Lắng nghe ý kiến cử tri, đặt lại tên xã theo nét văn hóa của địa phương
VHO – Qua tiếp thu ý kiến và mong muốn của người dân về tên gọi các xã mới sau sắp xếp phải có nét văn hóa đặc trưng của địa phương, một số huyện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã thay đổi tên xã theo số thứ tự thành tên gọi theo địa danh.

Quảng Ngãi lấy ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tên gọi các xã mới sau sắp xếp
Trước đó, ngày 20.4, Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi công bố quyết định lấy ý kiến người dân về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và tên gọi các xã mới sau sắp xếp.
Huyện Nghĩa Hành được sắp xếp thành 4 xã mới có tên đánh số thứ tự, từ Nghĩa Hành 1 đến Nghĩa Hành 4. Quá trình lấy ý kiến, tham khảo người dân cho rằng, việc sử dụng các tên gọi theo số thứ tự là “cứng nhắc”, thiếu đặc thù về địa lý và không thể hiện được chiều sâu lịch sử, văn hóa của vùng đất Nghĩa Hành.
Người dân mong muốn những tên gọi mới sẽ kế thừa và phát huy giá trị của các địa danh lịch sử, văn hóa, giữ gìn hồn cốt quê hương và đã được Ban Thường vụ huyện ủy Nghĩa Hành tiếp thu.
Ngày 23.4, Huyện ủy Nghĩa Hành đã chỉ đạo các địa phương tổ chức lấy ý kiến người dân về tên gọi các xã này. Cụ thể, xã Nghĩa Hành trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, gồm: Xã Hành Thuận, thị trấn Chợ Chùa và xã Hành Trung thuộc huyện Nghĩa Hành. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC là tại UBND huyện Nghĩa Hành hiện nay (thị trấn Chợ Chùa).
Xã Đình Cương trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 ĐVHC cấp xã, gồm: Hành Đức, Hành Phước và Hành Thịnh thuộc huyện Nghĩa Hành. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC là tại xã Hành Phước hiện nay.
Xã Thiện Tín trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 ĐVHC cấp xã, gồm: Hành Thiện, Hành Tín Tây và Hành Tín Đông thuộc huyện Nghĩa Hành. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC là tại xã Hành Thiện hiện nay.
Thành lập xã Phước Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của 3 ĐVHC cấp xã, gồm: Xã Hành Dũng, xã Hành Nhân và xã Hành Minh thuộc huyện Nghĩa Hành. Nơi đặt trụ sở làm việc của ĐVHC là tại xã Hành Dũng hiện nay.

Tên gọi các xã mới sau sắp xếp phải có nét văn hóa đặc trưng của địa phương
Thay vì tên gọi theo số thứ tự như dự kiến trước đây gồm xã Mộ Đức 1, Mộ Đức 2, Đức Tân và Mộ Đức 3, huyện Mộ Đức thay đổi tên gọi của các ĐVHC cấp xã theo địa danh, văn hóa truyền thống của địa phương. Theo đó, tên gọi các xã mới lần lượt là xã Long Phụng, Mỏ Cày, Mộ Đức và Lân Phong.
Theo đề án ban đầu, huyện Tư Nghĩa sẽ được chia thành 4 xã mới. Trong đó, xã Tư Nghĩa, gồm: xã Nghĩa Trung, trị trấn La Là, xã Nghĩa Thương, xã Nghĩa Hòa. Kết quả lấy ý kiến cử tri vào ngày 20.4, cử tri thống nhất cao với tên gọi này nên không tổ chức lấy ý kiến lại.
Đối với xã Tư Nghĩa 1, gồm: Thị trấn Sông Vệ, xã Nghĩa Phương, xã Nghĩa Hiệp đề xuất đặt tên mới là xã Vệ Giang. Xã Tư Nghĩa 2, gồm: Nghĩa Thuận, Nghĩa Kỳ, Nghĩa Điền đề xuất đặt tên mới là xã Nghĩa Giang. Xã Tư Nghĩa 3, gồm: Nghĩa Lâm, Nghĩa Sơn, Nghĩa Thắng đề xuất đặt tên mới là xã Trà Giang.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi đánh giá vừa qua các địa phương đã tổ chức lấy ý của Nhân dân về Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh và dự thảo Đề án hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Kon Tum và việc lấy ý kiến đã đạt được sự thống nhất cao của nhân dân trong tỉnh.
Để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo tạo sự đồng thuận thống nhất cao về các đề án sau khi lấy ý kiến nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu Ban thường vụ các huyện ủy, thị ủy, thành ủy chỉ đạo chuẩn bị tốt nội dung để tổ chức kỳ họp HĐND cấp huyện, xã thông qua 2 đề án nêu trên, bảo đảm các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra.

Tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là việc đặt tên xã mới sau sáp nhập
Trên cơ sở các quy định của Trung ương và tổng hợp ý kiến, nguyện vọng của Nhân dân, nhất là việc đặt tên xã mới sau sáp nhập. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề nghị các địa phương họp cho ý kiến về tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã (mới) thuộc địa phương mình để xác định chuẩn xác tên gọi các đơn vị hành chính cấp xã (mới).
Trường hợp huyện xác định lại tên gọi khác với tên gọi trong đề án đã xin ý kiến nhân dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương có hình thức phù hợp để lấy ý kiến lại chậm nhất trong ngày 23.4.2025 hoặc thông tin lại cho nhân dân về tên gọi và chịu trách nhiệm về tên gọi đơn vị hành chính cấp xã (mới) đó.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao Đảng ủy UBND tỉnh lãnh đạo chỉ đạo Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, trình HĐND tỉnh xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh có 170 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 144 xã, 17 phường và 9 thị trấn.
Và trong số 170 đơn vị hành chính cấp xã, có 169 đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp. Riêng xã Ba Xa, huyện Ba Tơ có diện tích tự nhiên và quy mô dân số đạt chuẩn nên không thực hiện sắp xếp.
Sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, tỉnh Quảng Ngãi còn 56 đơn vị hành chính cấp xã, gồm: 6 phường, 49 xã và 1 đặc khu (Lý Sơn), đạt tỷ lệ 32,35%; giảm 115 đơn vị hành chính cấp xã hiện nay, tỷ lệ 67,65%.