Liên kết khai thác sản vật bản địa giúp người dân Phước Lộc mở ra 'cánh cửa' thoát nghèo
Tham gia vào tổ hợp tác nuôi ong lấy mật và trồng đẳng sâm đang mở ra 'cánh cửa' thoát nghèo cho người dân xã Phước Lộc (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam). Những sản vật bản địa nơi đây một khi được liên kết khai thác đúng hướng sẽ tạo hướng đi mới thay đổi tư duy của hộ nghèo trong sản xuất.
Nhiều người dân ở xã Phước Lộc đang tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Phước Lộc với mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao, không tốn diện tích, vốn đầu tư ban đầu không lớn. Từ đó giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm giàu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Chuỗi giá trị của tổ hợp tác
Từ việc tham gia tổ hợp tác với sự khuyến khích của chính quyền địa phương nhằm tăng sản lượng mật ong và nuôi ong rừng tự nhiên liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, đa số các hộ dân trong xã Phước Lộc đều sở hữu hàng chục bọng ong.

Đa số các hộ dân trong xã Phước Lộc đều sở hữu hàng chục bọng ong.
Trung bình mỗi bọng cho từ 2 đến 7 lít mật ong trong một mùa. Bọng ong được coi như tài sản riêng của từng hộ gia đình trong ngôi nhà chung là khu rừng già ở địa phương. Tuy ở trong rừng nhưng bọng ong của ai người đó thu hoạch chứ không lấy trộm của nhau.
Như một quy luật tất yếu, cứ năm nào hoa rừng nhiều thì năm đó mật ong sẽ được mùa và chất lượng mật cũng tốt hơn. Vì lẽ đó nên người dân ở Phước Lộc luôn trân trọng từng bông hoa và gần như không bao giờ tác động đến cây rừng. Bởi với họ, bảo vệ rừng là bảo vệ chất lượng cho các bọng mật, bảo vệ nguồn sống cho cả bản làng…
Theo Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Phước Lộc, khoảng đầu tháng 2 âm lịch, khi tiết trời ấm áp, người dân vào rừng chuẩn bị bọng để dụ đàn ong về làm tổ. Người dân thường chọn những thân cây lớn, nằm gần bờ suối, có nhiều bóng mát, những loại cây rừng có mùi hương để làm bọng, dụ ong.
Hàng năm, dân vừa đục tạo bọng mới, vừa kiểm tra lại các bọng cũ xem có cái nào bị hư hại để sửa chữa và chờ ngày khai thác mật. Bọng ong được đục trên thân cây, cách mặt đất chừng 1m, sâu khoảng 40cm và rộng 25cm.
Sau khi dụ ong vào bọng, người ta tìm chọn các viên đá dưới suối để đậy miệng bọng, rồi lấy đất bịt kín kẽ hở xung quanh, chỉ chừa lại 1 - 2 lỗ nhỏ bằng ngón tay cho ong chui vào làm tổ. Nhờ vào các dấu hiệu riêng trên những hòn đá, đến mùa, đàn ong sẽ tự tìm về tổ như tìm về chính ngôi nhà mình.
Phát huy hiệu quả nghề truyền thống
Là người nhiều năm nuôi ong trong các bọng cây, anh Hồ Văn Thước (trú thôn 3, xã Phước Lộc) cho biết, từ tháng 1 âm lịch, người dân sẽ sửa lại những bọng cây để ong về ở và sẽ khai thác mật vào cuối mùa xuân.

