Liên kết phát triển du lịch Bình Định và du lịch đường sắt khu vực

Nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Bình Định (31/3/1975-31/3/2025), sáng 31/3, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định tổ chức hội thảo với chủ đề 'Liên kết phát triển sản phẩm du lịch Bình Định và kết nối sản phẩm du lịch đường sắt Đà Nẵng, Khánh Hòa'.

Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Hội thảo đặt mục tiêu tăng cường phối hợp giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, cơ quan quản lý và điểm đến du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch kết hợp vận tải đường sắt và trải nghiệm nghỉ dưỡng, văn hóa, ẩm thực địa phương.

Hội thảo được chia thành 3 phiên thảo luận chính. Phiên 1 trình bày về tài nguyên du lịch đa dạng và các sản phẩm đặc sắc của Bình Định; giới thiệu các chương trình kích cầu và chính sách ưu đãi nhằm thu hút du khách đến tỉnh.

Phiên 2 là phần tham luận và ý kiến từ các đại biểu đại diện các địa phương Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam... và các doanh nghiệp lữ hành chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết phát triển sản phẩm du lịch đường sắt. Cùng với đó là phân tích tiềm năng và đề xuất giải pháp để tối ưu hóa liên kết giữa các địa phương.

Phiên 3 là phần kết nối doanh nghiệp, tạo cơ hội giao lưu giữa các doanh nghiệp của Hiệp hội du lịch Bình Định và các đối tác trong khu vực, từ đó thúc đẩy hợp tác, phát triển sản phẩm du lịch mới và khai thác tiềm năng tuyến đường sắt.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Thị Diệu Hạnh phát biểu tại hội thảo.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đỗ Thị Diệu Hạnh phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc, bà Đỗ Thị Diệu Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Định cho biết, trong những năm qua, ngành đường sắt Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đổi mới phương tiện và mở rộng mạng lưới kết nối nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ngoài đường bộ, đường hàng không, đường sắt không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn mang lại những trải nghiệm đặc biệt, giúp du khách khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa và lịch sử của các vùng miền một cách chậm rãi, thư thái và đầy cảm xúc. Loại hình này rất phù hợp cho nhiều du khách nhất là khách quốc tế.

Để khai thác hiệu quả hơn nữa lợi thế này, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành đường sắt, các đơn vị lữ hành, các điểm đến du lịch và các cơ quan quản lý nhà nước. Chúng ta cần xây dựng những sản phẩm du lịch hấp dẫn, kết hợp giữa vận tải đường sắt và các dịch vụ trải nghiệm đa dạng như nghỉ dưỡng, khám phá văn hóa, ẩm thực địa phương, bà Hạnh cho biết.

 Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo.

Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam Hà Văn Siêu phát biểu tại hội thảo.

Ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, Bình Định có rất nhiều điểm sáng về đầu tư như du lịch văn hóa, du lịch gắn với khoa học ngành tâm linh, du lịch ẩm thực… Sản phẩm du lịch có nhiều nhưng vẫn cần tiếp tục đổi mới để có những sản phẩm mới và bài toán hôm nay chúng ta nói về điểm đến du lịch Bình Định và thương hiệu Quy Nhơn.

Một trong những lợi thế lớn của Bình Định và Quy Nhơn là hệ thống giao thông, đặc biệt là đường sắt. Đường sắt rất an toàn, hấp dẫn và kinh tế, tạo ra nhiều trải nghiệm du lịch độc đáo. Do vậy, Bình Định cần tiếp tục đầu tư và hiện đại hóa hạ tầng đường sắt, kết nối với các phương thức vận chuyển khác để thu hút khách du lịch.

Đại biểu phát biểu tham luận.

Đại biểu phát biểu tham luận.

Đặc biệt cần tiếp tục đổi mới, sáng tạo các sản phẩm du lịch mới, đa dạng và có tính khác biệt để thu hút khách du lịch như: phát triển du thuyền, các sản phẩm gắn với đường sắt… Quy Nhơn được xem là trung tâm của các sự kiện văn hóa, chính trị và điểm đến lý tưởng cho du khách. Từ đó phát triển Quy Nhơn trở thành biểu tượng du lịch xanh, sạch, đẹp và độc đáo, nổi bật trên bản đồ du lịch quốc gia.

