'Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của một dân tộc kiên cường'
Theo TS Nguyễn Thị Liên, lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của một dân tộc kiên cường, bền bỉ trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Trong suốt chiều dài hơn 4 nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt Nam đã bao lần phải vùng lên đánh đuổi giặc ngoại bang xâm lược. Vì thế, nỗi ước mong, khát vọng hòa bình, độc lập luôn dồn nén, cháy bỏng trong mỗi người dân nước Việt. Đến khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, khát vọng ấy đã được thổi bùng lên, biến thành sức mạnh dời non lấp biển. Ngày 2/9/1945, ước mong cháy bỏng của dân tộc đã thành hiện thực.
Từ một nước Việt Nam thuộc địa, không có tên trên bản đồ thế giới, dân tộc Việt Nam đã có thể ngẩng cao đầu, đã hiên ngang khẳng định vị thế là một quốc gia độc lập, tự chủ. Sau ngày lập nước, lớp cha trước, lớp con sau lại nối tiếp nhau chiến đấu, hi sinh để bảo vệ và giữ vững nền độc lập.
Trong không khí tự hào của ngày Tết độc lập, chúng ta cùng nhìn lại một chặng đường đầy gian nan, thử thách nhưng cũng vô cùng vinh quang và tự hào của dân tộc Việt Nam qua trao đổi giữa phóng viên VOV với Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên, Giảng viên chuyên ngành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.
Tuyên ngôn độc lập khẳng định khát vọng tự do, độc lập
PV: Trong Bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc tại Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, Người đã khẳng định đanh thép rằng“Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Theo bà, lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa như thế nào trong thời điểm lúc bấy giờ?
TS Nguyễn Thị Liên: Có thể khẳng định, độc lập dân tộc, đó là một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của biết bao thế hệ người Việt Nam. Trước quốc dân đồng bào, vào ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Tuyên ngôn độc lập khẳng định khát vọng tự do, độc lập và ý chí quyết tâm bảo vệ những khát vọng đó của dân tộc Việt Nam.
Để làm nên Cách mạng Tháng Tám, giành độc lập cho dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã trải qua chặng đường đấu tranh đầy gian khổ, hy sinh. Hàng ngàn chiến sĩ bị địch bắt, khủng bố, tra tấn dã man. Trong thời kỳ này, chúng ta bị bắt không còn một đồng chí Ủy viên Trung ương nào. Đó là sự thiệt hại mất mát to lớn của cách mạng Việt Nam. Vượt lên những tổn thất ấy, Đảng Cộng sản Việt Nam cùng sự đồng thuận của toàn thể dân tộc Việt Nam đã đưa cuộc cách mạng tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám giành chính quyền.
PV: Giành chính quyền đã khó, giữ được chính quyền lại càng khó khăn hơn. Lời khẳng định của Bác cũng là lời nhắc nhở để toàn dân tộc chúng ta chuẩn bị cho những ngày tháng cam go, ác liệt đang chờ phía trước?
TS Nguyễn Thị Liên: Vâng, câu nói của Bác cũng là động lực, nhắc nhở toàn dân tộc sẵn sàng chuẩn bị cho những thử thách phía trước. Bởi vì, sau Cách mạng Tháng Tám, đất nước trải qua vô vàn khó khăn. Bộ trưởng Bộ Tài chính Lê Văn Hiến nhận định, Chính phủ cách mạng lúc đó là một Chính phủ “không tiền”; về văn hóa - xã hội với hơn 90% dân số mù chữ. Về đối ngoại, chúng ta không được nước nào công nhận nền độc lập, chính quyền non trẻ; quân đồng minh kéo vào Đông Dương cùng với 20 vạn quân Tưởng, thù trong, giặc ngoài…tình thế đất nước khi ấy như ngàn cân treo sợi tóc. Như vậy, vượt qua những khó khăn, thử thách, nhân dân Việt Nam không có mong muốn gì hơn là nền hòa bình, độc lập thực sự, toàn vẹn lãnh thổ, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, Nhân dân Việt Nam được tự do, hạnh phúc.
