Lãnh đạo TPHCM lý giải nước máy đóng cặn, đến vòi không còn sạch
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận nguồn nước tại các nhà máy khi mới sản xuất có thể dùng để ăn uống trực tiếp nhưng khi qua hệ thống cấp nước thì các tiêu chuẩn không còn đạt, không còn đảm bảo để ăn uống trực tiếp và nhiều nơi nước bị đổi màu, đóng cặn.
Sáng 27/9, UBND TPHCM đã tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và trong nước về nghiên cứu ứng dụng nhằm cung cấp nước sạch cho người dân - khuyến nghị cho TPHCM giai đoạn 2020 – 2035”.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết TPHCM có tốc độ đô thị hóa nhanh, tăng dân số rất cao. Trong gần 10 năm trở lại đây, cứ sau 5 năm, thành phố tăng thêm 1 triệu dân, việc đảm bảo nguồn cung cấp nước phục vụ đời sống người dân và đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế, đảm bảo môi trường… luôn là một thách thức rất lớn.
Về cơ bản, TPHCM những năm qua có rất nhiều nỗ lực trong việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, phát triển kinh tế. TPHCM đã hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ dân được tiếp cận, sử dụng nước sạch nhưng sử dụng nguồn nước như thế nào còn là bài toán khó.
Lãnh đạo UBND TPHCM thừa nhận hệ thống cấp nước TPHCM hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Sử dụng nguồn nước thô từ hệ thống sông Sài Gòn, Đồng Nai nhưng TPHCM lại ở hạ lưu, cuối nguồn, chịu ảnh hưởng bởi các khu vực phía thượng nguồn và hai bên bờ song.
TPHCM chưa kiểm soát được tình trạng ô nhiễm và gần đây là biến đổi khí hậu, nước biển dâng ứng phó chưa tốt đã ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nước, trở thành thách thức và nguy cơ đối với việc cung cấp nước.
“Hệ thống cung cấp nước cơ bản đáp ứng nhưng còn khó khăn, thách thức. Nhiều hạng mục được đầu tư từ nhiều năm trước nhưng chưa được cải tạo kịp thời. Qua kiểm tra, TPHCM có nhiều hệ thống truyền tải nước khác nhau. Nhiều tuyến ống có từ trước năm 1975 đến nay vẫn chưa được sửa chữa, thay thế dù đã xuống cấp”, ông Hoan cho hay.
Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan còn cho biết thêm: Hệ thống cấp nước của TPHCM là mạng vòng, chưa có hệ thống dự phòng. Đường ống kết nối trực tiếp giữa nơi sản xuất và tiêu thụ, chưa có trạm trung gian, khu vực chứa nước dự phòng.
Điều này dẫn đến áp lực nước tại các khu vực chưa đồng đều. Áp lực nước rất cao ở thượng nguồn, gần nhà máy nhưng về cuối nguồn, càng xa nhà máy thì càng thấp mà nguyên nhân là chưa có bể chứa, hệ thống bơm trung gian”, ông Hoan nói.
Chính vì vậy, ông Võ Văn Hoan thừa nhận chất lượng nước sản xuất tại các nhà máy đều đạt chuẩn, có thể dùng để ăn uống trực tiếp nhưng khi truyền tải qua hệ thống cấp nước thì tiêu chuẩn của nước không còn đạt như khi mới “xuất xưởng”.
Ngoài ra, do áp lực không đồng đều nên thời gian lưu nước trong đường ống không đồng đều. Có những nơi, đặc biệt là khu vực cuối nguồn, nước lưu trữ trong đường ống từ 12 -24 giờ. Việc nước lưu chuyển rất chậm, ứ đọng trong đường ống lâu đã gây lắng cặn và làm nước đổi màu.
“TPHCM đang khẩn trương xây dựng đề án cung cấp nước sạch để người dân có thể sử dụng nước ngay tại vòi”, ông Hoan cho biết.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến thời điểm này, tổng chiều dài tuyến ống nước truyền tải là hơn 8.000 km. Dự kiến đến năm 2025 sẽ cải tạo được 1.430 km đường ống và phát triển thêm 3.650 km đường ống.
TPHCM có nhiều đơn vị tham gia cung cấp nước sạch như Tổng công ty cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đang sở hữu 23/24 hệ thống cấp nước (trừ huyện Củ Chi); công ty cổ phần Bình An với nhà máy nước Bình An; công ty cổ phần BOO Thủ Đức với nhà máy nước BOO Thủ Đức; công ty Kênh Đông với nhà máy nước Kênh Đông…
Theo quy hoạch, tổng công suất cấp nước của TPHCM năm 2015 là 2.840.000 m3/ngày và đến năm 2025 là 3.700.000 m3/ngày. Đến nay, tổng công suất cấp nước toàn TPHCM đạt 2.400.000 m3/ngày.
Đến nay, tỷ lệ các hộ dân được cung cấp nước sạch là 100%. Tuy nhiên, việc cấp nước qua đồng hồ tại nhà dân đạt 97,8%, còn lại 2,2% thông qua các giải pháp cấp nước khác như đồng hồ tổng, bồn nước, thiết bị lọc…
Về tỉ lệ thất thoát nước, TPHCM đã kéo giảm từ 30,9% năm 2015 xuống còn 28,31% (2016); 26% (2017) và hiện nay là 23,31%.