Lão nông chia sẻ bí quyết nuôi gà rừng, bán 5 triệu/con

Từ đam mê nuôi gà rừng, ông Trực thuần hóa chúng rồi nuôi trong vườn. Loại gà này được nhiều người ưa chuộng nên ông bán với giá cao, từ 1,5 triệu đến 5 triệu/con.

Trại gà rừng của gia đình ông Phạm Văn Trực, 63 tuổi, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, tọa lạc trên một ngọn đồi lớn với diện tích hàng nghìn m2.

Từ nhỏ, ông Phạm Văn Trực, 73 tuổi, ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình đã thích chăn nuôi, đặc biệt là nuôi những loài gà có bộ lông mướt, sặc sỡ, đẹp mắt.

Nhưng vì cuộc sống mưu sinh, lăn lộn đủ thứ nghề, ông đành gạt bỏ sở thích sang một bên. Đến khi "có tuổi", ông Trực mới bắt tay vào nuôi thứ mình thích, lại là loài gà rừng, vừa có thu nhập và phục vụ nhu cầu thực phẩm hằng ngày.

Ông Trực bên con gà rừng đã được thuần hóa.

Ông Trực bên con gà rừng đã được thuần hóa.

Nhận thấy nuôi gà rừng thả vườn rất phù hợp với địa hình, khí hậu tại địa phương và chính ngay trên vườn nhà có đồi núi thấp và nhiều cỏ dại, là điều kiện thích hợp cho gà sinh sống. Sau nhiều lần bàn bạc với vợ, năm 2021 ông quyết định mua giống gà tự nhiên từ những thợ săn trên địa bàn, mang về thuần hóa rồi nuôi thả trong vườn.

Theo ông Trực, gà rừng là loài khó nuôi, vốn có tập tính hoang dã khi đưa về nuôi, nhiều con không quen nên chết. Sau mỗi lần chứng kiến cảnh gà nuôi bị chết, ông Trực không khỏi buồn bã, tiếc nuối.

"Cứ mỗi lần như vậy, tôi lại suy nghĩ, tìm cách khắc phục tình trạng trên. Trải qua thời gian dài, tôi rút cho mình nhiều kinh nghiệm hơn và đã chọn cách thuần hóa gà dần dần", ông Trực nhớ lại.

Theo ông Trực, gà rừng dễ nuôi và cho thu nhập cao.

Theo ông Trực, gà rừng dễ nuôi và cho thu nhập cao.

Ông Trực chia sẻ bí quyết thuần hóa gà rừng của mình: "Lúc mới mua gà rừng về, tôi nuôi nhốt trong lồng, tôi lấy một tấm vải đen rồi trùm ở phía ngoài. Nuôi khoảng 1 tháng tôi mới mở tấm vải hé ra để gà quen dần ánh sáng. Thức ăn cho gà rừng tôi dùng thóc, ngô, bột sắn. Thời gian sau đó, tôi tiếp xúc với gà, vuốt ve nó để tạo thói quen, giúp gà dạn lên.

Sau 1 năm, tôi mới mở lồng cho gà chạy trong vườn đã khoanh lưới sẵn để chúng tự do bay nhảy. Hay nhất ở gà rừng là sức đề kháng cao, ít khi bị bệnh nên người nuôi đỡ vất vả.

“Gà rừng khi đã thuần chủng đẻ trứng rất nhiều, khả năng ấp trứng tốt, nhân giống nhanh, mỗi lứa một gà mái đẻ từ 8 - 10 trứng. Sau khi trứng nở, tôi tách gà con ra đưa đến khu vực nuôi nhốt gà con để tiện theo dõi, chăm sóc đến khi mọc đuôi tôm, cứng cáp mới đưa trở lại vườn. Mỗi lứa, nuôi từ 10 - 12 tháng, gà có thể xuất bán”, ông Trực chia sẻ thêm.

Gà rừng khi ông Trực mua về thường có cân nặng 6 – 7 lạng, sau thời gian nuôi đạt gần 1,5 kg là ông bán. "Gà rừng có xương nhỏ, thịt nhiều và thịt dai, thơm ngon nên nhiều người sành ăn thường tới nhà tôi để mua.

Khu chuồng trại được ông Trực vây kín bằng hàng rào lưới nhỏ.

Khu chuồng trại được ông Trực vây kín bằng hàng rào lưới nhỏ.

Tôi không bán theo kg mà bán theo con, thường tôi bán giá 1,5 triệu đồng một con đã nuôi được hơn 1 năm, con gà nào đẹp, có thể đá hay, chọi tốt tôi bán với giá gần 5 triệu đồng", ông Trực nói.

Hiện, ông Phạm Văn Trực đang nuôi hàng trăm con gà rừng, chủ yếu nuôi thả trong vườn. Bên cạnh đó, ông còn nuôi 4 con hươu, 10 con dê, 30 con lợn. Thu nhập một năm của ông đạt trên 100 triệu đồng.

Ông Tưởng Văn Khanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quảng Hợp cho biết: "Mô hình nuôi gà rừng của nông dân Phạm Văn Trực mới lạ trên địa bàn. Nông dân Trực rất kiên trì, táo bạo khi mua gà rừng về rồi thuần hóa nuôi trong vườn nhà. Bước đầu, mô hình đã có những hiệu quả và hứa hẹn sẽ nhân rộng trong thời gian tới để nâng cao hiệu quả sản xuất".

Ngô Thị Huyền

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lao-nong-chia-se-bi-quyet-nuoi-ga-rung-ban-5-trieucon-a665288.html