Lan tỏa Phong trào thi đua 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau'
Tập trung về cơ sở, bám sát nội dung, nhiệm vụ trọng tâm thực hiện giảm nghèo bền vững với các chỉ tiêu cụ thể; phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền, nhân rộng điển hình tiên tiến, mô hình, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả; động viên, khích lệ người nghèo, hộ nghèo quyết tâm, có nghị lực vươn lên thoát nghèo bền vững... Với cách triển khai linh hoạt, sáng tạo, Phong trào thi đua 'Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau' trên địa bàn huyện Hòa An đạt hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng tạo động lực cho phát triển bền vững của địa phương.
Tập trung huy động nguồn lực giảm nghèo
Hai năm nay, gia đình chị Phương Thị Sơn, xóm Bến Đò, xã Hoàng Tung được Nhà nước hỗ trợ giống khoai tây trên diện tích 1.000 m2 và được cán bộ chuyên môn thường xuyên đến đồng ruộng kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm. Chị Sơn vui vẻ cho biết: Năm nào gia đình tôi cũng trồng nhiều loại rau xanh phục vụ thị trường trong huyện và một số chợ ở Quảng Hòa, Thành phố, lại được Nhà nước quan tâm hỗ trợ giống và kỹ thuật nên chúng tôi yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Với 11 xã, 84 xóm thuộc vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, dân số khu vực nông thôn chiếm khoảng 76,5%, để phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng và đem lại hiệu quả thiết thực, huyện đưa ra các chỉ tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nhằm giúp các xã, thị trấn chủ động đề ra nội dung, giải pháp giảm nghèo đặc thù của địa phương, bố trí và huy động đa dạng nguồn lực cho địa bàn nghèo nhằm giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, giàu gắn với phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”. Chỉ đạo các xã, thị trấn triển khai nhiều nhóm biện pháp mang lại hiệu quả trong công tác giảm nghèo như: chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, chính sách hỗ trợ về y tế, giáo dục, hỗ trợ đào tạo nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, hỗ trợ tiền điện, cứu đói tết, giáp hạt, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xóm đặc biệt khó khăn...

Nông dân xã Hoàng Tung (Hòa An) chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách Trung ương 30 tỷ 788 triệu đồng giai đoạn 2021 - 2024 (năm 2025 đề xuất kinh phí 11 tỷ 037 triệu đồng) để thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hằng năm, huyện phân bổ vốn cho các cơ quan cấp huyện, các xã, thị trấn làm chủ đầu tư thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần của Chương trình. Trong đó, Dự án 2 (Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) thực hiện 24 dự án (3 dự án hỗ trợ theo chuỗi liên kết giá trị, 21 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng), hỗ trợ 1.770 con giống vật nuôi (bò, trâu, lợn, gà), 57.500 kg củ giống dong riềng đỏ, các loại phân bón cho 913 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi tham gia dự án. Phân bổ 6 tỷ 026 triệu đồng thực hiện Tiểu dự án 1 Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) triển khai 9 dự án, gồm 3 dự án hỗ trợ theo chuỗi liên kết giá trị và 6 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng, hỗ trợ 508 con giống gia súc sinh sản, củ giống dong riềng đỏ, giống ngô, phân bón cho 446 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ làm kinh tế giỏi tham gia dự án. Đào tạo nghề cho 451 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo Tiểu dự án 1 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn thuộc Dự án 4 (Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững)...
Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đồng bộ, hiệu quả như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế, bảo trợ xã hội, vay vốn ưu đãi, tư vấn tạo việc làm… Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, 5.767 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và học sinh sinh viên… vay vốn với tổng doanh số cho vay 308 tỷ 963 triệu đồng, 29.051 lượt hộ đang hưởng lợi từ các chương trình với tổng dư nợ 1.031 tỷ 689 triệu đồng. Toàn huyện đã hỗ trợ nhà ở cho 1.074 hộ gia đình (Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát 1.008 nhà, 40 tỷ 839 triệu đồng) xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở với tổng kinh phí hỗ trợ 44 tỷ 390 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, xã hội hóa và 13 tỷ 038 triệu đồng vốn của gia đình, người thân.
Nhân rộng mô hình, cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả
Phong trào thi đua đã tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, phát huy sự đồng thuận trong xã hội, tính tích cực, sáng tạo và nỗ lực của người dân, tạo được chuyển biến thiết thực đối với đời sống người nghèo. Các mô hình, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong công tác giảm nghèo bền vững được tuyên truyền, nhân rộng và lan tỏa. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua, nhiều hộ gia đình đã vươn lên trở thành những gương điển hình tiên tiến, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, đoàn kết cùng giúp nhau giảm nghèo. Cụ thể như: Hộ gia đình ông Dương Văn Thà, xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn tiên phong trồng cây thuốc lá trên địa bàn, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, từ đó, niên vụ 2022 - 2023 đã có thêm 7 hộ dân mạnh dạn chuyển đổi sang trồng thuốc lá để nâng cao đời sống, giảm nghèo; từ trồng dong riềng làm miến, năm 2022, gia đình bà Triệu Thị Huyền, xóm Án Lại, xã Nguyễn Huệ thoát nghèo; ông La Văn Dũng, xã Bạch Đằng trồng 3 ha cây ăn quả (ổi, hồng xiêm, thanh long, dứa, mít, bưởi, cam…), 3 ha cây lâm nghiệp, 1.000 m2 ao cá, 30 tổ ong cho sản luợng khoảng 200 - 300 lít/năm, mang lại thu nhập khoảng 150 - 200 triệu đồng/năm...

Mô hình trồng cây thuốc lá của gia đình anh Dương Văn Thà, xóm Văn Thụ, xã Nam Tuấn mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Các địa phương huy động nhiều nguồn lực ủng hộ, giúp đỡ người nghèo; thực hiện các chương trình an sinh xã hội tại địa phương; tổ chức cho các cơ quan, đơn vị giúp đỡ hộ nghèo bằng nhiều hình thức; vận động hộ gia đình đăng ký thi đua đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vượt khó vươn lên phát triển kinh tế để thoát nghèo bền vững. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo mang lại hiệu quả cao, như: Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tổ chức “Tuần lễ gửi tiền tiết kiệm, chung tay vì người nghèo”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện triển khai Tháng cao điểm “Vì người nghèo”, giới thiệu địa chỉ để các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo; các tổ chức thành viên của Mặt trận triển khai nhiều phong trào thi đua như: “Phụ nữ giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ", “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”...
Phát huy sự đồng thuận trong xã hội, tính tích cực, sáng tạo và nỗ lực của người dân, Phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” không chỉ tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân về tiêu chí hộ nghèo đa chiều, mục tiêu giảm nghèo bền vững, quan trọng hơn, phong trào tạo được chuyển biến thiết thực đối với đời sống người nghèo, góp phần cho người dân có công việc, thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Qua đó, số hộ nghèo hằng năm giảm rõ rệt, tỷ lệ giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025 đạt trung bình 3,18%/năm (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra). Đến cuối năm 2024, toàn huyện còn 1.039 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 7,44%; 1.418 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 10,15%; năm 2025 phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 2,3% trở lên.