Liên tục giàu lên nhờ đưa khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở Hải Hậu
Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, nhiều HTX và nông dân tại Hải Hậu (Nam Định) đã từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập, làm giàu bền vững.
Hải Hậu từ lâu đã được biết đến là vùng quê giàu truyền thống văn hóa, cách mạng và cũng là một trong những địa phương đi đầu ở Nam Định trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Đổi mới tư duy
Trước đây, sản xuất nông nghiệp tại Hải Hậu chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, năng suất và chất lượng còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, huyện đã tích cực chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ cho người dân, đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản.
Các mô hình như nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hay ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc... đã được triển khai hiệu quả tại nhiều HTX như HTX Nông nghiệp Hải An, HTX rau củ quả Hải Chính, HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Trung...

Việc ứng dụng phương thức sản xuất thông minh hơn giúp nông dân Hải Hậu nâng cao hiệu quả sản xuất.
Chính những thay đổi trong tư duy sản xuất, cùng sự tham gia của các HTX đang giúp sản phẩm nông nghiệp huyện Hải Hậu không chỉ đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu, cho giá trị vượt trội.
Điển hình, ngay từ những ngày đầu thành lập, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng, Chế biến Thủy sản An Hòa (xã Hải Đông, huyện Hải Hậu) đã xác định ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại là yếu tố then chốt để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Để hiện thực hóa mục tiêu, HTX đã mạnh dạn đầu tư hệ thống ao nuôi theo mô hình tuần hoàn nước khép kín, sử dụng công nghệ lọc sinh học và điều tiết môi trường thông minh nhằm kiểm soát tốt các yếu tố đầu vào, hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Đặc biệt, sản phẩm chủ lực của HTX – ốc hương An Hòa – được nuôi theo quy trình nghiêm ngặt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2024, mở ra cơ hội mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Không chỉ dừng lại ở khâu nuôi trồng, HTX còn đầu tư vào dây chuyền chế biến và bảo quản thủy sản hiện đại, giúp kéo dài thời gian bảo quản, nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch. Quy trình sản xuất được số hóa từ khâu quản lý giống, theo dõi tăng trưởng đến truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
Nâng cao giá trị gia tăng
Nhờ đổi mới công nghệ và tư duy quản trị, thu nhập bình quân của các thành viên HTX An Hòa tăng rõ rệt qua từng năm. HTX cũng tích cực hỗ trợ các hộ liên kết trong khu vực tiếp cận kỹ thuật mới, chia sẻ mô hình sản xuất hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế nông nghiệp bền vững ở địa phương.
Với thành công đạt được, HTX An Hòa không chỉ là điểm sáng trong phát triển thủy sản công nghệ cao, mà còn là hình mẫu trong xây dựng mô hình kinh tế tập thể kiểu mới – gắn kết lợi ích cộng đồng với phát triển bền vững, từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp Việt Nam vươn xa trên thị trường.
Không chỉ là trường hợp đơn lẻ, trong những năm qua, huyện Hải Hậu đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc phát triển các HTX, tổ hợp tác, đặc biệt là việc ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.

Hải Hậu dự kiến đẩy mạnh khoa học công nghệ vào sản xuất, tăng giá trị kinh tế cho HTX, nông dân.
Đến nay, trên địa bàn huyện có trên dưới 50 HTX cùng hàng chục tổ hợp tác hoạt động hiệu quả. Có thể kể đến HTX Dược liệu Hải Hậu ACT, thành lập năm 2019, là một điển hình trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.
HTX đã trồng và chế biến cây dược liệu như dây thìa canh và cà gai leo theo tiêu chuẩn GACP-WHO, tạo việc làm thường xuyên cho 10-15 lao động với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng, và lao động mùa vụ lên đến 30-40 người với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Các sản phẩm của HTX đã đạt chứng nhận OCOP 3 sao năm 2020.
Những thành công trên là kết quả của hàng loạt chính sách hỗ trợ thiết thực, đi đúng hướng từ ban ngành chức năng huyện Hải Hậu, đặc biệt là vai trò kết nối, đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nam Định.
Cụ thể, trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam đã trực tiếp hỗ trợ tỉnh Nam Định nói chung và huyện Hải Hậu nói riêng xây dựng nhiều mô hình sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, tiêu biểu như xây dựng mô hình HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng tại xã Hải An. HTX này đã phát triển chuỗi giá trị gạo đặc sản "Tám xoan bao tử", góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập cho thành viên.
Thúc đẩy chuỗi liên kết
Đáng chú ý, để thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm, Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh phối hợp tổ chức cho các HTX tham dự các hội nghị, hội thảo giữa các doanh nghiệp với các HTX trong và ngoài tỉnh.
Qua đó đã có nhiều HTX ký được hợp đồng liên doanh, liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp, xây dựng chuỗi giá trị. Liên minh HTX tỉnh còn tổ chức cho các đoàn cán bộ HTX đi học tập mô hình ở các tỉnh bạn; đồng thời đón tiếp các đoàn khách của các tỉnh đến nghiên cứu, giao lưu, ký kết các chương trình hợp tác liên kết chuỗi hiệu quả. Qua các cuộc tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm đã giúp các đơn vị có thêm thông tin, mở rộng thị trường, liên doanh, liên kết phát triển sản xuất, kinh doanh bền vững.
Liên minh HTX tỉnh cũng liên tục nắm bắt nhu cầu của HTX, trên cơ sở đó phối hợp khai thác, tranh thủ nguồn lực từ Liên minh HTX Việt Nam, Quỹ Khuyến công quốc gia giới thiệu, đề xuất hỗ trợ đầu tư công nghệ, máy móc trang thiết bị, tem, nhãn, bao bì, thủ tục hồ sơ đăng ký chất lượng sản phẩm, bảo hộ sở hữu trí tuệ và truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Những chính sách hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nam Định đang góp phần giúp HTX đã tích tụ ruộng đất và hình thành nên các cánh đồng lớn, cánh đồng liên kết để liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất - tiêu thụ nông sản. Trong đó, HTX cung cấp dịch vụ, vật tư đầu vào, tổ chức sản xuất; doanh nghiệp thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất làm giảm giá thành, gia tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho HTX và các hộ thành viên.