Lần đầu tiên mổ cong vẹo cột sống cho cháu bé 3 tuổi, bị vẹo đến 66 độ
Thông thường với những trẻ bị cong vẹo cột sống bẩm sinh phải 6 tuổi trở lên mới có chỉ định phẫu thuật, thế nhưng, các bác sĩ Bệnh viện 108 vừa mổ cho một cháu bé mới chỉ 3 tuổi, nặng 12kg…
Ngày 13-1, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Bệnh viện 108) thông tin, các bác sĩ khoa Chấn thương - Chỉnh hình Cột sống của viện này vừa phẫu thuật thành công cho một ca vẹo cột sống bẩm sinh đặc biệt.
Bệnh nhi là B.Đ, 3 tuổi, đến từ Thanh Hóa. Cháu bé được bố mẹ phát hiện có bất thường tại cột sống khi 2 tuổi, đi khám được chẩn đoán là vẹo cột sống ngực – thắt lưng bẩm sinh mức độ lớn do dị tật nửa đốt sống L1.
Cháu bé vẫn đi lại được nhưng cột sống lệch vẹo, cúi ngửa khó khăn, hạn chế vận động do đau lưng.
Các bác sĩ nhận định, tình trạng biến dạng cột sống của cháu B.Đ đã là mức độ nặng, góc vẹo 66 độ. Nếu trì hoãn để đợi khi cháu được 6 tuổi trở lên mới chỉ định mổ như các trường hợp thông thường thì không thể phẫu thuật nắn chỉnh được vẹo cột sống.
Vì vậy, các bác sĩ đã nghiên cứu và quyết tâm tiến hành phẫu thuật nắn chỉnh biến dạng cột sống cho bệnh nhi, dù với trẻ mới chỉ 3 tuổi như cháu bé này thì những tai biến, biến chứng của phẫu thuật và gây mê hồi sức sẽ cao hơn trẻ từ 6 tuổi trở lên.
Bác sĩ Nguyễn Duy Thụy, khoa Chấn thương – Chỉnh hình Cột sống (Bệnh viện 108) cho biết, ca phẫu thuật cho bệnh nhi B.Đ là bệnh nhi nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay tại viện được thực hiện kỹ thuật này. Do cháu bé còn nhỏ tuổi nhưng đã biến dạng cột sống rất lớn, tính chất cuộc phẫu thuật rất phức tạp.
“Có nhiều vấn đề đặt ra trong ca phẫu thuật cho bệnh nhi như: khả năng mất máu lớn, nguy cơ làm tổn thương tủy - rễ thần kinh. Muốn nắn chỉnh thì phải bắt nhiều vít vào cột sống nhưng không có loại vít cột sống dành riêng cho trẻ em. Chưa kể việc gây mê cho cháu bé mới 3 tuổi, nặng có 12kg là một thách thức lớn…” – bác sĩ Thụy phân tích.
Dù vậy, ca phẫu thuật gần 4 tiếng cho bệnh nhi B.Đ đã thành công. Sau cuộc mổ, cháu bé được rút ống nội khí quản, tỉnh lại nhanh, nói chuyện được và không đau, hai chân vận động tốt.
Đây không chỉ là thành công của Bệnh viện 108 mà còn là mốc đáng nhớ, mở ra cánh cửa mới cho cuộc sống của các bệnh nhi bị cong vẹo cột sống bẩm sinh.