Lãnh đạo BRICS quyết chống khủng bố, ngăn chặn Covid-19
Các nhà lãnh đạo của 5 nước thành viên Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) ngày 9/9 có cuộc họp Thượng đỉnh trực tuyến dưới sự chủ trì của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 13 của Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) có sự tham dự của Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Chủ đề của hội nghị là “BRICS 15 năm: Hợp tác nội khối vì sự liên tục, thống nhất và đồng thuận.” Ấn Độ là nước chủ trì các sự kiện của BRICS trong năm 2021, đúng dịp khối kỷ niệm 15 năm ra đời. Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhấn mạnh các nước thành viên sẽ phải đảm bảo rằng hợp tác BRICS mang lại nhiều kết quả hơn so với 15 năm đã qua và điều này được phản ánh trong chủ đề của Hội nghị năm nay.
“Chủ đề mà Ấn Độ lựa chọn trong thời gian giữ chức chủ tịch là ‘BRICS 15 năm: Hợp tác nội khối vì sự liên tục, thống nhất và đồng thuận’. Đây là nguyên tắc cơ bản của mối quan hệ đối tác BRICS. Bất chấp tình hình đại dịch Covid-19 trong năm nay, hơn 150 cuộc họp và sự kiện của BRICS đã diễn ra; trong đó có hơn 20 sự kiện ở cấp bộ trưởng. Chúng tôi cố gắng mở rộng chương trình làm việc của BRICS. BRICS đã đạt được các kết quả hợp tác chưa từng có trong năm nay”, Thủ tướng Modi nói.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa kêu gọi các nước BRICS đảm bảo quyền tiếp cận công bằng vaccine Covid-19, và trong chẩn đoán và điều trị căn bệnh này. Đó chính là cách thức duy nhất để thế giới ứng phó với đại dịch. Nhà lãnh đạo Nam Phi cũng kêu gọi các đối tác BRICS tăng cường khả năng phục hồi của các hệ thống công trong bối cảnh đại dịch để giúp cứu sống sinh mạng, sinh kế và phục hồi nền kinh tế.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng, trong 15 năm qua, 5 quốc gia BRICS đã thúc đẩy giao tiếp chiến lược và tin cậy chính trị với tinh thần cởi mở, bao trùm và bình đẳng, tôn trọng hệ thống xã hội của mỗi nước, phát triển và tìm ra cách thức hợp lý để các thành viên tương tác với nhau. BRICS được cho là vẫn duy trì đà hợp tác, đảm bảo tiến bộ mới trong nhiều lĩnh vực trong năm nay.
Đề cập những biến động mới đây tại Afghanistan, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng việc quân đội Mỹ và đồng minh rút khỏi quốc gia Nam Á này đang dẫn tới một cuộc khủng hoảng mới. Và thế giới vẫn chưa lường hết được ảnh hưởng của sự kiện này tới an ninh khu vực và toàn cầu. Đây chính là thời điểm để các nước BRICS tập trung sự chú ý đặc biệt vào vấn đề này. Tổng thống Nga cũng cảnh báo, Afghanistan không được trở thành mối đe dọa tới các quốc gia láng giềng, trở thành nơi nuôi dưỡng khủng bố và buôn lậu ma túy.
Kết thúc hội nghị các nhà lãnh đạo BRICS đã nhất trí thông qua ‘Tuyên bố New Delhi’; trong đó nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác để nghiên cứu về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, coi đây là khía cạnh quan trọng để chiến thắng đại dịch Covid-19. BRICS bày tỏ quyết tâm củng cố và cải cách hệ thống đa phương để làm cho hệ thống quản trị toàn cầu phản ứng nhanh nhạy, hiệu quả, minh bạch và chịu trách nhiệm trước các quốc gia thành viên. BRICS cũng kêu gọi cải cách các cơ quan chính của Liên Hợp Quốc.
Tại Hội nghị lần này, 5 thành viên BRICS đã thông qua Kế hoạch Hành động Chống khủng bố của nhóm. BRICS gồm 5 thành viên là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Đây là những nước đang phát triển lớn nhất thế giới, đại diện cho 41% dân số trên hành tinh, 24% GDP toàn cầu và 16% thương mại thế giới./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/lanh-dao-brics-quyet-chong-khung-bo-ngan-chan-covid-19-889526.vov