này đã giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí sản xuất. Nhờ tiết giảm chi phí, đổi mới công nghệ và nỗ lực tìm kiếm các đơn hàng mới, doanh nghiệp đã duy trì lượng xuất khẩu ổn định từ 1.200 - 1.500 tấn ngao mỗi tháng.
Theo ông Trần Anh Khoa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Anh Khoa (Cà Mau) - chuyên xuất khẩu tôm sú, xuất khẩu đang có dấu hiệu hồi phục rõ do nhu cầu thủy sản phục vụ mùa Trung thu và lễ hội cuối năm. "Chúng tôi tiếp xúc thêm với nhiều khách hàng mới từ nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt khu vực châu Á hỏi mua hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp nhiều hơn, kỳ vọng kết quả kinh doanh khả quan", ông Trần Anh Khoa chia sẻ.
"Để tháo gỡ khó khăn và giúp các doanh nghiệp phục hồi, việc giảm lãi suất không phải là vấn đề cốt lõi mà cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, có sự vào quyết liệt từ phía các Bộ, ngành và địa phương cũng như việc nâng cao hiệu quả của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở các địa phương hiện nay", TS Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề xuất.
Ngoài ra phía doanh nghiệp cũng phải cơ cấu, rà soát lại các danh mục, khả năng để tiếp tục duy trì, xây dựng phương án, ổn định và có thể phát triển được.
Kích cầu tiêu dùng, “tăng tốc” tìm các đơn hàng xuất khẩu
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, suốt từ cuối năm 2022 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp gặp khó khăn nhất là không có đơn hàng xuất khẩu cũng như tiêu dùng trong nước, nên lượng hàng tồn kho tăng. Kinh tế tăng trưởng chậm so với kỳ vọng ban đầu. Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, những khó khăn này không phải do chính sách của Việt Nam.
“Từ nay tới cuối năm, việc kích cầu tiêu dùng trong nước và tìm kiếm đơn hàng xuất khẩu có vai trò cực kỳ quan trọng. Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính đã có nhiều biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân như: Giảm mức thu từ 10 - 50% đối với 36 khoản phí kể từ tháng 7/2023 tới hết năm; giảm thuế giá trị gia tăng - VAT từ 10% xuống còn 8% đối với nhiều mặt hàng để góp phần giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích cầu tiêu dùng, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm việc làm cho người lao động”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Tuy nhiên theo một số chuyên gia kinh tế, để “sưởi ấm” tổng cầu vẫn cần sự vào cuộc quyết liệt của Bộ Công Thương, Sở ban ngành để triển khai các hội chợ khuyến mại, giảm giá để tăng sức mua; hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp giảm chi phí trong khâu vận tải, thương mại để tiếp tục hạ giá, kích thích tiêu dùng trong nước, từ đó các doanh nghiệp quay trở lại cung ứng cho thị trường nội địa. Từ nay tới cuối năm, dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ tốt hơn, đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm đề ra từ 6 - 6,5%.
Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Minh Phong phân tích: Trong bối cảnh hiện nay, sức chịu đựng của doanh nghiệp có giới hạn. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các gói hỗ trợ tài khóa theo chương trình phục hồi tăng trưởng kinh tế của Nhà nước, phía NHNN cần tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) hạ lãi vay để doanh nghiệp hạ được chi phí, giảm giá thành.
“Để gỡ khó việc doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn vay vốn nhưng không có đầu ra, còn doanh nghiệp có đơn hàng nhưng vay không đủ vốn, phía ngân hàng nên xem xét điều chỉnh, gia tăng thêm các khoản vay phụ thuộc các điều kiện thị trường, cho vay dựa vào hợp đồng tiêu thụ, hợp đồng liên kết, những dự án mà có triển vọng dòng tiền trong bối cảnh sức mua còn yếu. Đặc biệt, cần phải quyết liệt thực hiện nghiêm, không để các doanh nghiệp phải chịu đựng các khoản phí xin –- cho, phí nhũng nhiễu, chi phí bôi trơn để doanh nghiệp không bị kiệt quệ”, TS Nguyễn Minh Phong kiến nghị.
Theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (HANOISME), các doanh nghiệp mong muốn NHNN cũng như các NHTM xem xét giảm thiểu các điều kiện vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo quy định của pháp luật như giảm 50% số điều kiện cho vay, chỉ giữ lại những điều kiện cho vay cơ bản.
“Càng cắt giảm điều kiện cho vay, doanh nghiệp càng tiếp cận dễ dàng hơn và tổng số vốn vay được nhiều hơn; đề xuất ngân hàng cơ cấu lại các khoản vay cũ từ quý III, IV/2022 đỡ gánh nặng về chi phí cho các doanh nghiệp. Theo đó, các ngân hàng xem xét sửa đổi quy trình thủ tục hành chính để rút ngắn thời gian thẩm định, phê duyệt khoản vay; đẩy mạnh chuyển đổi số.
Ngân hàng cần tích cực nghiên cứu thị trường và thực hiện ‘may đo’ sản phẩm phù hợp từng nhóm khách hàng để khách hàng tiếp cận vốn dễ hơn; tăng tối đa tỷ lệ vay tín chấp. Hiện, tỷ lệ vay tín chấp chỉ chiếm 15 - 20%, doanh nghiệp kỳ vọng muốn được vay tín chấp đến 35%, phần còn lại là tài sản bảo đảm. Đối với các doanh nghiệp, muốn vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp cần cung cấp hồ sơ, lịch sử thanh toán, công nợ, có đối tác uy tín hợp tác lâu dài... sẽ được ưu tiên”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.
Mấu chốt hiện nay là phải “sưởi ấm” tổng cầu, doanh nghiệp giải phóng được tồn kho mới có dòng tiền sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, phía các doanh nghiệp cần tăng cường tham gia các chương trình kết nối, giảm giá, khuyến mại tại các địa bàn trên toàn quốc, nhất là các vùng sâu, vùng xa để kích thích tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công phải được thực hiện quyết liệt hơn nữa.
Ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME):|
|Hiệp hội đề nghị Chính phủ, các Bộ ngành tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn, giảm thêm lãi suất; xem xét thành lập quỹ, dùng đòn bẩy tín dụng hỗ trợ vốn cho họ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện chiếm hơn 97% doanh nghiệp cả nước.
Theo kết quả khảo sát 10.000 doanh nghiệp gần đây cho thấy, hơn 59% cho rằng khó khăn lớn nhất là đơn hàng, trên 51% gặp vướng mắc liên quan tiếp cận vốn, còn lại là thủ tục hành chính. Vì thế, ngoài những biện pháp Chính phủ, Bộ ngành đã triển khai vừa qua như giảm thuế, giãn hoãn nợ, phí, NHNN cần điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng hơn qua tăng cung tiền, tăng tín dụng, giảm lãi suất và nới điều kiện cho vay để vốn vào sản xuất kinh doanh.