Làm thế nào để Việt Nam thuộc top 3 ASEAN về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo?
Để hiện thực hóa tham vọng Việt Nam đến năm 2030 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo, thì việc nhận diện rõ ràng các điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức trên đường đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu là vô cùng cần thiết.
Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế của mình trên bản đồ trí tuệ nhân tạo toàn cầu, đặc biệt qua các báo cáo của Oxford Insights về "Chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ". Với sự thăng hạng liên tục từ vị trí 76 năm 2020 lên 59 năm 2023, và thậm chí vươn lên thứ 50 theo tổng điểm trong năm 2024, Việt Nam đã chứng tỏ nỗ lực đáng kể. Tuy nhiên, đến nay, trong phạm vi khu vực ASEAN, Việt Nam vẫn xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Để hiện thực hóa tham vọng Việt Nam đến năm 2030 thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu khu vực ASEAN về nghiên cứu và phát triển Trí tuệ nhân tạo, thì việc nhận diện rõ ràng các điểm mạnh, điểm yếu cũng như cơ hội và thách thức trên đường đua trí tuệ nhân tạo toàn cầu là vô cùng cần thiết.
Bài viết này nhằm đánh giá các điểm mạnh và điểm yếu của Việt Nam theo các trụ cột chính: Chính phủ, Lĩnh vực công nghệ, và Dữ liệu và hạ tầng - được sử dụng trong báo cáo của Oxford Insights để xác định mức độ sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ. Trên cơ sở đó tiến hành phân tích SWOT làm cơ sở cho việc nhận diện các vấn đề mà Việt Nam cần tập trung cải thiện trong thời gian tới để thực hiện thành công mục tiêu đề ra.

TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Về trụ cột Chính phủ
Trụ cột này đánh giá tầm nhìn, chiến lược, khung pháp lý và năng lực nội bộ của chính phủ trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo .
Qua đánh giá trụ cột này có thể thấy Việt Nam có hai điểm mạnh sau đây:
Một là, tầm nhìn và chiến lược rõ ràng: Việt Nam đã thể hiện cam kết mạnh mẽ qua việc ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Điều này tạo ra một định hướng rõ ràng và thể hiện quyết tâm cấp quốc gia trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo , đặc biệt trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào cung cấp dịch vụ công.
Mới đây Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia cùng với Nghị quyết 71/NQ-CP năm 2025 sửa đổi cập nhật Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57-NQ/TW đã và đang tạo đột phá về chủ trương, chính sách, nhiệm vụ và giải pháp trong nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo .
Hai là, xây dựng Khung pháp lý và đạo đức trí tuệ nhân tạo: Việt Nam đang tích cực xây dựng khuôn khổ pháp lý cho trí tuệ nhân tạo, thể hiện qua việc ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số với một chương về trí tuệ nhân tạo và một chương về tài sản số. Sự chú trọng vào việc quản lý rủi ro, thúc đẩy trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm và bảo đảm minh bạch cho thấy sự quan tâm đến các khía cạnh quản trị trí tuệ nhân tạo.
Tuy nhiên, điểm yếu là, hiệu quả thực thi chính sách và ứng dụng thực tế còn bất cập: Mặc dù có chiến lược và khung pháp lý, hiệu quả thực thi và mức độ ứng dụng trí tuệ nhân tạo thực tế vào các dịch vụ công trên diện rộng vẫn cần được đánh giá và cải thiện. So với các quốc gia tốp đầu trong ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan, thì Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn nữa về năng lực quản trị và ứng dụng trí tuệ nhân tạo của chính phủ để thu hẹp khoảng cách.
Cùng với đó, năng lực số nội bộ và đào tạo chuyên sâu còn hạn chế: Dù có nỗ lực chuyển đổi số chính phủ, năng lực số nội bộ của chính phủ vẫn còn hạn chế về quy mô và chiều sâu so với các nước dẫn đầu. Việc đào tạo chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo cho cán bộ, công chức để có thể vận hành và quản lý các hệ thống trí tuệ nhân tạo vẫn là một thách thức.