Để tăng hiệu quả xúc tiến, các chiến lược quảng bá cần được đổi mới thông qua các nền tảng công nghệ số, tạo sự khác biệt và thu hút du khách. Cùng với đó kết hợp với nhân vật có ảnh hưởng để mở rộng phạm vi tiếp cận và đưa sản phẩm du lịch Quy Nhơn-Bình Định đến gần hơn với du khách trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang cho biết, làm sao để du khách ở lại Quy Nhơn là vấn đề lãnh đạo tỉnh luôn trăn trở, vì vậy chúng tôi đã giao Sở Văn hóa phối hợp Hiệp hội tổ chức hội thảo du lịch để hiến kế cho tỉnh phát triển kinh tế nói chung, du lịch nói riêng.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu chỉ đạo.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu chỉ đạo.

Lâu nay nhiều địa phương hay nói chúng ta phát triển chưa tương xứng tiềm năng, thế mạnh, chưa khai thác được hết lợi thế của du lịch…, nhưng làm sao để khai thác tương xứng được lại là bài toán nan giải. Bởi vậy, chúng tôi thấy không có gì tốt hơn là nghe doanh nghiệp nói và chia sẻ với doanh nghiệp để tạo động lực cho sự phát triển, đồng chí Lâm Hải Giang cho biết.

Hiện các doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường nên phải làm sao có lãi, tuy nhiên đôi lúc cũng cần phi kinh tế thị trường để tạo nền tảng cho sự phát triển. Nhà nước sẽ là cầu nối cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển.

"Chúng tôi đang nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch thật sự với các tiêu chí đánh giá chi tiết, và mong muốn các doanh nghiệp tính toán lâu dài, đặc biệt không "ăn xổi, ở thì", bởi chúng ta sẽ không phát triển bền vững được với cách làm này", Phó Chủ tịch nhấn mạnh.

Đông đảo đại biểu tại các địa phương trong cả nước tham dự hội thảo.

Đông đảo đại biểu tại các địa phương trong cả nước tham dự hội thảo.

Thông thường các địa phương khi du lịch chưa phát triển thì du lịch trong lành, không có tình trạng chặt chém nhưng khi phát triển đến tầm nào đó, nếu không kiểm soát tốt thì những dịch vụ này phát sinh tiêu cực hơn so với trước…

Do vậy, chính quyền phải vào cuộc để kiểm soát những vấn đề này, qua đó tạo ra điểm đến an tâm cho du khách (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, an toàn tính mạng). Đây là những tiêu chí cụ thể chúng tôi sẽ triển khai trong thời gian tới, đồng chí Lâm Hải Giang nhấn mạnh.

Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Tổng cục Đường sắt Việt Nam thực hiện những chuyến tàu về Quy Nhơn chu đáo, bài bản hơn để làm sao cải thiện tốt nhất trải nghiệm cho du khách. Tôi đề nghị công ty đường sắt có cơ chế, chính sách đối với công ty lữ hành khi đưa khách tới Bình Định. Trong đó, có thể dành riêng 1 toa để thực hiện văn hóa, ẩm thực Bình Định.

Chi hội Lữ hành Bình Định ký kết hợp tác với các Chi hội và Câu lạc bộ Lữ hành địa phương khác.

Chi hội Lữ hành Bình Định ký kết hợp tác với các Chi hội và Câu lạc bộ Lữ hành địa phương khác.

Tại hội thảo, Chi hội Lữ hành Bình Định đã ký kết hợp tác với các chi hội và câu lạc bộ lữ hành từ khắp các tỉnh thành phố toàn quốc. Bên cạnh sự liên kết giữa các hiệp hội, chi hội, các doanh nghiệp lữ hành và lưu trú cũng tiến hành ký kết hợp tác chiến lược, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và mở rộng, phát triển thị trường du lịch.

Đại diện các cơ quan và doanh nghiệp tham dự kỳ vọng sự kiện sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, giúp Bình Định trở thành điểm đến hấp dẫn và trung tâm kết nối du lịch khu vực miền trung.

Với tầm nhìn chiến lược, tỉnh Bình Định đặt mục tiêu đón tiếp lượng lớn du khách trong những năm tới, góp phần thúc đẩy kinh tế-xã hội địa phương phát triển nhanh và bền vững.

LƯƠNG TÙNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lien-ket-phat-trien-du-lich-binh-dinh-va-du-lich-duong-sat-khu-vuc-post869009.html