Lễ chào cờ đặc biệt trên đảo Trường Sa: Khẳng định vững chắc chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc

Trong cái nắng chói chang, giữa quần đảo Trường Sa, nơi là 1 phần 'máu thịt' của Tổ quốc, Lễ chào cờ của cán bộ, chiến sỹ và ND trên đảo diễn ra trang nghiêm.

Giữa bốn bề sóng vỗ, trước cột mốc chủ quyền mang dáng hình đất nước, dưới lá cờ đỏ thắm, từng lời bài hát Quốc ca vang lên với khí thế hào hùng, thiêng liêng đầy kiêu hãnh và tự hào như khẳng định vững chắc chủ quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc.

Trong cái nắng chói chang, giữa quần đảo Trường Sa, nơi là một phần "máu thịt" của Tổ quốc, Lễ chào cờ của cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên đảo diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động. Từng bước đi, từng lời thề như tiếp thêm niềm tin, ý chí để quyết tâm bảo vệ từng tấc đất, biển đảo quê hương.

Trước lá cờ thiêng liêng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân quần đảo thể hiện sự quyết tâm thề một lòng giữ đảo. Ảnh: Trung Thành

"Nghiêm! Chào cờ... Chào!". Sau tiếng hô dõng dạc, dưới lá cờ thiêng liêng của Tổ quốc đang tung bay đầy kiêu hãnh giữa nền trời xanh thẳm, từng lời bài hát Tiến quân ca vang lên hùng tráng, vang dội át tiếng sóng biển ngoài khơi xa: "Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa...". Với mỗi thành viên tham gia Lễ chào cờ tưởng chừng như từng lời bài hát đã thuộc nằm lòng từ tấm bé. Nhưng nay khi được hát vang những ca từ hào hùng ấy giữa quần đảo anh hùng trong trái tim mỗi người đều cảm thấy thổn thức tự hào, xúc động khó tả. Nó không thể gọi tên, đơn giản vì đó chỉ có thể là tình yêu Tổ quốc.

Trong ánh mắt hướng về lá cờ Tổ quốc của mỗi chiến sĩ, mỗi người dân đều cảm thấy tự hào mình là người con của nước Việt. Càng tự hào hơn khi được ra đây công tác, nơi đầu sóng ngọn gió, tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nơi từng viên gạch, từng dải san hô đều có dốc mốc chủ quyền và đều thấm đẫm mồ hôi, công sức và cả máu xương của biết bao người đã ngã xuống.

Cột mốc chủ quyền tại đảo Trường Sa. Ảnh: Sĩ Cường

Dưới lá cờ, 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên hòa trong tiếng sóng, giữa biển trời của Tổ quốc. Ảnh: Sĩ Cường

Dưới lá cờ, 10 lời thề danh dự của quân nhân vang lên hòa trong tiếng sóng, giữa biển trời của Tổ quốc: "Chúng tôi, quân nhân trong Quân đội nhân dân Việt Nam, lấy danh dự người chiến sĩ cách mạng, xin thề dưới lá cờ vinh quang của Tổ quốc: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam; dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phấn đấu thực hiện một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc,dân chủ và chủ nghĩa xã hội". "Xin thề". Mười lời thề danh dự được cán bộ, chiến sĩ hô vang. Mỗi lời thề là một lời hứa danh dự của người quân nhân trước Đảng, trước nhân dân, trước lá cờ Tổ quốc. Đó cũng là lời khẳng định đanh thép của quân và dân trên đảo, quyết tâm vượt qua mọi thử thách, bảo vệ chủ quyền biển đảo - một phần lãnh thổ không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam, hương hỏa của cha ông để lại cho muôn đời con cháu mai sau.

Phiến đá chủ quyền có khắc bài thơ "Nam quốc sơn hà" trên đảo Trường Sa

Ngay sau đó, dưới nền nhạc "Tiến bước dưới quân kỳ", nghi thức duyệt binh mang khí thế oai phong, hào hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam được thực hiện trước cột mốc chủ quyền và cột cờ Tổ quốc. Với tác phong uy nghiêm, mạnh mẽ, từng bước đi của người lính thể hiện quyết tâm luôn tiến về phía trước, dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ nơi tiền tiêu Tổ quốc vẫn vững tay súng bảo vệ vùng trời, vùng biển thiêng liêng.

Những bước đi rắn rỏi, cương quyết của người lính bộ đội Cụ Hồ. Ảnh: Sĩ Cường

Với mỗi người con Việt Nam, chúng ta cũng không thể nhớ nổi đã tham gia bao nhiêu Lễ chào cờ. Dù chào cờ ở đâu trong hoàn cảnh nào thì đều thiêng liêng, xúc động và tự hào. Nhưng có dịp được tham gia Lễ chào cờ trên quần đảo Trường Sa thì cảm xúc ấy vô cùng đặc biệt. Khi hướng mắt mình nhìn lá cờ đỏ sao vàng đang tung bay trong gió và hát vang lời bài hát Quốc ca thì chúng ta càng hiểu thêm về giá trị của hòa bình, độc lập và giá trị của máu xương mà biết bao thế hệ cha ông đã đổ xuống. Từ đó, chúng ta có nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình đối với quê hương, đất nước.

Giữa trùng khơi, nghi Lễ chào cờ đặc biệt ấy như lời khẳng định đanh thép về chủ quyền thiêng liêng của đất nước Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa. Ở cột mốc chủ quyền nơi biển đảo xa xôi, trên mảnh đất thấm máu của cha ông, mỗi người con đất Việt càng thấm thía hai tiếng thiêng liêng - Tổ Quốc.

Nguyễn Cường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/le-chao-co-dac-biet-tren-dao-truong-sa-khang-dinh-vung-chac-chu-quyen-bat-kha-xam-pham-cua-to-quoc-269673.html