Lắng nghe sóng từ Trường Sa

Lính trẻ trên đảo Sinh Tồn Ðông. Ảnh: NHẬT HUY

Tháng Chạp. Hà Nội đang vào đợt rét đậm nhất mùa đông, cứ nhìn lên tán bàng chuyển màu đỏ đậm biết sương muối về. Chỉ nay mai thôi, tàng cây trút lá, mùa đông đang vặn mình trút lớp áo già nua để đón xuân.

Nhưng có một miền không lạnh, bởi sóng cồn cào hướng về đất liền. Mùa đông nóng bỏng bởi chờ mong những trái tim rạo rực hướng về biển Đông. Tôi đang sống trong những ngày đầy ắp sự chờ đợi đến ngày lên tàu ra Trường Sa. Hai tư giờ một ngày mong ngóng, chỉ nghĩ đến Trường Sa thôi là biết bao những đợt sóng cảm xúc lại dâng trào.

Bạn bè nói khi có tiền thì có thể đi châu Âu, nhưng không thể cứ muốn là ra Trường Sa được. Bạn hỏi làm thế nào đi Trường Sa, câu hỏi tha thiết một tấc lòng dành cho Trường Sa. Ai cũng đau đáu nghĩ về một phần máu thịt của Tổ quốc là Trường Sa đang chịu bão giông từ ngoài khơi xa thăm thẳm. Đất mẹ Việt Nam không bao giờ quên những đứa con máu thịt núi liền núi sông liền sông, hiện diện bằng chuỗi đảo nhỏ lênh đênh trên sóng biển Đông như chuỗi hạt ngọc lóng lánh trên bản đồ hình chữ S xinh đẹp.

Tôi sẽ nhớ mãi một ngày đẹp trời Hà Nội có nhiều đám cưới, và cháu gái tôi cũng là cô dâu, ngày 15/11, tôi nhận tin nhắn từ Phòng Chính trị Cục Hải quân: “Chị đã có tên trong danh sách ra Trường Sa đợt này”. Tôi muốn hét to với cả thế giới rằng tôi hạnh phúc nhất thế gian.

Tôi từng nài nỉ nhà báo Nguyễn Việt Thắng, Báo Văn Nghệ (Hội Nhà Văn Việt Nam) rằng có thể “mối mai” cho tôi được ra Trường Sa không? Chứ nhìn tấm ảnh anh chụp cùng cột mốc chủ quyền trên đảo Trường Sa Lớn, tôi thèm phát ngất đi được. Anh kể rất hào hứng về chuyến ra Trường Sa. Rồi tôi đọc bài ký anh viết về Trường Sa thật kỹ đăng trên báo Văn Nghệ và tự hỏi khi nào thì tôi cũng có bài ký về Trường Sa?

Câu hỏi mà không thể tự trả lời cứ canh cánh bên lòng và đằng đẵng theo thời gian trôi. Chính vì vậy, khi biết tin tôi sắp ra Trường Sa, ngay lập tức nhà báo Nguyễn Việt Thắng gọi điện chúc mừng. Ra Trường Sa phải chuẩn bị sức khỏe, đó là lời nhắn nhiều nhất mà tôi nhận được.

Chuyến đi này tôi gói nhiều mơ ước của người không được đến Trường Sa. Nhà thơ Nguyễn Thị Năm, định cư ở Úc nhắn về những dòng cảm động, thế là nhà văn sắp được gặp Trường Sa “bằng xương bằng thịt” rồi, hãy viết nhiều bút ký, tản văn thấm đẫm hơi thở từ Trường Sa. Đồng nghiệp thì nhắn nhủ, hãy ghi âm và chụp nhiều ảnh, khi về viết nhiều về đảo xa.

Những nhắn nhủ ấy thực sự là áp lực, nhưng tạo cảm xúc để viết. Trường Sa không xa đâu, vì niềm yêu thương nối liền khoảng cách. Nhà báo Nguyễn Hồng Việt kể tôi nghe về người lính ở nhà giàn DK1 bãi Phúc Tần, tên là Hải Âu, chính trị viên. Anh có hàng chục năm ở nhà giàn. Khi nhà báo hỏi anh có ý định về đất liền không, anh nói sẽ ở nhà giàn cho đến khi nghỉ hưu, vì quen rồi, vợ anh ở nhà cũng quen cảnh xa chồng... Mặc nhiên chính trị viên Hải Âu trở thành “chúa nhà giàn” Phúc Tần.

Quang cảnh đảo Ðá Nam. Ảnh: NHẬT HUY

Gặp Hải Âu, sẽ gặp những giọt mồ hôi đang lăn tròn trên mặt bỗng dừng lại, đọng muối và ngấm thẳng vào làn da đen bóng vì nắng gió nước mặn. Việt nhấn mạnh, nhớ cho em gửi lời hỏi thăm anh Hải Âu. Còn cháu Lê Ngọc Thúy, cô gái công tác ở Trung tâm Văn hóa Nha Trang, có chồng công tác ở đảo xa, và câu chuyện với Thúy là một câu chuyện dài, từ từ rồi tôi sẽ kể. Chỉ biết rằng tình yêu với đảo xa đã khiến tôi xem Thúy như con gái, và ngược lại Thúy đã gọi tôi là “mẹ” một cách yêu thương.

Thúy kể chỉ nói chuyện với các anh nấu bếp thôi đã có được rất nhiều chuyện hay. Gần hai năm rồi, Bảo, chồng Thúy chưa được về phép. Mùa này đang bão giông, hai mẹ con Thúy vẫn gửi niềm mong nhớ vào những cơn gió thổi ra đảo xa. Thúy nhắn mong mẹ ra Trường Sa gặp Bảo nhà con. Thế mới thấu hiểu vợ chồng yêu xa là một hành trình dũng cảm để kiếm tìm hạnh phúc.

Thúy hỏi tôi, mẹ yêu biển đảo từ khi nào thế? Câu hỏi làm tôi cũng tự hỏi mình, và tất nhiên tôi cũng không trả lời được vì trên đời này chẳng có ai lý giải được cội nguồn tình yêu. Tình yêu cũng chẳng vì ai mà trở thành lớn hay nhỏ, nhưng tình yêu sẽ đến bên ta lặng lẽ tự nhiên như nắng như gió, như trời xanh nơi tôi sẽ đến là Trường Sa.

Niềm ước mong đến Trường Sa được khởi nguồn từ đâu? Có lẽ từ thăm thẳm nỗi niềm dậy sóng và vô tình gieo vào tâm hồn như cái gì rất vô thức mà tôi không lý giải được. Tôi không mong đi châu Âu, châu Mỹ, chỉ mong được đặt chân đến mọi miền Tổ quốc, vì đất nước mình nơi đâu cũng đẹp. Chưa bao giờ dám nghĩ được đến Trường Sa, vì tôi biết đó là mong ước xa vời khó có thể thành hiện thực.

PHAN MAI HƯƠNG

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/349/234214/lang-nghe-song-tu-truong-sa.html