Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm trong xây dựng và thực thi pháp luật
'Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần quan điểm của Đảng là phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm trong xây dựng và thực thi pháp luật'. Đây là phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022, diễn ra sáng nay (21/12) tại Hà Nội với điểm cầu 63 tỉnh, thành.
Đánh giá lại những thách thức, khó khăn và những kết quả nổi bật của nước ta trong năm 2021, Thủ tướng Chính phủ khẳng định, trong thành tích chung của cả nước, có sự đóng góp tích cực, quan trọng của Bộ, ngành Tư pháp.
Bộ Tư pháp đã chủ động, tích cực cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng thành những chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là việc phòng, chống dịch; tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thể chế để thúc đẩy khôi phục sản xuất, kinh doanh, kinh tế - xã hội cũng như các vấn đề luật pháp có vướng mắc ở tất cả các lĩnh vực; tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; góp phần nâng cao uy tín của Việt Nam, nâng hạng về cải cách chất lượng các quy định của pháp luật.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương những kết quả mà Bộ Tư pháp và ngành Tư pháp đã đạt được trong năm 2021. Theo Thủ tướng, để đạt được thành quả như trên thì có 3 nguyên nhân cơ bản. Đó là, Bộ Tư pháp chấp hành nghiêm sự lãnh đạo của Đảng; toàn ngành đã đoàn kết, thống nhất, nỗ lực vươn lên, nhất là sự gương mẫu của người đứng đầu các cấp; có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả nêu trên, Thủ tướng cũng chỉ rõ một số bất cập, hạn chế mà Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần khắc phục trong thời gian tới. Đó là chất lượng xây dựng văn bản còn những mặt hạn chế; tiến độ thực hiện công việc ở một số công việc còn chậm; đầu tư về nguồn lực chưa tương xứng với yêu cầu đột phá; một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa thực sự coi trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế; nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thực thi pháp luật ở một số nơi, một số lúc còn chưa đúng tầm.
Theo Thủ tướng, năm 2022 là năm bản lề thúc đẩy thực hiện các nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đòi hỏi của nhân dân, của thực tiễn về môi trường pháp lý cũng cao hơn. Vì vậy, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác xây dựng thể chế; thấm nhuần quan điểm của Đảng là phát huy giá trị con người Việt Nam, lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm trong xây dựng và thực thi pháp luật.
Thủ tướng nhấn mạnh, mọi chính sách phải hướng đến người dân, doanh nghiệp; phải lường hết tác động, ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp khi xây dựng chính sách, pháp luật, vì mục tiêu cao quý cuối cùng của Đảng ta là vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, các văn bản của Quốc hội, Chính phủ, bám sát tình hình thực tiễn để xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trên tinh thần vừa làm vừa hoàn thiện, không cầu toàn, không nóng vội, trước mắt là tháo gỡ những nút thắt về thể chế. Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo của cơ quan cấp trên, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp, đi đôi với đổi mới sáng tạo để xây dựng, hoàn thiện, phổ biến, thực thi, giám sát việc thực thi pháp luật.
Cùng với đó, cần đầu tư nhiều hơn nữa cho công tác xây dựng thể chế, coi đây là đầu tư cho phát triển. Trong đó đầu tư cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực; đầu tư cơ sở vật chất; đầu tư tài chính; chế độ, chính sách cho người làm pháp luật ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ và cân đối với các ngành, nghề khác.
Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp cần đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn hệ thống. Xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Đồng thời đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chủ động đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trong xây dựng thể chế; đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết, trước hết.
Bộ Tư pháp cần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, tranh thủ trí tuệ của các nhà khoa học, chuyên gia, các hội, tổ chức chính trị - xã hội, tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng pháp luật
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với truyền thống vẻ vang, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, Bộ Tư pháp, ngành Tư pháp sẽ hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ năm 2022 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nhân dân giao phó, đóng góp ngày càng thiết thực, hiệu quả hơn cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trao Huân chương Lao động các cấp và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong công tác tư pháp và các phong trào thi đua.