Về trụ cột Lĩnh vực công nghệ
Trụ cột này tập trung vào mức độ trưởng thành của các doanh nghiệp công nghệ, khả năng đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Việt Nam có các điểm mạnh như: Tiềm năng đổi mới và tinh thần khởi nghiệp dồi dào: Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, năng động, có kỹ năng số và khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới. Số lượng startup công nghệ, trong đó có trí tuệ nhân tạo, đang gia tăng, cho thấy tiềm năng đổi mới mạnh mẽ. Các tập đoàn công nghệ lớn trong nước cũng đang đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển về trí tuệ nhân tạo.
Hội nhập quốc tế chủ động và tích cực: Việc Việt Nam tích cực tham gia vào các diễn đàn quốc tế về trí tuệ nhân tạo và thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ số là một lợi thế, giúp học hỏi kinh nghiệm và tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Tuy nhiên, trụ cột lĩnh vực công nghệ tồn tại điểm yếu như: mức độ trưởng thành của hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo mới chỉ ở giai đoạn ban đầu: So với Singapore với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo trưởng thành (nhiều công ty công nghệ lớn, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới, môi trường đổi mới sáng tạo mạnh mẽ); ngay cả so với hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo đang phát triển của Malaysia và Thái Lan thì hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo của Việt Nam vẫn còn ở giai đoạn non trẻ, đặc biệt về quy mô thị trường và số lượng các sản phẩm trí tuệ nhân tạo thương mại hóa thành công.
Đầu tư nghiên cứu-phát triển và thu hút nhân tài vẫn đứng trước nhiều thách thức: Mặc dù có các trung tâm nghiên cứu, tổng mức đầu tư nghiên cứu và phát triển cho trí tuệ nhân tạo còn khiêm tốn so với tiềm năng và mục tiêu. Thách thức lớn là làm sao thu hút và giữ chân nhân tài trí tuệ nhân tạo chất lượng cao, đặc biệt khi các quốc gia như Singapore, Malaysia hay Thái Lan có chính sách hấp dẫn và môi trường làm việc cạnh tranh.

Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động trẻ, năng động, có kỹ năng số và khả năng thích nghi nhanh với công nghệ mới. Ảnh: Trường ĐH Văn Hiến
Về trụ cột Dữ liệu và hạ tầng
Trụ cột này đánh giá sự sẵn có của dữ liệu chất lượng cao và hạ tầng cần thiết để vận hành trí tuệ nhân tạo.
Các điểm mạnh: Đã có sự cải thiện đáng kể về Hạ tầng và Dữ liệu: Theo báo cáo năm 2024 của Oxford Insights, trụ cột Hạ tầng và Dữ liệu là một trong những lĩnh vực mà Việt Nam đã cải thiện điểm số đáng kể (Việt Nam tăng 9.3 điểm từ 56.6 năm 2023 lên 65.9 năm 2024). Điều này cho thấy sự chú trọng vào việc phát triển hạ tầng và dữ liệu.
Nâng cao trách nhiệm và đạo đức trong quản lý dữ liệu: Việc ban hành Luật An toàn thông tin mạng 2015 và Nghị định 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, cùng các quy định trong Luật Công nghiệp công nghệ số cho thấy sự quan tâm đến việc quản lý và khai thác dữ liệu có trách nhiệm và đạo đức.
Tồn tại các điểm yếu như: Chất lượng và tính đại diện của dữ liệu còn hạn chế: Để trí tuệ nhân tạo hoạt động hiệu quả, cần lượng lớn dữ liệu chất lượng cao và có tính đại diện. Đây là một thách thức lớn đối với Việt Nam trong việc thu thập, chuẩn hóa, đảm bảo tính tương hợp và riêng tư của dữ liệu công. So với Singapore với nguồn dữ liệu số hóa phong phú và chất lượng cao, Việt Nam vẫn còn một chặng đường dài.
