Làng Mông ngày mới
Vài năm trở lại đây, Làng Mông, xã Rô Men, huyện Đam Rông như được khoác lên mình chiếc áo mới. Từ tuyến đường ĐT722 vào khu dân cư, những con đường nền đất ngày nào nay đã được bê tông hóa vươn dài đến tận các ngõ xóm. Kinh tế phát triển, bà con đã đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố với nhiều kiểu dáng hiện đại xen lẫn kiến trúc nhà sàn truyền thống của dân tộc H'Mông càng thêm nhiều ấn tượng, đặc sắc nơi vùng quê...

Nhiều ngôi nhà kiên cố khang trang đã xuất hiện trên khắp Thôn 5
NHỮNG ẤN TƯỢNG SAU 10 NĂM
Làng Mông hay còn gọi là Thôn 5, xã Rô Men hiện có 184 hộ, 1.059 nhân khẩu, với đặc thù 100% là người dân tộc H’Mông. Đây là dân tộc sống từ vùng cao Tây Bắc di cư vào huyện Đam Rông làm kinh tế mới. Một điều khá thú vị là Làng Mông dẫu không có nhiều lợi thế về đất sản xuất nông nghiệp như một số thôn, buôn khác của xã Rô Men, nhưng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, sự đoàn kết, nỗ lực vượt khó của người dân trong lao động sản xuất nên đời sống của người dân tộc H’Mông nơi đây đã được ổn định và nhiều hộ đã làm giàu trên quê hương mới.
Ông Hoàng Xuân Thái - Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Thôn 5, xã Rô Men cho biết: Sau khi vào Đam Rông, một bộ phận đồng bào H’Mông ở các Tiểu khu 179, Tiểu khu 81 và Đạ Mpô thuộc xã Liêng S'rônh phải di dời về định cư tại Thôn 5, xã Rô Men. Những ngày đầu vào đây làm kinh tế, người dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, và bài toán đặt ra là làm thế nào để giúp bà con vượt qua những khó khăn, ổn định cuộc sống. Vì vậy, trưởng bản cùng bà con cứ loay hoay với các câu hỏi: Trồng cây gì? Nuôi con gì? Cây, con giống, vốn đầu tư lấy từ đâu ra? Nông sản tiêu thụ như thế nào?... Do còn nhiều khó khăn và chưa nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc cây công nghiệp dài ngày nên bà con chủ yếu canh tác lúa nương, cây mì và cây bo bo đảm bảo nguồn lương thực để giải quyết cái đói trước mắt. Mặt khác, trong định hướng phát triển sản xuất do chưa tìm hiểu, nghiên cứu kỹ đặc tính của từng cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương nên một số cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế. “Đến năm 2008, bà con chúng tôi tập trung trồng cây cà phê Catimo. Do đặc tính cây cà phê Catimo không phù hợp với điều kiện khí hậu xứ nóng, nên dẫn đến thất bại. Được chính quyền địa phương quan tâm tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật, hỗ trợ vay vốn, cây con giống, nên từ năm 2014, bà con đã chuyển đổi sang trồng giống cà phê Robusta. Với những hướng đi đúng, chỉ sau 10 năm chuyển đổi giống cây trồng đã giúp đồng bào H’Mông từng bước xóa đói, giảm nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng”, ông Hoàng Xuân Thái khẳng định.
Đến nay, Làng Mông có tổng diện tích đất sản xuất 232,5 ha, trong đó, cây cà phê 188,8 ha; lúa nước 30 ha; cây hồ tiêu 2 ha. Cây ăn trái các loại gồm: sầu riêng, bơ và dứa với tổng diện tích 33,3 ha. Còn lại trên 4 ha là các loại cây: điều, cà ri, mắc ca, dổi và cây mít. Bên cạnh đó, bà con còn kết hợp phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm với số lượng gần 2.500 con và tận dụng mặt nước ao, hồ để thả cá cải thiện chất lượng cuộc sống. Sau hơn 10 năm nỗ lực và nhờ thực hiện hiệu quả các định hướng đi phát triển kinh tế, nên đời sống của người dân từng bước được ổn định và nâng cao, số hộ nghèo và hộ cận nghèo giảm còn 12 hộ.
