Lấn chiếm vỉa hè tập kết phế liệu
Thời gian gần đây, tình trạng các cơ sở thu mua phế liệu tại TP. Điện Biên Phủ lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường tập kết, phân loại phế liệu trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông và môi trường sống của người dân.

Cơ sở thu mua phế liệu tại tổ dân phố 9, phường Tân Thanh chiếm dụng vỉa hè, lòng đường, gây mất an toàn giao thông.
Trên địa bàn tổ dân phố 9, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ), một cơ sở thu mua phế liệu ngang nhiên sử dụng vỉa hè làm nơi phân loại và tập kết hàng hóa. Các loại phế liệu như giấy vụn, sắt thép, chai nhựa… chất thành đống lớn, chiếm toàn bộ không gian dành cho người đi bộ. Vào giờ cao điểm, hoạt động thu mua diễn ra tấp nập, xe tải thường xuyên dừng đỗ ngay trên lòng đường bốc dỡ hàng hóa, làm cản trở giao thông và gây mất mỹ quan đô thị.
Bức xúc trước tình trạng này, bà T.T.T. (phường Tân Thanh) chia sẻ: “Vỉa hè, lòng đường thuộc quyền quản lý của Nhà nước, không ai được tự ý chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Các cơ sở thu mua phế liệu cần sắp xếp hàng hóa trong khuôn viên đất của mình, không được lấn ra ngoài gây ảnh hưởng đến người dân. Nếu vẫn cố tình lấn chiếm vỉa hè, lòng, lề đường làm nơi tập kết, trung chuyển phế liệu, chúng tôi đề nghị chính quyền và ngành chức năng xử lý các cơ sở thu mua phế liệu vi phạm, tránh tình trạng này tái diễn trong thời gian tới”.

Các loại phế liệu cồng kềnh tập kết trên vỉa hè ngay tường rào Sân vận động tỉnh.
Dạo một vòng khu vực thành phố, không khó để thấy những cơ sở thu mua phế liệu nằm xen lẫn khu dân cư, vi phạm về trật tự đô thị. Các cơ sở này đều chiếm dụng vỉa hè làm nơi tập kết và phân loại phế liệu. Cơ sở thu mua phế liệu khu vực Sân vận động tỉnh, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) tràn lan các vật liệu từ chai nhựa, lon bia, sắt, nhôm, giấy và nhiều loại phế liệu cồng kềnh. Các loại phế liệu này đều tập kết trên vỉa hè cạnh sân vận động và mặt tiền của nhà kho. Nhiều vật liệu chất cao, nằm ngổn ngang lấn chiếm hết vỉa hè khiến người đi bộ phải bước xuống lòng đường vòng qua các đống phế liệu, gây mất an toàn giao thông; đồng thời tạo nên cảnh tượng nhếch nhác trong tuyến đường trung tâm thành phố.
Thường xuyên lưu thông qua đoạn đường này, anh N.M.H. ở phường Mường Thanh cho biết: “Tại cơ sở này, phế liệu chất thành từng đống lớn, với nhiều loại: Bao bì, giấy, nhôm, sắt, thép, nhựa, nilông, đồ điện tử cũ... nằm la liệt dọc hai bên vỉa hè. Nhiều khi, xe tải đậu ngay giữa đường bốc dỡ, lên xuống phế liệu lấn chiếm hết lối đi bộ của người dân. Vỉa hè đã bị chiếm dụng, người tham gia giao thông gặp khó khăn. Người dân đã nhiều lần phản ánh, nhưng đến nay tình trạng lấn chiếm vỉa hè tại cơ sở thu mua phế liệu này vẫn chưa được khắc phục”.

Giấy, bìa tập kết trên vỉa hè khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Hoạt động thu mua phế liệu mang lại thu nhập cho một bộ phận người dân, song cũng gây không ít phiền toái cho người tham gia giao thông và các hộ gia đình lân cận bởi mùi hôi và bụi bặm từ các loại phế liệu gây ra… Thời gian qua, Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Điện Biên Phủ đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và thường xuyên nhắc nhở các gia đình lấn chiếm hành lang đường, tập kết phế liệu. Cơ quan chức năng đã nhiều lần xử phạt hành chính đối với cơ sở thu mua phế liệu tập kết vật liệu, dựng vật che chắn khác trái quy định trong phạm vi đất dành cho người đi bộ, gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông đường bộ, nhưng một số cơ sở vẫn cố tình vi phạm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Kim Lân, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có gần 10 cơ sở thu mua phế liệu. Các cơ sở này đều có giấy xác nhận đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh nên chúng tôi không thể buộc họ ngừng hoạt động mà chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính nếu có vi phạm. Chúng tôi đã phối hợp với chính quyền và cơ quan chức năng địa phương kiểm tra, chấn chỉnh và nhắc nhở nhiều lần. Thậm chí, chúng tôi còn mời chủ cơ sở lên làm việc để ký cam kết không vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường. Nếu tiếp tục tái phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp mạnh hơn như gửi văn bản đến chính quyền địa phương đánh giá tiêu chí gia đình văn hóa, thậm chí buộc các hộ tạm trú phải rời khỏi địa bàn. Tuy nhiên, khi không có mặt lực lượng chức năng, nhiều cơ sở vẫn cố tình vi phạm. Vì vậy, thời gian tới, đội sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các phường, lực lượng tổ chức kiểm tra và yêu cầu chủ cơ sở chấp hành nghiêm túc theo cam kết, nếu còn vi phạm sẽ xử lý theo quy định”.

Cơ quan chức năng xử lý cơ sở thu mua phế liệu vi phạm phạm vi đất dành cho người đi bộ.
Tình trạng cơ sở thu mua phế liệu chiếm dụng vỉa hè, lề đường tại TP. Điện Biên Phủ không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng an toàn giao thông và môi trường sống của người dân. Mặc dù chính quyền đã có nhiều biện pháp xử lý, nhưng tình trạng này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Để thành phố xanh - sạch - đẹp, rất cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng và ý thức chấp hành của các hộ kinh doanh.