Hạ tầng tính toán hiệu năng cao còn bất cập: Mặc dù hạ tầng số phát triển nhanh, nhưng năng lực về hạ tầng tính toán hiệu năng cao (như siêu máy tính, trung tâm dữ liệu lớn phục vụ trí tuệ nhân tạo vẫn còn hạn chế so với các nước đang dẫn đầu khu vực như Singapore, Malaysia hay Thái Lan. Việc này ảnh hưởng đến khả năng phát triển và triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo phức tạp.
Dựa vào các đánh giá trên, dưới đây là phân tích SWOT (điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức) cho Việt Nam trong lĩnh vực sẵn sàng trí tuệ nhân tạo của Chính phủ:
Chúng ta có 5 điểm mạnh: Cam kết chính trị cao và chiến lược quốc gia rõ ràng về phát triển trí tuệ nhân tạo; Nguồn nhân lực trẻ, đam mê công nghệ và khả năng thích ứng nhanh với xu hướng số; Hạ tầng Internet và di động phát triển nhanh, tạo nền tảng vững chắc cho số hóa; Tiềm năng đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang phát triển mạnh mẽ; Tích cực xây dựng khung pháp lý ban đầu cho trí tuệ nhân tạo và bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Đối diện với 6 điểm yếu
Tuy nhiên, chúng ta đang đối diện 6 điểm yếu như: Năng lực thực thi chính sách trí tuệ nhân tạo và mức độ ứng dụng quy mô lớn còn hạn chế trong bộ máy chính phủ; Thiếu hụt nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo chất lượng cao và chuyên gia đầu ngành; Mức độ trưởng thành của hệ sinh thái trí tuệ nhân tạo và các sản phẩm thương mại hóa còn non trẻ, chưa đủ sức cạnh tranh khu vực; Đầu tư nghiên cứu và phát triển cho trí tuệ nhân tạo còn khiêm tốn so với tiềm năng và mục tiêu đề ra; Chất lượng, tính tương hợp và khả năng chia sẻ dữ liệu công chưa cao, gây khó khăn cho việc phát triển trí tuệ nhân tạo; Hạ tầng tính toán hiệu năng cao chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển và triển khai trí tuệ nhân tạo quy mô lớn.
Cùng với các điểm yếu và mạnh kể trên, chúng ta cũng nhận thấy các cơ hội trong nước và quốc tế đang mở ra như: 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây tạo thành những trụ cột thể chế nền tảng, tạo động lực mạnh mẽ đưa đất nước tiến lên trong kỷ nguyên mới; Xu hướng phát triển trí tuệ nhân tạo toàn cầu và sự quan tâm ngày càng tăng của quốc tế tạo động lực lớn cho Việt Nam; Hợp tác quốc tế sâu rộng tạo cơ hội học hỏi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và thu hút đầu tư từ các quốc gia, tập đoàn hàng đầu thế giới; Dân số trẻ và am hiểu công nghệ tạo thị trường nội địa tiềm năng cho các ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Sự phát triển của các công nghệ nguồn mở giúp giảm chi phí và đẩy nhanh quá trình phát triển trí tuệ nhân tạo.
Cùng với cơ hội là những thách thức lớn: Cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực và quốc tế trong việc thu hút nhân tài và vốn đầu tư trí tuệ nhân tạo; Rủi ro về đạo đức, an ninh mạng và quyền riêng tư khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo chưa có khung pháp lý và quản trị vững chắc; Khoảng cách công nghệ lớn với các quốc gia dẫn đầu, đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ và nỗ lực bền bỉ để thu hẹp; Thiếu cơ chế khuyến khích đủ mạnh để thúc đẩy khu vực tư nhân đầu tư vào nghiên cứu-phát triển và ứng dụng trí tuệ nhân tạo; Khó khăn trong việc tích hợp trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống cũ và dữ liệu rời rạc, làm chậm quá trình chuyển đổi.