30% SỐ HỘ THU NHẬP TIỀN TỶ
Trải qua những tháng ngày gian khổ trong hành trình phát triển kinh tế để tạo dựng cuộc sống gia đình, nên từ khi đặt chân lên vùng đất Đam Rông nhiều hộ người dân tộc H’Mông luôn thể hiện ý chí quyết tâm cao để đẩy lùi nghèo đói và lạc hậu. Ông Giàng Seo Pao - Trưởng Ban Công tác Mặt trận Thôn 5 bày tỏ: “Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất, sau những tiếng gà gáy, người dân thường dậy sớm chuẩn bị mọi thứ để lên nương, đến 6 giờ sáng hầu hết bà con đều lên nương rẫy và mãi đến xế chiều 5 giờ 30, thậm chí 6 giờ tối mới về đến nhà nên hiệu suất công việc được nâng cao”.
Anh Vàng Seo Páo (sinh 1981) cho biết: “Hiện tại gia đình tôi còn khoảng 4 ha đất sản xuất. Trước đây, tôi chủ yếu canh tác cây cà phê với sản lượng bình quân đạt 6 tấn cà phê nhân/năm. Thời gian qua, tôi chuyển đổi một số diện tích cà phê sang trồng cây sầu riêng nên cà phê của gia đình còn lại 1 ha. Đến nay, tôi đã trồng được 400 cây sầu riêng, trong đó đã có 100 cây cho thu hoạch, 200 cây năm thứ 3... Trong niên vụ 2024, gia đình tôi có tổng thu nhập trên 800 triệu đồng từ sầu riêng và cà phê; đồng thời đầu tư kinh phí xây dựng ngôi nhà mới có diện tích 120 m2, với trị giá 900 triệu đồng. Ngoài ra còn trang bị thêm máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp”.
Chia sẻ với chúng tôi, nhiều cán bộ xã cũng như các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn cho biết về hành trình phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa và việc tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng Phong trào Xây dựng nông thôn mới. Trong Chương trình xây dựng Nông thôn mới, mỗi cán bộ, đảng viên vừa là đầu tàu gương mẫu trong triển khai thực hiện, vừa là tuyên truyền viên giúp người dân nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của Chương trình xây dựng Nông thôn mới với đích đến của chương trình là người dân được no ấm, nông thôn ngày càng văn minh, hiện đại. Do đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương xác định trước hết vận động người dân xóa bỏ tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước; biết tiết kiệm trong việc chi tiêu; tập trung xóa đói, giảm nghèo bền vững; chú trọng ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương…
Ông Lê Công Trọng - Chủ tịch UBND xã Rô Men, cho biết: “Khi mới di cư vào sinh sống tại xã, bà con Thôn 5 hầu hết là hộ nghèo, canh tác lạc hậu chủ yếu là cây mì, sau này nhờ có chủ trương đúng, bà con đã chuyển sang cây cà phê, cây ăn trái, những năm gần đây, thị trường các mặt hàng nông sản ổn định, Làng Mông đã xuất hiện nhiều hộ sản xuất giỏi có thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến trên cả tỷ đồng. Trong đó, có 30% số hộ có thu nhập trên một tỷ đồng/năm, có khoảng 70% số hộ thu nhập từ 500 - 800 triệu đồng/năm. Tiêu biểu như các hộ gia đình ông Lý Xuân Vù, Lý A Hồ, Vàng Seo Mành, Sùng A Sáng, Hoàng Seo Tánh… có thu nhập từ một tỷ đồng trở lên. Từ cuối năm 2024 đến nay, bà con người H’Mông đã đầu tư xây dựng nhiều ngôi nhà mới với trị giá từ vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng”.
Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/xa-hoi/202504/lang-mong-ngay-moi-32430cf/