PV: Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chúng ta đã ở vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, chúng ta đã phải đương đầu với thực dân Pháp quay trở lại xâm lược lần thứ hai. Vậy là chặng hành trình gìn giữ, bảo vệ nền độc lập của dân tộc Việt Nam đã bắt đầu phải không, thưa bà?
TS Nguyễn Thị Liên: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta lần thứ 2. Sau rất nhiều nỗ lực ngoại giao, thể hiện thiện chí hòa bình của dân tộc nhưng vẫn bị Pháp khước từ và chúng dã tâm quyết cướp nước ta lần nữa. Trước tình hình hết sức căng thẳng và gấp rút, Hồ Chủ tịch đã thay mặt Trung ương Đảng, thay mặt Chính phủ viết Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến.
Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến khẳng định khát vọng hòa bình, ý chí và quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Trong dòng chảy liên tục của lịch sử dựng nước và giữ nước, mong muốn hòa bình để dựng xây đất nước là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam. Khát vọng hòa bình của nhân dân ta sẽ không bao giờ có được khi kẻ thù có dã tâm xâm lược nước ta. Cho nên, Người khẳng định rõ ý chí, quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong bảo vệ nền độc lập, tự do - thành quả của Cách mạng Tháng Tám vừa giành được.
Trải qua chiến tranh ác liệt, Nhân dân ta càng thêm trân trọng giá trị của độc lập, tự do
PV: Khi vận nước lâm nguy, lời thề độc lập chính là tiếng nói hiệu triệu toàn thể dân tộc Việt Nam đứng lên đánh đuổi quân xâm lược, dẫu phải hi sinh, chúng ta cũng quyết giành cho được hòa bình, độc lập. Và điều này được minh chứng rõ nét, sinh động trong cuộc đương đấu với đế quốc Mỹ, thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên?
TS Nguyễn Thị Liên: Ngày 17/7/1966, Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước. Trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có câu nói nổi tiếng bất hủ và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Lời kêu gọi có ý nghĩa như một cuộc vận động lớn, để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc thống nhất ý chí, thống nhất niềm tin, củng cố ý chí để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trải qua chiến tranh ác liệt, Nhân dân ta càng thêm trân trọng những giá trị của độc lập và tự do. Đất nước Việt Nam khi ấy nhỏ bé về địa lý, kiệt quệ về tài chính bởi chính sách vơ vét, bóc lột của chủ nghĩa thực dân. Nhưng nhờ sức mạnh tổng hợp của toàn dân đánh giặc, khó khăn tưởng chừng không thể nào khắc phục được. Chúng ta đã vượt qua.
PV: Thưa tiến sĩ, từ tinh thần quật khởi của dân tộc ta trong những ngày đầu lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bà suy nghĩ thế nào về sức mạnh của tinh thần yêu nước Việt Nam trong suốt hành trình đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược, bảo vệ núi sông, bờ cõi?
TS Nguyễn Thị Liên: Lịch sử dân tộc Việt Nam là lịch sử của một dân tộc kiên cường, bền bỉ trong công cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Từ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống nhà Hán đô hộ, đến chiến thắng Đường, Tống, Nguyên, Minh, đánh bại 200.000 quân xâm lược nhà Thanh cuối thế kỷ XVIII, đã chứng minh hùng hồn tinh thần yêu nước, quật khởi của nhân dân ta.
Những chiến công hiển hách ấy không chỉ nói lên tinh thần yêu nước, sự đồng tâm nhất trí giữ nước và dựng nước của ông cha ta mà còn khẳng định sức mạnh vô địch của nhân dân. Nhân dân là người làm nên lịch sử, sức dân là vô địch. Chính những người dân chân lấm, tay bùn, biết bao đời lao động cần cù, hai sương một nắng, đã dời núi, lấp biển dựng nên hình hài Tổ quốc. Và đã biết bao lần mang xương máu của mình tạo nên bức tường thành vững chắc để giữ gìn, bảo vệ quê hương, đất nước tươi đẹp của chúng ta.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội
PV: Trong chiến tranh hay hòa bình, trong khó khăn hay thuận lợi thì Đảng ta cũng luôn kiên định, kiên trì mục tiêu là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì sao chúng ta phải luôn gắn kết hai mệnh đề này chặt chẽ với nhau như vậy?
