Làm rõ hơn vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân

Sáng 25/2, tại Nhà Quốc hội, diễn ra Hội thảo: Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát

Sáng 25/2, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân".

Hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân"

Hội thảo "Góp ý về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân"

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, giám sát là một trong những chức năng quan trọng của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, là phương thức kiểm soát quyền lực có tính nền tảng trong cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước ở nước ta hiện nay.

Trước yêu cầu ngày càng cao về xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân, Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; đề ra nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp để phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử.

Ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 (trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 - tháng 10/2024, thông qua tại kỳ họp thứ 9 - tháng 5/2025).

Tán thành cao việc sửa đổi Luật

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K’đămcho biết, dự thảo Luật đã được trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV vừa qua. Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu quan điểm đổi mới công tác lập pháp như Luật chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; trên cơ sở các ý kiến, rà soát các nội dung có liên quan, làm rõ quan điểm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, làm rõ hơn vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân, vai trò giám sát của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo tại hội thảo

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nhấn mạnh, các ý kiến phát biểu tại hội thảo đều tán thành cao việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong phạm vi sửa đổi, bổ sung một số điều; đồng thời, góp ý vào nhiều nội dung cụ thể.

Từ thực tiễn, Hội đồng Dân tộc sẽ phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo này, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội để rà soát và hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo tại Phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3 tới đây.

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao sự chủ động, phối hợp tích cực, khẩn trương của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp để tổ chức Hội thảo này. Đồng thời nêu rõ, từ một số vấn đề lớn của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội sẽ gửi xin ý kiến để tổ chức Hội thảo tiếp theo sau Phiên họp thứ 43 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Về một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc xác định rõ phạm vi và đối tượng giám sát tối cao phải dựa trên tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh, cần quán triệt tinh thần đổi mới trong xây dựng pháp luật như: Luật chỉ quy định những vấn đề chung, vấn đề khung, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; phải vừa quản lý vừa kiến tạo; vấn đề phân cấp phân quyền (địa phương quyết - địa phương làm - địa phương chịu trách nhiệm); và chống tiêu cực, lãng phí trong xây dựng pháp luật. Đồng thời, cần bám sát quan điểm “cái gì đã chín, đã rõ, đạt sự đồng thuận cao” thì luật hóa.

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-ro-hon-vai-tro-giam-sat-cua-quoc-hoi-hoi-dong-nhan-dan-375547.html