Lịch sử Cúp Truyền hình TP.HCM và màn đột phá về công nghệ

Những năm 2000, khi xem trực tiếp Tour de France, ai cũng ao ước Việt Nam có một phần được trực tiếp như vòng đua ấy. Bây giờ thì chính các tay đua châu Âu lại hứng thú nói rằng họ thích xem trực tiếp Cúp Truyền hình hơn.

Ra đời năm 1989 xuyên suốt những năm 1990 rồi 2000… người hâm mộ Cúp Truyền hình TP.HCM chỉ được xem những đoạn ngắn với phần lớn là tranh đua ở mức đến và để có những đoạn tường thuật ngắn đấy là cả một sự khó nhọc của những người làm nghề của đội ngũ Đài Truyền hình TP.HCM (HTV).

Hành trình để có 5-10 phút tường thuật mỗi chặng

Có chứng kiến những người “chạy băng” của đội ngũ HTV, đặc biệt là ban Thể thao khi ấy mới nể. Cứ mỗi ngày sau đích đến, họ lại hối hả cử một thành viên khi thì ngồi mô tô, lúc có mặt trên xe jeep hụ còi chạy từ đích đến về đài mang theo tất cả băng hình rồi xả hết ra để kịp dựng từ vài phút đến cả chục phút cho một chặng đua. Khi thì từ Phan Thiết về, lúc ở Phan Rang, Đà Lạt… tùy vào điểm đến của đoàn đua và cứ thế ngày nào cũng như ngày nào khi đoàn đua về đích là lại gom băng hình từ các máy quay rồi chạy vội vàng về dựng để kịp phát vào buổi tối.

Truyền hình trực tiếp đồng thời còn đưa các thông số kỹ thuật đầy đủ là cả sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ phận. Ảnh: CQTV

Truyền hình trực tiếp đồng thời còn đưa các thông số kỹ thuật đầy đủ là cả sự phối hợp đồng bộ của nhiều bộ phận. Ảnh: CQTV

Gọi là cúp xe đạp của Đài Truyền hình HTV nhưng hồi đấy “ăn” nhất lại là Đài Phát thanh TP.HCM cử PV Huy Quân đi lấy thông tin rồi viết bài tại mức đến rồi đọc qua điện thoại về đài phát thanh để thông tin sớm và đấy được xem là kênh thông tin nhanh nhất cùng với 1080 sau này ra đời để thỏa mãn người hâm mộ muốn có thông tin sớm.

Bước chuyển thứ hai là khi Đài Truyền hình thuê cáp quang “bắn” về đài phục vụ người xem với thời gian nhanh hơn và lưu lượng dày hơn nhưng rõ ràng là chưa đã so với những ai từng mắt thấy tai nghe hay xem trực tiếp Tour de France quay từ trực thăng xuống.

Bước chuyển về công nghệ trực tiếp đua xe đạp

Cứ thế đến giai đoạn cuối những năm 2010, từ khoảng năm 2018 đến nay là một bước chuyển chất lượng về công nghệ khiến người xem có thể ngồi hàng giờ suốt 4-5 tiếng đồng hồ. Thậm chí còn hơn cả 5 tiếng với hành trình dài để theo dõi toàn bộ cuộc đua với đầy đủ các diễn tiến từ lúc xuất phát đến tranh nhau từng nửa vành xe trước mức đến. Đó là một thời lượng kỷ lục trực tiếp của Việt Nam kéo dài liên tục một tháng được phối hợp từ nhiều bộ phận với hàng trăm người phục vụ để đưa những hình ảnh sống lên màn hình trực tiếp.

Ngoại trừ việc trực tiếp, còn là những bình luận, nhận định và cả việc giải thích, hướng dẫn để người hâm mộ ngày càng hiểu hơn về tính chất, diễn biến lẫn chiến thuật đường đua. Cụ thể như hai từ “núp gió” trước chỉ là khái niệm của người chạy sau núp lưng người trước để ít bị cản gió nhưng khi xem phân tích của những HLV, những cuarơ cựu trào và nhất là từ phần đồ họa phân tích khoa học thì nhiều người mới vỡ lẽ và hiểu hơn về những thủ thuật trong môn đua xe đạp.

Người xem nhìn vào đồ họa là có thể nắm được diễn biến của cuộc đua. Ảnh: CQTV

Người xem nhìn vào đồ họa là có thể nắm được diễn biến của cuộc đua. Ảnh: CQTV

Đồ họa đấy còn phân tích đủ những diễn biến trên đường đua như tốc độ, khoảng cách của từng nhóm và đã nhất với nhiều người là thời gian và khoảng cách của áo vàng với nhóm đầu. Chỉ một banner thể hiện ở góc hình nhưng đấy lại là công việc hết sức căng thẳng của đội ngũ kỹ thuật làm việc trên xe màu mà từng bộ phận phải phối hợp ăn ý với nhau với cường độ làm việc cao.

Song song với các bình luận viên là các cựu cuarơ, người xem hiểu hơn về những chi tiết trên đường đua. Ảnh: CQTV

Song song với các bình luận viên là các cựu cuarơ, người xem hiểu hơn về những chi tiết trên đường đua. Ảnh: CQTV

Ấn tượng nhất và có lẽ cũng làm người xem thích thú nhất chính là góc máy rất riêng từ đội ngũ bay flycam rất nghề. Bay trong trạng thái tĩnh đã khó, đằng này là bay khi chuyển động song song khi cả flycam và người điều khiển đều chuyển động theo đoàn đua với tốc độ cao trên những cung đường khắc nghiệt. Nói như nhiều người là rất đã mắt từ góc flycam bay rất cao để lột tả sự khó khăn của các cuarơ dọc theo những cung đường của đất nước với những cảnh đồi núi, cảnh biển và cả những cánh đồng cực đẹp. Cứ xem những phần bình luận trực tiếp của người hâm mộ tương tác với cuộc đua sẽ thấy và hiểu hơn về giá trị của cuộc đua không chỉ thể hiện mặt chuyên môn mà còn cả hình ảnh về đất nước, con người lẫn những địa danh lịch sử mà đoàn đua đi qua.

Duy trì một cuộc đua truyền thống xuyên suốt 35 năm đã khó nhưng để một giải đua dọc đất nước mà người xem có thể chứng kiến không sót chi tiết nào, theo từng diễn biến thì quả là một điều đáng nể. Một bước chuyển về mặt công nghệ mà rõ ràng trước đây khi xem Tour de France ai cũng mơ được như thế nhưng bây giờ mỗi sáng ngồi mở tivi xuyên suốt 4-5 tiếng ai cũng thấy sướng với từng diễn biến và hiểu hơn về bộ môn đua xe đạp.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/lich-su-cup-truyen-hinh-tphcm-va-man-dot-pha-ve-cong-nghe-post729067.html