Lên thành phố trực thuộc Trung ương, du lịch Huế làm gì để không bỏ lỡ cơ hội?

Trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có đến 8 di sản vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, ngành du lịch Huế cần làm gì để không bỏ lỡ cơ hội 'quý như vàng' này?

Cơ hội lớn cho ngành du lịch Huế

 Lễ công bố Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn lịch sử. Ảnh: Minh Tân

Lễ công bố Nghị quyết về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn lịch sử. Ảnh: Minh Tân

Những tháng cuối năm, ngành du lịch Huế liên tiếp nhận được tin vui khi tối 29/12, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ công bố nghị quyết của Quốc hội về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Trước đó tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV đã thông qua nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương từ ngày 1/1/2025 trên cơ sở toàn bộ địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế hiện hữu. Như vậy cùng với TP Hà Nội, TP.HCM, TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng và TP Cần Thơ, Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương thứ 6 của Việt Nam.

Việc Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương không chỉ là niềm tự hào, ước nguyện từ lâu của cán bộ, người dân Huế, mà còn mở ra một giai đoạn mới đầy triển vọng cho một địa phương có bề dày lịch sử, văn hóa, một vùng đất địa linh nhân kiệt. Đây cũng là năm địa phương này được chọn đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2025 với chủ đề “Huế - Kinh đô xưa, Vận hội mới”.

Theo thống kê mới nhất của ngành du lịch Thừa Thiên Huế, năm 2024, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế ước đạt hơn 4 triệu lượt, tăng 26% so với cùng kỳ, doanh thu du lịch đạt khoảng 8.500 tỉ đồng. Hiện tại, tệp khách chiếm đa số tại Huế là châu Âu.

Trong thời gian tới, Huế vẫn tiếp tục duy trì và mở rộng thêm các dòng khách. Ngành du lịch địa phương cũng sẽ hướng đến phát triển bền vững, thông minh và có quy hoạch rõ ràng khi lên thành phố trực thuộc trung ương.

Thách thức khi có 8 di sản được UNESCO ghi danh

 Kinh thành Huế mang vẻ đẹp vượt thời gian. Ảnh: DLH

Kinh thành Huế mang vẻ đẹp vượt thời gian. Ảnh: DLH

Hiện tại, Huế là địa phương duy nhất ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á có tới 8 di sản được UNESCO ghi danh, thuộc 3 loại hình khác nhau, gồm di sản vật thể, phi vật thể và di sản tư liệu. Với hàng loạt danh hiệu “Huế - điểm đến di sản”, “Thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa, du lịch ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố xanh quốc gia”, Huế đang hướng trọng tâm trở thành đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường.

Bên cạnh đó, Huế cũng là một điểm đến nổi bật về văn hóa ẩm thực, vì vậy du khách đã đến Huế đều muốn trải nghiệm sâu hơn, khám phá những món ăn ngon. Đặc biệt, ẩm thực Huế là cả một kho tàng phong phú với hệ ẩm thực cung đình, hệ ẩm thực chay, hệ ẩm thực dân gian... mà mỗi hệ đã có hàng trăm món với chất liệu, cách chế biến, cách thưởng thức đa dạng.

Tuy nhiên khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, có nhiều vấn đề Huế cần phải giải quyết, trong đó thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.

Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, việc phát triển thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng văn hóa và bảo tồn di tích di sản Cố đô là một mô hình mới tại Việt Nam. Do đó, trong quá trình triển khai cũng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc khai thác các giá trị di sản, văn hóa để phát triển các cụm ngành kinh tế chiến lược như du lịch, công nghiệp văn hóa.

Mặt khác, rất nhiều du khách vẫn hay than vãn các dịch vụ du lịch tại Huế còn thiếu hấp dẫn, nghèo nàn, ít tour tuyến; không có tính liên kết cao, nạn chèo kéo khách còn tồn tại, thiếu các sản phẩm dịch vụ du lịch cao cấp...Hệ quả là lượng cơ sở lưu trú và phòng nghỉ của tại Thừa Thiên Huế thấp.

