Lễ hội thác Pongour - Nét truyền thống độc đáo
Lễ hội thác Pongour là lễ hội thác nước duy nhất tại Việt Nam được tổ chức hằng năm vào ngày rằm tháng Giêng (15/1 Âm lịch) tại danh thắng thiên nhiên kỳ vĩ thác Pongour, thuộc địa bàn xã Tân Thành, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng.
Thác Pongour nằm trên dòng chảy của sông Đa Nhim, còn có tên gọi khác là thác Thiên Thai hay thác Bảy Tầng, được bao quanh bởi rừng nguyên sinh rộng lớn với diện tích lên tới 2,5 ha, cùng thảm thực vật vô cùng đa dạng và phong phú. Thác Pongour có độ cao khoảng 40 m, rộng hơn 100 m, chảy thoai thoải qua 7 bậc đá tự nhiên. Mỗi bậc đá lại có hình dáng phẳng, nhô ra như bậc thang. Nước từ trên đầu nguồn thác chảy xuống qua các bậc, tung bọt trắng xóa, bồng bềnh như mái tóc của người con gái. Khu vực hạ lưu thác là một cái hồ rộng mênh mông được đá bao quanh, nước trong xanh, mát lạnh, vô cùng xinh đẹp.
Nguồn gốc tên gọi thác Pongour là do vùng đất này có khoáng sản cao lanh (kaolin - một loại đất sét trắng), tiếng K’Ho là Pon-gou. Từ thời Pháp, thác Pongour được bình chọn là “Ngọn thác hùng vĩ nhất Đông Dương”, và được Vua Bảo Đại khen ngợi là “Nam thiên đệ nhất thác”. Năm 2000, thác Pongour được công nhận là Danh thắng cấp quốc gia... Vào mùa mưa, Pongour là dòng thác hùng vĩ bậc nhất không chỉ ở Lâm Đồng mà là cả Tây Nguyên. Nhưng, từ khi dòng chảy thác Pongour được ngăn đập làm thủy điện Đại Ninh thì nước không còn mạnh như trước. Dù vậy, thác vẫn giữ được vẻ đẹp độc đáo giữa khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, nên thơ của núi rừng.
Thác Pongour gắn liền với truyền thuyết về nàng Kanai xinh đẹp, với mái tóc dài mượt như suối, là nữ tù trưởng cai quản vùng đất này. Nàng có biệt tài thuần phục thú dữ và sai khiến chúng phục vụ cho dân làng. Trong số những con thú dữ đó, có bốn con tê giác khổng lồ, luôn đi theo nghe lệnh nàng dời núi, ngăn suối, khai phát nương rẫy, và sẵn sàng chống lại những kẻ xâm lấn buôn làng. Nhờ đó, cuộc sống cộng đồng dân tộc K’Ho lúc nào cũng được bình yên, sung túc...
Vào đúng ngày rằm tháng Giêng năm ấy, nữ tù trưởng qua đời. Bốn con tê giác không màng ăn uống, cứ túc trực bên nàng cả ngày lẫn đêm cho đến chết. Một thời gian sau, suối tóc của Kanai đã hóa thành làn nước trong xanh, còn những phiến đá xanh rêu xếp thành tầng chính là hóa thạch của sừng tê giác tạo nên một ngọn thác đẹp tuyệt vời, gọi là thác Thiên Thai. Cũng từ truyền thuyết này mà người K’Ho lý giải tên Pongour còn có nghĩa là “bốn chiếc sừng tê giác”.
Để tưởng nhớ về nàng Kanai, hằng năm, vào dịp rằm tháng Giêng, dân làng lại tổ chức lễ hội tại thác Pongour với các trò chơi dân gian và hoạt động mang đậm bản sắc dân tộc. Lễ hội này cũng là dịp cho các đôi trai gái K’Ho bày tỏ tình cảm của mình với mong muốn, dưới sự chứng kiến của nàng Kanai và ngọn thác Pongour hùng vĩ, tình yêu của họ sẽ là mãi mãi..., tạo nên một phần quan trọng trong lễ hội thác Pongour là “lễ cầu duyên”.
Tại Lễ cầu duyên, các đôi trai gái yêu nhau sẽ trải qua những nghi thức rất lãng mạn là xin nước “thiên duyên” dưới chân thác Pongour, trao bình nước “thiên duyên” cho nhau, cùng nhau hát lời nguyện từ cây tình yêu, thắp sáng hoa đăng trong đêm tình yêu bên dòng thác huyền thoại...
Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, Lễ hội thác Pongour ngày càng trở nên nổi tiếng và hằng năm, thác Pongour đều thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là vào dịp lễ hội. Trong Lễ hội thác Pongour, đan xen với những vũ điệu cồng chiêng, các đôi trai gái cũng rủ nhau tham dự các trò chơi dân gian, như kéo co, đẩy gậy, ném còn, múa sạp...; thưởng thức ẩm thực của các dân tộc huyện Đức Trọng, Lâm Hà...
Nhật Quân/ Báo Lâm Đồng