Lào Cai bứt tốc trong kỷ nguyên mới

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh cho thấy sự khởi đầu đầy khát vọng của dân tộc Việt Nam. Bởi lẽ, Việt Nam là quốc gia đang phát triển có đủ 'tố chất' để tăng trưởng nhanh, chuyển đổi kinh tế...

Với Lào Cai - tỉnh biên giới được xác định là một cực tăng trưởng mới, kết nối chuỗi cung ứng nông sản, khoáng sản xuất khẩu của cả nước, kết nối liên kết vùng đồng bằng sông Hồng, khu vực phía Bắc sẽ đóng vai trò đầu tàu nên cần phải “bứt tốc” nhanh hơn để kéo theo các tỉnh cùng phát triển nhanh và mạnh.

Từ năm 2018, vấn đề chuyển dịch chuỗi cung ứng bắt đầu thu hút nhiều sự quan tâm của các quốc gia, doanh nghiệp. Đặc biệt, khi Mỹ thay đổi chính sách nhằm thu hút đầu tư “hồi hương” với mục tiêu “Nước Mỹ trên hết”. Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc ngày càng leo thang, việc Mỹ áp dụng các biện pháp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc đã tác động trực tiếp tới các doanh nghiệp tại thị trường Trung Quốc, ảnh hưởng không nhỏ tới chuỗi cung ứng toàn cầu. Một số doanh nghiệp phải điều chỉnh chuỗi cung ứng để tránh các biện pháp trừng phạt thương mại của cả Mỹ và Trung Quốc hoặc phải dịch chuyển sản xuất sang khu vực Nam Á và Đông Nam Á để bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện đã gây thiệt hại đáng kể cho các ngành công nghiệp khác nhau trên thế giới, dẫn đến sự gián đoạn chưa từng có đối với hầu hết chuỗi cung ứng. Trong khi nền kinh tế toàn cầu chưa kịp phục hồi do đại dịch Covid-19, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine tiếp tục làm gián đoạn nghiêm trọng chuỗi cung ứng toàn cầu, cắt đứt nhiều tuyến đường vận chuyển quan trọng, vận chuyển hàng hóa tắc nghẽn, chi phí tăng cao. Nhiều sản phẩm nguyên, nhiên liệu đầu vào không được cung cấp kịp thời, như hợp chất platinum, nhôm, dầu hướng dương, dầu thô, thép khiến các nhà máy ở châu Âu, Nga, Ukraine phải đóng cửa. Căng thẳng leo thang khiến giá năng lượng tăng vọt, đẩy chi phí vận chuyển lên cao hơn.

Tựu chung lại, dưới tác động của cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc, đại dịch Covid-19, cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraine, hiện có 4 xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu nổi lên, gồm rút ngắn chuỗi (reshoring), đa dạng chuỗi (diversification), khu vực hóa chuỗi (regionalization), nhân rộng chuỗi (replication). Tùy vào mỗi nhóm ngành cụ thể và mức độ tự động hóa, số hóa, các chuỗi cung ứng sẽ phát triển theo các hướng khác nhau. Thực tế cho thấy, xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc hoặc xu hướng “Trung Quốc + 1” là xu thế khách quan đã diễn ra trong nhiều năm qua khi các doanh nghiệp muốn tối đa hóa lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và tận dụng sự phát triển của công nghệ. Hiện các công đoạn thượng nguồn (upstream), đặc biệt là trong các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ cao có xu hướng “hồi hương” về quốc gia là điểm xuất phát ban đầu của doanh nghiệp (reshoring) nhằm giảm thiểu mức độ phân tán, các rủi ro bí mật công nghệ và rút ngắn khoảng cách của chuỗi giá trị sản xuất. Trong khi đó, những công đoạn sản xuất hạ nguồn (downstream) như gia công, lắp ráp trong các chuỗi cung ứng được dịch chuyển sang nhiều nước khác nhau do không đòi hỏi cao về công nghệ nền tảng và trình độ lao động nên dễ tìm kiếm được địa điểm mới để phân tán rủi ro, tối thiểu hóa chi phí. Bên cạnh đó, việc di chuyển các công đoạn hạ nguồn sang các nước có chi phí lao động thấp hơn Trung Quốc còn nhằm kéo dài vòng đời dây chuyền công nghệ.

