Làm nông thời nay

Là địa phương thuần nông, nên ngay từ khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đặt ra mục tiêu cải thiện thu nhập cho người dân thông qua việc nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, từ thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 12,24 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo 12,6% thì đến năm 2019, thu nhập bình quân đạt hơn 49 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí NTM còn 0%...

Việc thu hoạch, đóng gói, vận chuyển lúa bằng cơ giới đã giải phóng rất nhiều sức lao động cho nông dân.

Việc thu hoạch, đóng gói, vận chuyển lúa bằng cơ giới đã giải phóng rất nhiều sức lao động cho nông dân.

Như việc trồng lúa trước đây đa phần làm bằng sức người, nên với 8 sào lúa mỗi khi bước vào thời vụ, lão nông Nguyễn Hạ (thôn An Trạch, xã Hòa Tiến) lo “sốt vó”, ngoài việc huy động toàn bộ số lao động trong gia đình, ông còn mượn công của bà con lối xóm và phải mất hàng chục ngày mới kịp thời vụ. Song, những năm gần đây, việc chính quyền các cấp đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, nên việc lo công thu hoạch vụ mùa, cày ải đất cho vụ kế tiếp không còn là nỗi lo của ông cũng như nhiều nông dân khác nữa. “Thời nay, làm nông sướng lắm, chân tay ít lấm bùn, chỉ tốn công phơi lúa. Mỗi vụ thu hoạch, máy gặt đập liên hợp liên tục thả xuống chân ruộng, chỉ vòng quanh mấy lượt rồi tấp sát vào đường bêtông nội đồng thả xuống các bao lúa căng đầy. Chủ ruộng chỉ biết chạy xe máy ra tận nơi chở về nhà”, ông Hạ phấn khởi trải lòng.

Tương tự, theo lão nông Ngô Văn Kế (thôn 5, xã Hòa Khương), do phần đông số lao động trẻ tập trung vào các nhà máy, xí nghiệp tại các khu công nghiệp hoặc đi làm ăn xa, việc đồng áng được giao cho lớp người trung niên, nên mỗi khi đến mùa vụ bà con nông dân rất vất vả. Nhưng nay, khi gieo sạ đã có máy cày, máy lồng làm đất, đến lúc thu hoạch lại có máy gặt đập liên hợp, máy cuộn rơm phục vụ tận nơi nên việc nhà nông trở nên nhẹ nhàng hơn. Không chỉ giải phóng đáng kể sức lao động cho nông dân mà việc cơ giới hóa nông nghiệp còn đáp ứng tính khẩn trương của thời vụ, góp phần làm tăng năng suất, chất lượng nông sản và giảm tổn thất sau thu hoạch.

Còn dải đất biền ven sông Túy Loan, những năm trước, người dân muốn canh tác rau màu thì ngày 2 buổi phải lọ mọ xuống sông gánh nước, tưới liên tục để giữ ẩm các luống rau. Lúc trời nắng nóng, chỉ mỗi công đoạn đó có khi phải làm cả đêm mới xong. Khi Đề án “Dồn điền đổi thửa” triển khai, 6,5ha đất biền nơi đây được quy chủ, thành lập Hợp tác xã sản xuất Rau an toàn với hơn 40 hộ dân tham gia. Nhà nước đầu tư nhà vòm, kéo điện, đóng giếng tận nơi thì việc sản xuất trở nên thuận lợi hơn. Ông Đặng Công Tuất (thôn Túy Loan Tây, xã Hòa Phong) chia sẻ, khi tốc độ đô thị hóa ngày càng cao, nhiều người dân nông thôn đã lần lượt bỏ đất, phá vườn tìm việc làm ở các khu công nghiệp nhưng vẫn có người mãi gắn bó với ruộng vườn. Làm nông giữa thời buổi công nghiệp thật lắm gian truân. Để có thể gắn bó với cây rau, người nông dân luôn phải đối mặt với nhiều thử thách. Bên cạnh đó, không chỉ chuẩn bị số lượng lớn, người trồng rau nơi đây cũng quan tâm nhiều hơn đến chất lượng, ưu tiên sản xuất rau an toàn để thu hút người tiêu dùng. Việc sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ... hầu như đã được hạn chế; thay vào đó, bà con tăng cường các biện pháp diệt trừ sâu bệnh bằng phương pháp thủ công hoặc bón phân sinh học. Điều này lý giải vì sao nhiều hộ canh tác bây giờ đã hạn chế tối đa việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật mà rau, quả vẫn phát triển xanh tốt.

Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí cho biết, xác định nông nghiệp là thế mạnh của địa phương, nên những năm gần đây, với sự nỗ lực giúp nông dân giải quyết khó khăn, ngoài việc tập trung hoàn thiện hệ thống kênh mương nội đồng, các ban ngành liên quan của huyện, TP còn có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân vay vốn mua máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Việc cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đã giúp người nông dân giải phóng sức lao động, giải quyết vấn đề thời vụ, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, cũng như giảm chi phí đầu tư. Theo đó, nhiều mô hình trồng rau, hoa chuyên canh, sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, nuôi cá nước ngọt, nuôi gà thả vườn theo hình thức trang trại hoặc hộ gia đình có áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất đã phát triển ngày càng nhiều.

VY HẬU

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_233487_lam-nong-thoi-nay.aspx