Những vấn đề Việt Nam cần tập trung cải thiện trong thời gian tới
Để tiếp tục nâng cao sự sẵn sàng về trí tuệ nhân tạo của Chính phủ và hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo trong khu vực, Việt Nam cần tập trung vào các vấn đề sau:
Trước hết, cần nâng cao hiệu lực và hiệu quả ban hành và tổ chức thực hiện pháp luật về trí tuệ nhân tạo: Ban hành Chiến lược quốc gia mới về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo với tinh thần khai thác tối đa các lợi thế của cơ hội do bốn Nghị quyết mới đây của Bộ Chính trị đem lại, tạo lợi thế cạnh tranh trong phát triển trí tuệ nhân tạo.
- Xây dựng các dự án trí tuệ nhân tạo ưu tiên: Tập trung triển khai các dự án trí tuệ nhân tạo có tính ứng dụng cao và hiệu quả rõ rệt trong các lĩnh vực ưu tiên của chính phủ (y tế, giáo dục, tài chính-ngân hàng, cải cách hành chính).
- Tăng cường năng lực quản lý dự án trí tuệ nhân tạo: Nâng cao kỹ năng quản lý, giám sát và đánh giá hiệu quả các dự án trí tuệ nhân tạo trong khu vực công.
Thứ hai, đầu tư mạnh mẽ vào phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo chất lượng cao:
- Triển khai chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo chuyên sâu: Phát triển các chương trình đào tạo trí tuệ nhân tạo từ cơ bản đến nâng cao cho cả khu vực công và tư, đặc biệt chú trọng các kỹ năng về khoa học dữ liệu, học máy, và đạo đức trí tuệ nhân tạo.
- Hiện thực hóa chính sách thu hút và giữ chân nhân tài: Ban hành các chính sách ưu đãi hấp dẫn để thu hút chuyên gia trí tuệ nhân tạo hàng đầu, bao gồm cả chuyên gia là người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài, và giữ chân nhân tài trong nước.
Thứ ba, hoàn thiện và áp dụng hiệu quả khung pháp lý, đạo đức trí tuệ nhân tạo - sớm ban hành các văn bản hướng dẫn: Triển khai chi tiết các quy định pháp luật về trí tuệ nhân tạo, đặc biệt là các hướng dẫn về đạo đức, quản trị dữ liệu, và trách nhiệm giải trình của trí tuệ nhân tạo.
- Xây dựng cơ chế giám sát: Thiết lập các cơ chế giám sát độc lập để đảm bảo việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo công bằng, minh bạch và có trách nhiệm.
Thứ tư, cải thiện chất lượng và khả năng khai thác dữ liệu công:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia đồng bộ: Đẩy nhanh quá trình số hóa, chuẩn hóa và tích hợp dữ liệu từ các bộ, ngành, địa phương.
- Thực thi chính sách chia sẻ dữ liệu an toàn: Ban hành các quy định và cơ chế để khuyến khích chia sẻ dữ liệu công một cách an toàn và có kiểm soát cho mục đích phát triển trí tuệ nhân tạo.
Thứ năm, đầu tư vào hạ tầng tính toán hiệu năng cao và trung tâm dữ liệu:
- Nâng cấp hạ tầng điện toán đám mây: Đầu tư vào các trung tâm dữ liệu hiện đại và hạ tầng điện toán đám mây đủ năng lực để xử lý và lưu trữ dữ liệu lớn, hỗ trợ các mô hình trí tuệ nhân tạo phức tạp.
- Đẩy mạnh đối tác công - tư: Thu hút, tạo điều kiện và khuyến khích khu vực tư nhân tham gia đầu tư và phát triển hạ tầng số, đặc biệt là hạ tầng phục vụ trí tuệ nhân tạo, coi đó là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo đúng tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân.
Bằng việc tập trung giải quyết các điểm yếu và tận dụng tối đa cơ hội, Việt Nam có thể tiếp tục củng cố vị thế của mình, từng bước hiện thực hóa mục tiêu trở thành một trung tâm trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong khu vực, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và sự phát triển của đất nước.