Như vậy, sự cạnh tranh của các nước lớn đã tạo nên các chuỗi cung ứng toàn cầu mới, trong đó Việt Nam đang trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và các nước ASEAN nếu tạo được hành lang kinh tế khu vực đồng bằng sông Hồng. Hành lang kinh tế chỉ được tạo ra khi hệ thống hạ tầng logistics phát triển và đảm bảo cho sự lưu thông và thông thương kinh tế thuận tiện nhất. Do đó, tiềm năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và cơ hội cho các địa phương dọc sông Hồng là rất lớn.

Báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2024 của UBND tỉnh Lào Cai cho thấy tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 7,38%, cao hơn mức tăng 5,18% của năm 2023, cao hơn mức tăng trưởng chung của cả nước (khoảng 7%). Quy mô kinh tế đạt 77.223,08 tỷ đồng, tăng 11,76% so với năm 2023, xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố. GRDP bình quân đầu người, đạt 97,48 triệu đồng/năm, tăng 8,88 triệu đồng/năm so với năm 2023. Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 44.016 tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2023. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ cả năm 2024 ước đạt 42.548,7 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2023 và vượt 9,1% so với kế hoạch. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn cả năm đạt 12.989 tỷ đồng, bằng 101,5% dự toán tỉnh giao và bằng 138% năm 2023. Tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 51.700 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2023. Tỉnh đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, đến nay có 20 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn 5.950 tỷ đồng.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045 đã nhấn mạnh Lào Cai đang xây dựng và áp dụng chính sách, cơ chế để hạn chế xuất khẩu khoáng sản thô, từng bước nâng cao năng lực khai thác, chế biến để tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Các mặt hàng nông sản được khuyến khích tăng cường xuất khẩu. Tỉnh cũng đã nâng cao năng lực, tạo cơ chế thông thoáng hơn đối với các hoạt động xuất - nhập khẩu. Lào Cai là 1 trong 6 tỉnh Tây Bắc và nằm trong danh sách 13 tỉnh trên cả nước được trên 60% doanh nghiệp đánh giá là địa phương có mức độ cải thiện tốt và rất tốt trong lĩnh vực xuất - nhập khẩu theo Nghị quyết 02 của Chính phủ. Các hoạt động hỗ trợ xuất - nhập khẩu, như logistics, khai báo hải quan, tài chính, thương mại điện tử qua biên giới… phát triển mạnh.

Với vị trí “cầu nối” hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam), Lào Cai có tiềm năng, lợi thế rất lớn để tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu và kích thích phát triển logistics hành lang kinh tế đồng bằng sông Hồng, đồng thời là trung tâm liên kết dọc sông Hồng.

Bởi lẽ, thế giới đang đón nhận sự dịch chuyển dần sản xuất và chuỗi cung ứng sang các quốc gia tương tự nhằm đa dạng hóa nguồn cung toàn cầu. Xu thế dịch chuyển đầu tư và nguồn cung nguyên vật liệu thế giới sẽ đa dạng hơn, thậm chí đề cao tính tự chủ quốc gia hơn khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Lào Cai là tỉnh biên giới nên rất có lợi thế kết nối với chuỗi giá trị xuất - nhập khẩu với Trung Quốc.

Xu hướng dần dần thay thế các chuỗi cung ứng dài bằng các nguồn cung ứng ngắn, gia tăng liên kết khu vực, liên kết vùng đã và đang tạo điều kiện cho sản xuất nội địa phát triển, đặc biệt là hàng hóa cơ bản và thiết yếu. Phần lớn hàng hóa thiết yếu không chỉ là lương thực và thực phẩm mà còn là dược phẩm, y tế… sẽ được cân nhắc tự sản xuất được ở mức độ tối đa có thể. Thậm chí, các chuỗi cung ứng dài với nhiều khâu và quá trình sản xuất được trải rộng khắp thế giới nhằm tận dụng lợi thế cạnh tranh quốc tế sẽ thu hẹp mức độ và ngắn hơn. Như vậy, một số hàng hóa thiết yếu từ lương thực, thực phẩm… tới y tế, đảm bảo sức khỏe của người dân được chú trọng hơn trong khu vực đồng bằng sông Hồng.