Nhiều hộ dânthoát nghèokhi tham gia vào Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Phước Lộc với mô hình nuôi ong lấy mật mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Mỗi bọng ong nuôi trong rừng tự nhiên trong một năm thu ít nhất nửa lít mật, nhiều thì cũng được 5 lít. Nghề làm chỗ để nuôi ong trong rừng đang mang lại thu nhập cho người dân địa phương” - anh Thước nói.
Sản phẩm mật ong Phước Lộc của Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Phước Lộc hiện được tiêu thụ rộng rãi, cùng với các chính sách khuyến khích của huyện Phước Sơn nên hoạt động nuôi ong lấy mật trên địa bàn phát triển khá mạnh.
Trong hoạt động nuôi ong lấy mật, chính quyền xã Phước Lộc đã hỗ trợ người dân tiến hành di thực đưa ong rừng về nuôi trong các thùng đặt dưới tán rừng. Việc di thực ong rừng tự nhiên trong các bọng cây về nuôi dưới tán rừng tự nhiên gần khu dân cư cũng nhằm giúp người dân rút ngắn được khoảng cách đi vào rừng lấy ong, đồng thời tăng sản lượng mật ong mỗi năm. Đồng thời, về lâu dài sẽ tạo vùng nguyên liệu ổn định, giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Và việc hình thành chuỗi liên kết nuôi dưỡng, chăm sóc và khai thác mật ong của Tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp và dịch vụ Phước Lộc giúp các hộ nuôi ong có điều kiện tiếp nhận kỹ thuật nuôi, phát huy hiệu quả nghề truyền thống, góp phần tạo cơ sở cho việc xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Nhờ đó mà mật ong Phước Lộc từ lâu đã được nhiều người biết đến là mật ong rừng tự nhiên. Sản phẩm của Tổ hợp tác cũng được công nhận sản phẩm OCOP nên có giá trị hơn.
Có thể nói mô hình nuôi ong theo chuỗi liên kết với vai trò chủ chốt của tổ hợp tác như vậy rất cần được nhân rộng. Tin rằng với sự quan tâm sâu sát, cụ thể hóa các hoạt động hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Quảng Nam thì việc phát triển kinh tế hợp tác ở xã Phước Lộc đối với nghề nuôi ong lấy mật sẽ còn tiến xa. Nhất là phát triển từ tổ hợp tác lên thành HTX nhằm tạo bệ đỡ vững chắc, cũng như quảng bá nâng tầm thương hiệu mật ong của địa phương.
Ngoài nuôi ong lấy mật thì ở xã Phước Lộc, người dân và đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang tiếp cận với mô hình liên kết trồng đẳng sâm. Từ cách đây 2 năm, trên địa bàn thực hiện mô hình “Trồng cây đẳng sâm” như một phần của phong trào “Đoàn kết sáng tạo” và cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Mô hình này thu hút sự tham gia của 20 hộ dân, trong đó có 19 hộ thuộc diện hộ nghèo, giúp thay đổi tập quán sản xuất và nâng cao nhận thức của bà con về áp dụng khoa học kỹ thuật.
Hướng đi mới thay đổi tư duy của hộ nghèo
Các hộ ở Phước Lộc khi tham gia mô hình đã được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đẳng sâm, đồng thời tham quan các mô hình trồng cây tương tự tại Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Sự hỗ trợ từ các tổ chức chính trị – xã hội đã giúp người dân nắm vững kỹ thuật và cách thức chăm sóc, sử dụng công cụ, máy móc để cải thiện năng suất.

Mô hình trồng cây đẳng sâm đang làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số ở Phước Lộc để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tham gia mô hình, ông Hồ Văn Đoàn đã trồng hơn 5.000 cây đẳng sâm trên đất rẫy. Ông Đoàn chia sẻ, ban đầu tiếp cận, ông cũng lo, sợ khó làm, khó bán. Sau khi đi học hỏi tại Nam Trà My, thấy người dân ở đây phát triển mô hình hiệu quả nên mạnh dạn trồng.
Theo UBND xã Phước Lộc, qua hơn một năm triển khai, diện tích trồng đẳng sâm tại địa phương đạt gần 9ha, tương đương 99.000 gốc, cây sinh trưởng tốt và dự kiến thu hoạch trong cuối năm 2025.
Có thể thấy đây là một hướng đi mới thay đổi tư duy của hộ nghèo trong sản xuất Theo tính toán, sau 2 năm trồng, các hộ dân có thể thu về khoảng 10.000kg đẳng sâm tươi. Với giá bán hiện tại 80-150 nghìn đồng/kg, cây đẳng sâm hứa hẹn trở thành nguồn thu chính giúp người dân thoát nghèo bền vững, có sinh kế ổn định. Định hướng đến năm 2030, xã Phước Lộc sẽ phát triển thành vùng dược liệu trọng điểm của huyện Phước Sơn, trong đó cây đẳng sâm là sản phẩm chủ lực.
Lãnh đạo UBND xã Phước Lộc cho biết, thời gian qua, xã Phước Lộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của việc phát triển và sử dụng dược liệu gắn với triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số của xã vươn lên thoát nghèo bền vững”. Sự hưởng ứng tích cực của người dân được xem là thành công ban đầu của mô hình.
Trong quá trình triển khai thực tế, mô hình nêu trên gặp nhiều khó khăn như đất khô cằn, thiếu nước tưới, thời tiết khắc nghiệt với các đợt nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng đến sự phát triển của cây. Chính quyền xã Phước Lộc đã kết hợp tuyên truyền người dân giữ rừng, bảo vệ nguồn nước, xây dựng bể chứa nước tại các vị trí phù hợp và hỗ trợ các hộ dân áp dụng kỹ thuật tiết kiệm nước.
Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật nông nghiệp hướng dẫn người dân trồng thêm cây sắn, bắp để tạo bóng mát cho cây đảng sâm phát triển, nhất là trong mùa nắng nóng. Cây sắn, bắp khi thu hoạch cũng cho nguồn thu nhập trước mắt trong thời gian chờ đẳng sâm đến kỳ thu hoạch. Hiện nay, chính quyền xã Phước Lộc đang tích cực huy động các nguồn hỗ trợ để mở rộng mô hình.