'Lệnh ngừng bắn lịch sử' ở Afghanistan chính thức có hiệu lực

Lệnh ngừng bắn 7 ngày có hiệu lực đã mở đường cho việc ký kết thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Mỹ và Taliban, đồng thời chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan

Hôm nay (22/2) là một ngày đặc biệt với người dân Afghanistan khi họ thức dậy với hi vọng về một tương lai hòa bình. Lệnh ngừng bắn 7 ngày chính thức có hiệu lực vào đêm qua theo giờ Việt Nam, mở đường cho việc ký kết một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Mỹ và nhóm phiến quân Taliban, đồng thời chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài tại quốc gia Nam Á này.

Binh sĩ Mỹ tuần tra tại căn cứ thuộc tỉnh Logar, Afghanistan. Ảnh: Reuters

Người dân ở thủ đô Kabul hôm nay bước ra đường với một tâm trạng hoàn toàn khác. Theo anh Habib Ullah, một tài xế taxi ở thủ đô Kabul, cũng như nhiều người dân Afghanistan khác, đây là buổi sáng đầu tiên anh ra đường mà không cảm thấy sợ hãi mình có thể bị trúng bom hay tấn công liều chết. Anh hi vọng điều này sẽ kéo dài mãi.

Lệnh ngừng bắn 7 ngày này, hay còn gọi là được xem là nhằm chứng minh thiện chí của Taliban trước khi ký thảo thuận lịch sử với Mỹ vào cuối tháng 2 này về việc rút dần các binh sĩ Mỹ để đổi lại những cam kết về an ninh. Theo chính quyền Mỹ, một trong những mục tiêu hàng đầu của nước này là ngăn không cho Afghanistan trở thành “hang ổ” của những kẻ thánh chiến cực đoan, 2 thập niên sau các vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001.

Thỏa thuận cũng hướng đến khởi động các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan nhằm quyết định tương lai của đất nước và có thể là ngay từ ngày 10/3 tới. Trong suốt 18 năm qua, Taliban luôn từ chối “ngồi chung bàn” với các chính phủ mà nhóm phiến quân cho là “con rối” của Mỹ.

Trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tuyên bố, những bước đi tiếp theo của tiến trình hòa bình phụ thuộc và mức độ giảm căng thẳng của Taliban: “Các lực lượng an ninh và quốc phòng của chúng tôi luôn trong tình trạng sẵn sàng cao trong tuần giảm bạo lực và sẽ tiếp tục các hoạt động chống IS, al-Qaeda và các nhóm khủng bố khác, ngoại trừ Taliban. Lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan sẽ chỉ hành động nếu cần thiết để tự vệ, cũng như để bảo vệ người dân Afghanistan”.

Theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, một khi thỏa thuận giảm bạo lực đạt bước tiến, việc ký kết thỏa thuận giữa Mỹ và Taliban cũng sẽ đạt tiến triển. Tuyên bố được xem là nhắc lại cam kết của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch bầu cử năm 2016 rút quân đội Mỹ khỏi “bãi lầy chiến tranh” hao người tốn của này.

Còn Taliban thì khẳng định, sau các dài, các bên đã nhất trí ký thỏa thuận cuối cùng dưới sự chứng kiến của các quan sát viên quốc tế vào ngày 29/2. Cả Mỹ và Taliban sẽ duy trì tình hình an ninh phù hợp trước thời điểm này.

Chính phủ Nga ngay lập tức hoan nghênh lệnh ngừng bắn, coi đây là một sự kiện quan trọng đối với hòa bình. Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thì đánh giá thỏa thuận mở ra con đường cho một nền hòa bình bền vững.

Tuy nhiên, đối với một cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ, mọi ý kiến đều cho thấy sự thận trọng

“Điều người dân Afghanistan muốn không phải là giảm bạo lực, mà là một nền hòa bình và ngừng bắn lâu dài để mọi người có thể đóng góp cho công cuộc tái thiết đất nước.”

“Điều kiện đầu tiên cho hòa bình là phải ngừng bắng để chúng tôi không phải chứng kiến bất kỳ vụ tấn công liều chết hay vụ nổ nào ở Kabul và trên cả nước. Việc giảm bạo lực là không có ý nghĩa gì cả.”

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper hôm qua cảnh báo, nếu Taliban không thực hiện cam kết giảm căng thẳng, Mỹ cũng có sẵn phương tiện để tự vệ và bảo vệ các đối tác Afghanistan của mình. Afghanistan có thể xem là cuộc chiến ở nước ngoài kéo dài nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nước này hiện duy trì khoảng 12.000 – 13.000 binh sĩ tại Afghanistan và tiêu tốn tới hơn 1.000 tỷ USD cho cuộc chiến./.

Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lenh-ngung-ban-lich-su-o-afghanistan-chinh-thuc-co-hieu-luc-1013537.vov