Liên kết để MICE là thế mạnh của du lịch Việt Nam
Du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo với tham quan, nghỉ dưỡng,…) được nhận định là 'mảnh đất màu mỡ' của Du lịch Việt Nam hậu đại dịch. Tuy nhiên, việc khai thác để loại hình này thành 'đặc sản' của du lịch Việt Nam cần rất nhiều yếu tố, trong đó tính liên kết được coi là yếu tố then chốt.
Tọa đàm “Du lịch MICE: Xu hướng và cơ hội” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Câu lạc bộ Du lịch MICE (VMC) diễn ra tại Hà Nội chiều 14/9, các chuyên gia du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn đã thảo luận về thực trạng của du lịch MICE, từ đó đưa ra những giải pháp du lịch MICE phát triển bền vững, trở thành một loại hình chủ chốt của du lịch Việt.
MICE - “Mảnh đất màu mỡ” của du lịch Việt
Theo ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, MICE là một hoạt động quan trọng trong ngành du lịch và đã phát triển được khá lâu, và ngày càng quan trọng. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, MICE trở thành loại hình du lịch được ưu tiên phát triển, phát triển nở rộ ở tất cả các nước trên thế giới. Ngay tại Việt Nam, trong 2 năm vừa rồi MICE đã phát triển mạnh mẽ.
Số liệu của Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist cho thấy, lượng khách MICE trong quý III năm nay đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty đã phục vụ tổng cộng hơn 40.000 khách du lịch MICE trong và ngoài nước. Trong đó, lượng khách MICE trong nước đạt 32.180 khách. Ngoài tăng số lượng các đoàn, quy mô mỗi đoàn khách cũng tăng đáng kể, lên tới cả nghìn người (như Hồ Tràm, Phan Thiết)….
Từ thực tế hoạt động tổ chức các giải chạy có quy mô hàng chục ngàn người tại nhiều điểm đến nổi tiếng trong nước, ông Nguyễn Đức Anh, Tổng Giám đốc Vplus, Chủ tịch Câu lạc bộ MICE Việt Nam (VMC) cho hay, thực tế từ nhiều năm nay, du lịch MICE ngày càng phát triển tốt không chỉ về lượng mà còn về chất. Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn thay vì cho nhân viên đi du lịch thông thường, nay đã có sự kết hợp với các hội thảo, sự kiện hoặc lễ tổng kết đi kèm.
Theo Bà Lê Hạnh, CEO Vietluxtour Hà Nội, y, dược phẩm và tài chính ngân hàng là hai lĩnh vực có nhiều công ty tổ chức du lịch sự kiện và hội nghị nhất.
“Mặc dù khó khăn kinh tế, khách thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có doanh nghiệp dành ngân sách cho du lịch MICE để đào tạo văn hóa, giá trị cốt lõi, cống hiến và đóng góp cho cộng đồng, điểm đến”, bà Hạnh thông tin.
Đánh giá về tiềm năng du lịch MICE của Việt Nam, ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch cho hay, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Bình Thuận,… là những địa phương có tiềm năng để phát triển du lịch MICE, kể cả địa phương miền núi. Các điều kiện, tiềm năng đều có thể biến Việt Nam thành điểm đến du lịch MICE hấp dẫn.
Trong khi đó, khi so sánh lợi thế cạnh tranh với các quốc gia trong khu vực, ông Đỗ Văn Thức, CEO Đất Việt Tour khá lạc quan về tương lai của du lịch MICE Việt Nam. Từ trải nghiệm thực tế không tốt khi phải thuê màn hình led với chi phí quá đắt đỏ để tổ chức sự kiện cho 300 khách Việt Nam ở Bali (Indonesia), ông Thức cho rằng, giá cả ở Việt Nam rất cạnh tranh.
Ông Thức đánh giá, với đoàn khách MICE trung bình từ 1.000 người trở xuống, cơ sở hạ tầng ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng được, với chi phí cạnh tranh hơn, giúp gia tăng trải nghiệm cho khách hơn “khi 30% chi phí là hoạt động cộng thêm chứ không phải là lưu trú và ăn uống”.
Không chỉ hoạt động trong nước, du lịch MICE Việt Nam đã có nhiều hoạt động ở nước ngoài. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình nhận định, “MICE ở Việt Nam đã có sự phát triển một cách bình đẳng”, khi chúng ta có khách nước ngoài (Ấn Độ, Thái Lan, Hàn Quốc, …) vào tổ chức MICE tại Việt Nam và khách Việt Nam cũng ra nước ngoài tổ chức hoạt động MICE. Điều này cũng thể hiện trình độ tổ chức hoạt động MICE của Việt Nam đang ngày càng bài bản hơn, hoàn thiện hơn.
Nắm bắt xu hướng phát triển mạnh mẽ hậu đại dịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã thành lập VMC là tổ chức xã hội chuyên nghiệp và duy nhất về du lịch sự kiện tại Việt Nam. VMC hiện quy tụ gần 100 thành viên bao gồm các công ty chuyên tổ chức du lịch sự kiện, các nhà cung cấp ở quy mô lớn liên quan đến nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển, trang thiết bị phục vụ cho loại hình này trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Việc thành lập VMC được kỳ vọng giúp du lịch MICE của Việt Nam tăng tính chuyên nghiệp và đồng bộ hơn.