 Thuyền rồng chở khách du lịch trên sông Hương. Ảnh: Đỗ Trưởng

Thuyền rồng chở khách du lịch trên sông Hương. Ảnh: Đỗ Trưởng

Ước tính khi đến Huế, khách vãng lai theo nhóm gia đình tự đặt phòng sẽ lưu trú trung bình trên 2 ngày, còn khách đi theo tour do công ty lữ hành tổ chức chỉ lưu trú trung bình 1,7 ngày.

Tính đến 6 tháng năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 893 cơ sở lưu trú, với 14.229 phòng và 22.918 giường. Con số này khiêm tốn hơn nhiều so với số lượng cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng hay Hội An, do đó Huế khó đón các đoàn khách nghỉ dài ngày.

Ngoài ra, số đường bay và tần suất khai thác chuyến bay đến Huế chưa cao, đặc biệt là thiếu chuyến bay thẳng từ nước ngoài.

Bên cạnh đó, các dịch vụ mua sắm, giải trí chưa phát triển ở quy mô lớn, đặc biệt là dịch vụ và sản phẩm du lịch đêm. Các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, để níu chân du khách lâu hơn, Huế cần thêm các hoạt động trải nghiệm khác biệt, bổ sung dịch vụ vui chơi, ăn uống, giải trí vào ban đêm chính là một trong những giải pháp hiệu quả.

Phát huy thế mạnh của thành trực thuộc trung ương bằng cách nào?

Theo các chuyên gia, du lịch xanh, du lịch sinh thái đã trở thành một xu hướng phát triển của ngành du lịch hiện nay. Với nhiều tiềm năng và lợi thế sẵn có, Huế đủ điều kiện đẩy mạnh phát triển du lịch xanh theo hướng bền vững, làm hài lòng du khách ở bất kỳ khía cạnh nào. Tuy nhiên, phát triển du lịch xanh chỉ bền vững khi người dân là chủ thể, gắn với môi trường thiên nhiên. Xanh ở đây còn là lợi ích, là nguồn thu bền vững từ du lịch mang lại.

Song song với đó, các loại hình dịch vụ cần gắn với du lịch xanh, nhất là du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng; các hoạt động tham quan, khám phá biển đảo, đảm bảo nguyên tắc phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử một cách bền vững và chia sẻ lợi ích với cộng đồng.

 Du khách tham quan trong Đại nội Huế. Ảnh: Thùy Nhung

Du khách tham quan trong Đại nội Huế. Ảnh: Thùy Nhung

Xây dựng các gói sản phẩm du lịch hấp dẫn phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch hiện nay. Cần sáng tạo thêm các sản phẩm độc đáo, điểm “check-in” du lịch sinh thái gắn với các tour du lịch bảo tồn di sản văn hóa. Việc khai thác tiềm năng du lịch không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

Đồng thời, Huế cũng cần hướng đến các sản phẩm du lịch cao cấp, trước mắt là đầu tư nâng cấp hạ tầng, từ sân bay, cảng biển, đến hệ thống giao thông và khách sạn, từ đó sẽ góp phần nâng cao trải nghiệm của khách du lịch khi đến Huế.

Rõ ràng đã đến lúc thay đổi tu duy làm du lịch từ việc “cung cấp cái mình có” sang cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần, thu hút khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự phong phú, mến khách của vùng đất và con người xứ Huế bằng những sản phẩm đặc sắc, thêm những hành động đẹp, văn minh sẽ tăng thêm sự hài lòng cho du khách, tăng thêm tính chuyên nghiệp...từ đó sẽ mở ra “bức tranh” đầy tươi sáng cho du lịch Huế trong năm 2025 và cả thời gian tới.

Thủy Tiên

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/len-thanh-pho-truc-thuoc-trung-uong-du-lich-hue-lam-gi-de-khong-bo-lo-co-hoi-post328081.html