TS Nguyễn Thị Liên: Trước hết cần khẳng định, độc lập dân tộc và CNXH có mối quan hệ thống nhất, biện chứng với nhau. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã khẳng định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng của Đảng và nhân dân ta. Đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường tất yếu của cách mạng Việt Nam.
Đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội được Đảng ta tiếp tục bổ sung, phát triển trong suốt quá trình lãnh đạo của mình. Như vậy, phải giành được độc lập dân tộc mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội và có đi lên chủ nghĩa xã hội mới giữ vững được độc lập dân tộc.
PV: Nếu tách rời độc lập dân tộc với Chủ nghĩa xã hội thì hệ lụy sẽ như thế nào?
TS Nguyễn Thị Liên: Đã có thời điểm các Đảng Cộng sản phải trả giá cho những sai lầm, khuyết điểm. Mà chúng ta cũng thấy một minh chứng rõ ràng, đó là thời kỳ sụp đổ của Liên Xô và Đông Âu. Đó chính là ví dụ rõ nét nhất. Song, cần nhận thấy, đây là sự sụp đổ của một mô hình cũ, cụ thể của CNXH đã lạc hậu. Quá trình lãnh đạo cách mạng thì Đảng Cộng sản Việt Nam và nhân dân ta tiếp tục kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo ấy, thì Đảng và Nhân dân ta vừa thực hiện vừa gắn với nghiên cứu, đánh giá và dự kiến những mô hình phù hợp, những bước đi phù hợp với từng giai đoạn.
PV: Trong bối cảnh thế giới còn đầy những bất ổn, chiến tranh, xung đột thì Việt Nam chúng ta vẫn giữ được hòa bình ổn định. Đó là minh chứng sinh động, rõ nét khẳng định con đường mà chúng ta lựa chọn là đúng đắn?
TS Nguyễn Thị Liên: Chúng ta cũng biết là, hiện nay, mặc dù hòa bình, ổn định vẫn là xu thế chủ đạo, song những diễn biến phức tạp, mất ổn định giữa các nước trong khu vực hay trên thế giới vẫn diễn ra, tồn tại những bất ổn. Và những bất ổn này là nguyên nhân dẫn tới xung đột, bùng phát xung đột, thậm chí là những xung đột sắc tộc, tôn giáo tranh chấp lãnh thổ, tranh chấp tài nguyên, can thiệp lật đổ…vẫn cứ diễn biến phức tạp. Các điểm nóng vẫn tồn tại và mở rộng ở nhiều khu vực trên thế giới.
Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn vừa cảnh báo số người di cư trên thế giới có thể tăng mạnh do tác động của xung đột, khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu. Trước những diễn biến phức tạp, bất ổn như thế, chúng ta đã vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, đem lại độc lập, tự chủ thực sự cho nhân dân, đem lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
PV: Mỗi thời kỳ cách mạng của đất nước lại đặt ra cho chúng ta những cơ hội, thách thức mới. Vậy trong tình hình hiện nay, thì đâu được coi là mẫu số chung để chúng ta có thể quy tụ, tập hợp được sức mạnh của tinh thần đoàn kết toàn dân?
TS Nguyễn Thị Liên: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề đoàn kết toàn dân tộc. Sau này, tư tưởng của Bác được Đảng Cộng sản Việt Nam kế thừa, vận dụng thành công trong quá trình lãnh đạo nhân dân đấu tranh giải phóng dân tộc, tiến hành công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Tư tưởng đoàn kết, đại đoàn kết toàn dân tộc giữ vị trí đặc biệt quan trọng, nhất quán và xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng.
Trải qua các thời kỳ cách mạng, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Tại Đại hội lần thứ XIII, Đảng xác định mục tiêu của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là: “Phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Như vậy là mục tiêu đó cũng chính là đích đến quy tụ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Sự đồng nhất giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với mục tiêu của khối đại đoàn kết toàn dân tộc cho thấy sự hòa quyện giữa ý Đảng - Lòng dân; giữa mục tiêu cách mạng của Đảng với nguyện vọng của toàn thể nhân dân, xuất phát từ nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Như vậy, đại đoàn kết toàn dân tộc là giá trị cốt lõi, là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
PV: Xin cảm ơn bà!