Phát triển mạnh mẽ trong 2 năm qua, nhất là sau đại dịch Covid-19 song du lịch MICE ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức, chưa được khai thác hết tiềm năng của loại hình du lịch này.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Phó Chủ tịch VMC cho rằng, MICE là dòng khách chất lượng cao giàu tiềm năng, tiềm năng rất lớn nhưng hiện chúng ta mới khai thác được phần nhỏ.
Nguyên nhân là MICE còn sự liên kết chặt chẽ giữa các bên, nhiều địa phương chưa có chính sách để hỗ trợ loại hình này để phát triển. Cụ thể hơn, nhiều nơi còn chưa có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ các doanh nghiệp đưa khách ở các nơi khác đến.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, phát triển du lịch MICE không dễ vì nó đòi hỏi 2 yếu tố: Thứ nhất là kỹ thuật, MICE đòi hỏi phải có hạ tầng đủ để tổ chức được sự kiện lớn hàng ngàn người. Thứ 2 là công nghệ. Hiện ứng dụng 4.0 trong tất cả các lĩnh vực. Do đó MICE phải là người đi đầu ứng dụng công nghệ cao để đẩy hiệu quả của việc truyền thông trong du lịch MICE. Hai yếu tố này đòi hỏi phải có đầu tư.
Hiện nay một loạt địa phương đã bắt đầu xây dựng cơ sở vật chất. Tuy nhiên, ông Bình nhấn mạnh: “Các địa phương không nên chạy theo phong trào mà cần phải tự nhận biết xem có đủ điều kiện để phát triển hay không kẻo xây một hội trường khổng lồ nhưng không tổ chức được gì thì sẽ lãng phí vô cùng”.
Phát triển du lịch MICE là phát triển hệ thống dịch vụ đi kèm và những dịch vụ ấy phải phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương, quốc gia trong đó có văn hóa truyền thống, ẩm thực và có những điểm tham quan giải trí và nhiều hoạt động khác để có thể khai thác giá trị của khách.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, du lịch MICE Việt Nam hiện nay cần có sự đồng bộ về chính sách, chiến lược riêng về phát triển du lịch MICE. Viện trưởng Viện nghiên cứu Du lịch dẫn chứng việc Thái Lan, Singapore hiện đều có chiến lược phát triển riêng cho loại hình MICE, ngược lại tại Việt Nam các doanh nghiệp vẫn đang tự làm, tự mày mò.
“Ở Việt Nam gần như chưa có các thống kê, nghiên cứu chuyên sâu về các loại hình du lịch, về thị trường, kể cả như Viện Nghiên cứu Du lịch cũng chỉ là nghiên cứu bước đầu về MICE. Trong khi du lịch MICE toàn cầu có số liệu, tiềm năng gần 800 tỷ USD, hiệu quả rất lớn nên các quốc gia đều chú trọng”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Du lịch nói.
Do đó, ông Tuấn cho rằng, cần sớm có định hướng chiến lược cho phát triển MICE toàn ngành; cần sự kết nối đồng bộ, cần sự vào cuộc của địa phương, doanh nghiệp, cộng đồng.
Ông Tuấn cũng nhấn mạnh thêm, ngoài những yếu tố trên, xét về tổng thể, vấn đề liên kết đang là điểm yếu của du lịch MICE Việt Nam. Đó là liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa các doanh nghiệp với các doanh nghiệp, giữa các địa phương với nhau.
Ngoài ra, việc khai thác và phát triển dòng sản phẩm MICE còn đang đối mặt với không ít thách thức và cạnh tranh từ chính các nước trong khu vực và các địa phương của Việt Nam.
Giám đốc điều hành Fantasea Travel (đơn vị chuyên đón khách châu Á), ông Đào Việt Long, nhận xét, làm du lịch MICE cho nội địa đã khó, cho khách inbound còn khó hơn. Bởi sau Covid, du lịch hồi phục, du lịch MICE Việt Nam đã đón nhận một số tín hiệu tốt từ thị trường gần như Malaysia, Singapore, Ấn Độ...
Nhưng gần đây, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, Việt Nam vấp phải cạnh tranh điểm đến khốc liệt như Thái Lan, Trung Quốc.. Điển hình Thái Lan làm mạnh đến mức từ tháng 9 miễn visa 5 tháng cho khách Trung Quốc vào Thái Lan. Trung Quốc cũng miễn visa 15 ngày cho khách Singapore.
Phân tích thực trạng của du lịch MICE Việt Nam hiện nay, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành cho rằng công tác quảng bá, xúc tiến tới các thị trường tiềm năng về du lịch MICE là vô cùng cần thiết. Cùng với đó, để du lịch MICE phát triển bền vững thì cần sự triển khai một cách đồng bộ các dịch vụ liên quan, đào tạo nhân lực chuyên nghiệp, thu hút đầu tư vào MICE, cần có chính sách tháo gỡ những điểm nghẽn để đẩy mạnh liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ, giữa Chính phủ, Bộ, Ngành với doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp…