Làm thế nào để xin cấp lại sổ đỏ khi bị mất?
Theo luật sư, để xin cấp lại sổ, người dân cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, gồm: Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu của Thông tư 24/2024/TT-BTNMT; Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân,....
Độc giả của VOV.VN gửi đến báo một tình huống như sau: "Bác tôi dọn nhà, vô tình dọn luôn cả sổ đỏ của gia đình mang ra bãi rác gần nhà vứt. Sáng hôm sau tỉnh dậy, sực nhớ ra vụ việc, bác có ra bãi rác tìm lại thì nhìn thấy chỗ rác đó đã bị người trông coi bãi rác đốt mất. Ngay sau đó, bác đã ra UBND xã, công an xã, địa chính xã trình báo vụ việc.
Địa chính xã có yêu cầu, bác phải xuống đài truyền thanh của huyện để đưa tin về việc mất sổ, đốt sổ. Quy định này có đúng ko? Và theo quý báo, để xin cấp lại giấy chứng nhận cần làm những gì?".
Trả lời câu hỏi của độc giả gửi đến Báo Điện tử VOV, luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc công ty Luật số 1 Hà Nội phân tích, trước tiên, Sổ đỏ không phải là thuật ngữ pháp lý mà tên chính xác là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất, sau đây gọi là “giấy chứng nhận”.
Đối với câu hỏi “Địa chính xã yêu cầu phải xuống đài truyền thanh huyện để đưa tin về việc mất sổ, đốt sổ?” Luật sư Thu cho biết, căn cứ Khoản 1 Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định về việc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận sở hữu công trình xây dựng do bị mất như sau:
“1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, UBND cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại trụ sở , trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn”.
Tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ nộp khi thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng do bị mất thì trường hợp mất Giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.
Như vậy, trường hợp của bác bạn được xác định là mất giấy chứng nhận do hỏa hoạn nếu UBND xã có xác nhận về việc mất giấy chứng nhận với lý do này, trường hợp không có xác nhận của UBND xã về việc mất giấy chứng nhận do hỏa hoạn thì xác định là mất giấy chứng nhận thông thường. Trường hợp mất giấy chứng nhận do hỏa hoạn thì không phải niêm yết thông báo mất giấy chứng nhận tại trụ sở UBND xã như trường hợp mất giấy chứng nhận thông thường.
Theo thông tin bạn cung cấp, việc mất giấy chứng nhận là do “bác của bạn dọn nhà, vô tình dọn luôn cả giấy chứng nhận mang ra bãi rác vứt, sáng hôm sau, ra bãi rác tìm lại thì biết họ đã đốt rác nên không tìm thấy”. Xét thấy đây không phải trường hợp hỏa hoạn xảy ra tại nhà hoặc nơi lưu trữ giấy chứng nhận, thiết nghĩ rất khó để UBND xã xác định có hay không sự việc như thông tin bạn cung cấp, do vậy, theo đánh giá trường hợp của bác bạn có thể xác định là bị mất giấy chứng nhận thông thường.
Về quy trình, trình tự thực hiện thủ tục cấp lại giấy chứng nhận khi giấy chứng nhận bị mất, luật sư Thu cho hay, điều này đã được quy định tại Luật Đất đai 2013, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Thông tư 24/2014/TT-BTNMT. Cụ thể:
Đối với hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư khi bị mất giấy chứng nhận, đối tượng này phải khai báo với ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất giấy chứng nhận.
Đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài khi bị mất giấy chứng nhận, sau khi khai báo với UBND xã nơi có đất phải đăng tin mất giấy chứng nhận trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương. Theo Khoản 2 Điều 3 Thông tư 38/2017/TT-BTTTT, Phương tiện thông tin đại chúng là phương tiện được cơ quan báo chí sử dụng để cung cấp, truyền dẫn thông tin tới đông đảo công chúng bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo in, báo điện tử và trang/cổng thông tin điện tử.
Như vậy, việc đăng tin mất giấy chứng nhận trên đài truyền thanh địa phương áp dụng cho trường hợp mất giấy chứng nhận của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài.
Do vậy, theo luật sư Thu, xét thấy việc địa chính xã yêu cầu bác của bạn phải xuống đài truyền thanh huyện để đưa tin về việc mất giấy chứng nhận, đốt giấy chứng nhận là không có căn cứ.
Về trình tự xin cấp lại Sổ đỏ, luật sư Thu cho biết, theo quy định hiện hành, trước tiên bác của bạn phải thông báo đến UBND xã về việc mất giấy chứng nhận. Theo quy định tại Khoản 1 Điều 77 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP, UBND xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở UBND xã sau khi nhận được phản ánh từ công dân.
Sau thời hạn 15 ngày, kể từ ngày niêm yết mà không có khiếu nại, khiếu kiện liên quan đến thông báo mất Giấy chứng nhận hoặc tìm lại được Giấy chứng nhận đã báo mất, UBND xã sẽ gửi lại bác của bạn giấy xác nhận niêm yết thông báo mất giấy Chứng nhận.
Sau khi nhận được giấy xác nhận của UBND xã, bác của bạn có thể tiến hành nộp bộ hồ sơ đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đến văn phòng đăng ký đất đai để đề nghị cấp lại giấy chứng nhận do bị mất.
Theo luật sư Thu, để xin cấp lại sổ người dân cần chuẩn bị bộ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, gồm: Đơn đề nghị cấp lại giấy chứng nhận theo mẫu của Thông tư 24/2024/TT-BTNMT;
Giấy xác nhận của UBND cấp xã về việc đã niêm yết thông báo mất giấy trong thời gian 15 ngày đối với hộ gia đình và cá nhân; trường hợp mất giấy chứng nhận do thiên tai, hỏa hoạn phải có giấy xác nhận của ủy ban nhân dân cấp xã về việc thiên tai, hỏa hoạn đó.
Ngoài ra nộp kèm: Giấy tờ về nhân thân, bản photo/bản sao chứng thực giấy chứng nhận đã cấp (nếu có).
Sau khi nhận được hồ sơ, văn phòng đăng ký đất đai sẽ có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và cấp lại giấy chứng nhận cho bác của bạn nếu hồ sơ đáp ứng yêu cầu. Thời hạn xử lý hồ sơ là 10 ngày, kể từ ngày hồ sơ nộp hợp lệ (căn cứ Khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP).
Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/lam-the-nao-de-xin-cap-lai-so-do-khi-bi-mat-post1093227.vov