Xu thế đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển công nghệ thông tin, công nghệ số thay thế sức lao động và ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh trong tương lai diễn ra nhanh và mạnh. Thậm chí, nhiều ngành nghề và dịch vụ đơn giản sẽ bị loại bỏ do việc chuyển đổi số và công nghệ robot, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, đòi hỏi các tỉnh, thành phố dọc sông Hồng, trong đó có Lào Cai cần đẩy mạnh chuyển đổi số mới đảm bảo sự liên kết nhanh và hiệu quả.

Cơ hội cho các tỉnh, thành phố dọc sông Hồng khi có những xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt khi Trung Quốc ngày càng trở thành đối tác lớn của Việt Nam. Các địa phương dọc sông Hồng nếu liên kết với nhau và phát triển hạ tầng logistics đáp ứng thông thương thuận tiện nhất sẽ chiếm lĩnh vị thế cầu nối giữa các nước ASEAN với Trung Quốc.

Cơ hội đã rõ, để bứt tốc trong kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Lào Cai cần quán triệt sâu sắc chủ trương, nghị quyết của Đảng gắn với triển khai có sự đổi mới và sáng tạo phù hợp với thực tế địa phương với triết lý “làm cách mạng phải dựa vào dân, làm kinh tế phải dựa vào doanh nhân”.

Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển doanh nghiệp, trở thành nơi đáng để đầu tư, nơi đáng sống và trải nghiệm với sự đa dạng văn hóa, sản vật và kết nối giao thông thuận tiện trên cơ sở logistics thông minh từ đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không. Không chỉ dựa vào hình thức giao thông đường bộ và phân bổ không gian mặt đất mà phải có quy hoạch thành phố thông minh, AI… và kết nối đồng bộ với các tỉnh trong nước và quốc tế.

Mạnh dạn tổ chức các hội chợ giao thương và kết nối với Trung Quốc, do vai trò của Trung Quốc ngày càng lớn và quan trọng, rất thuận lợi cho Lào Cai nên cần phải khai thác triệt để lợi thế này để Lào Cai vươn mình phát triển theo 3 hướng đột phá. Đó là, biến Lào Cai thành trung tâm giao thương qua các sàn giao dịch hàng hóa, mời các chuyên gia trong nước và Trung Quốc cùng tham gia xây dựng, phát triển các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu và hàng nguyên liệu nhập khẩu. Thông tin tại sàn giao dịch hàng hóa Lào Cai trở thành thông tin dẫn dắt thị trường nông sản, nguyên liệu Việt Nam và Trung Quốc.

Khi lượng giao dịch hàng hóa tăng cao và lớn tất yếu kéo theo dịch vụ tài chính và logistics. Do vậy, cần biến Lào Cai trở thành trung tâm tài chính và các trung tâm logistics khu vực, thu hút nhiều chuyên gia tới hội thảo, kinh doanh và làm dịch vụ cho thương mại và đầu tư trong khu vực vùng; xây dựng nhiều khu phố tài chính và trung tâm logistics các loại hàng khô, lỏng...

Chuyển dịch cả tỉnh Lào Cai trở thành khu du lịch xanh, trải nghiệm và đa dạng văn hóa. Phát triển du lịch sáng tạo, du lịch trekking, du lịch tâm linh, du lịch mice... thay vì du lịch giản đơn và sao chép đơn thuần. Có quy hoạch cả tỉnh trở thành khu Disneyland kiểu Lào Cai với đa dạng văn hóa dân tộc và sản vật của tỉnh đi đúng xu hướng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và quản trị thông minh (AI), biến Lào Cai trở thành nơi đáng sống, đáng trải nghiệm, thuận tiện trong cuộc sống và nghỉ dưỡng.

 Lào Cai hôm nay.

Lào Cai hôm nay.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Tạ Văn Lợi

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/lao-cai-but-toc-trong-ky-nguyen-moi-post396480.html