Làn sóng đình công trong ngành y tế, giáo dục tại Anh chưa kết thúc
Ngày 16/1, các giáo viên và y tá tại Anh cho biết họ sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc đình công, trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt và mâu thuẫn về yêu cầu tăng lương vẫn tiếp diễn.
Tổ chức công đoàn Royal College of Nursing (RCN) cho biết nếu đến cuối tháng 1 này các cuộc đàm phán về tăng lương vẫn không đạt được tiến triển nào, các nhân viên của Cơ quan Dịch vụ Y tế công (NHS) sẽ tiến hành đợt đình công lớn nhất vào tháng 2.
Trước đó, tổ chức này đã tiến hành các cuộc đình công vào đầu tháng 1 này vào trong tháng 12/2022. Tổng thư ký RCN Pat Cullen cho biết họ đang thực hiện nỗ lực "trong tuyệt vọng" với mong muốn các bộ trưởng có thể hỗ trợ NHS.
Giám đốc điều hành tạm thời Saffron Cordery tại NHS Providers, tổ chức thành viên của NHS, cho biết các cuộc đình công dẫn đến gián đoạn nghiêm trọng trong ngành y tế. Bà Cordery nhấn mạnh quy mô đình công càng lớn thì hậu quả sẽ càng nặng nề đối với lĩnh vực này. Bà Cordery khẳng định nhà chức trách hiểu gánh nặng tâm lý của các y tá và sức ép từ thực trạng lương không theo kịp lạm phát, khủng hoảng chi phí sinh hoạt, thiếu hụt nhân lực ngành và khối lượng công việc quá tải.
Cùng ngày, Liên minh Giáo dục Quốc gia (NEU) thông báo phần lớn thành viên của tổ chức công đoàn này ủng hộ tiến hành đình công đòi tăng lương vào tháng 2 và tháng 3 tới. NEU cho biết họ luôn sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào, song không thể để tình trạng khó khăn này tiếp diễn. Theo NEU, mức tăng lương 5% được đưa ra vào tháng 7/2022 trên thực tế tương đương với việc cắt giảm 7% lương do lạm phát tăng vọt. NEU nhấn mạnh lương trung bình của giáo viên đã giảm hơn 20% trong thập kỷ qua khiến nhiều người phải bỏ việc.
Kể từ mùa Hè năm 2022, Vương quốc Anh đã đối mặt với khủng hoảng đình công nghiêm trọng. Chính phủ cho rằng mức tăng lương mà các tổ chức công đoàn yêu cầu là "không chấp nhận được", trong khi đây cũng không phải giải pháp cho tình trạng lạm phát.
Các cuộc đình công lan rộng đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn của Anh. Theo báo cáo của Credit Suisse công bố hôm 13/1, hoạt động vận chuyển và lưu trữ trong tháng 11/2022 đã giảm so với cùng kỳ năm trước, một phần do các cuộc đình công của ngành bưu điện và đường sắt. Báo cáo cho rằng trong ngắn hạn, các cuộc đình công này gây rủi ro cho tăng trưởng.
Theo nhà kinh tế học Karl Thompson tại Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và kinh doanh, tổng thiệt hại trực tiếp và gián tiếp do các cuộc đình công ước tính ít nhất là 1,7 tỷ bảng Anh (tương đương 2 tỷ USD) trong khoảng thời gian 8 tháng tính đến tháng 1/2023.\