Làm ăn với Mỹ: Nhiều cơ hội, không ít thách thức
Doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị để đối mặt những thay đổi chính sách thương mại sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ
Nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu lớn nhất và là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam. Dữ liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy thương mại Việt - Mỹ 10 tháng đầu năm 2024 đạt gần 111 tỉ USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 98,5 tỉ USD - tăng 24,2% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt 12,3 tỉ USD - tăng 8,2%. Với kết quả này, năm nay là năm thứ 4 liên tiếp, thương mại giữa hai quốc gia cán mốc 100 tỉ USD.
Cơ hội cho xuất khẩu?
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, dự báo việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua sẽ khiến các ngành hàng đang xuất siêu sang Mỹ đối mặt khả năng "bị soi bằng kính hiển vi".
Theo ông Nguyên, những ngành hàng đó sẽ bị đặt các câu hỏi về việc lý do Mỹ nhập siêu, nguồn gốc hàng hóa thực sự từ đâu?... Có thể Mỹ sẽ đặt vấn đề Việt Nam cần nhập khẩu thêm nông sản nước này như: thịt heo, thịt bò, lúa mì, bắp, đậu nành,… để giảm thâm hụt thương mại.
Riêng ngành rau quả dự báo vẫn tốt bởi đang nhập siêu từ Mỹ. Số liệu thống kê đến tháng 9 cho thấy Việt Nam nhập khẩu 304,8 triệu USD rau quả từ Mỹ (tăng 27,6% so với cùng kỳ năm ngoái), xuất khẩu 254,2 triệu USD sang nước này (tăng 34,6%). Thời gian tới, khi cước vận chuyển giảm, việc xuất nhập khẩu còn tăng hơn nữa.
Trong ngành thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thông tin lũy kế đến tháng 10, xuất khẩu toàn ngành đạt 8,27 tỉ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường hàng đầu với giá trị 1,5 tỉ USD, tăng 31%.
Một tin vui cho ngành tôm Việt Nam là vào ngày 22-10, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ (CVD) cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, cho hay kinh tế Mỹ đang phục hồi. Nhiều chuyên gia tin rằng khi ông Donald Trump đắc cử, kinh tế Mỹ sẽ phục hồi nhanh hơn nên nhu cầu thị trường cũng sẽ tăng cao. Do đó, doanh nghiệp (DN) thủy sản cũng kỳ vọng xuất khẩu sang thời gian tới sẽ tích cực hơn. Thủy sản giá trị gia tăng của Việt Nam rất có ưu thế để tăng trưởng doanh số thời gian tới.
Tuy nhiên, thị trường Mỹ cũng đang còn nhiều rào cản về phòng vệ thương mại (chống trợ cấp, chống bán phá giá…). Vì vậy, DN cần tiếp tục theo dõi, nắm bắt thông tin để ứng phó kịp thời.
Áp lực không nhỏ
Theo các chuyên gia, việc ông Donald Trump tái đắc cử có khả năng tạo ra những tác động mạnh mẽ lên chuỗi cung ứng toàn cầu, bằng cách tăng thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc lên 60% và từ các quốc gia khác lên 10%.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Phân tích Khách hàng cá nhân - Công ty Chứng khoán Maybank, nhận định nếu điều này xảy ra thì không chỉ tác động mạnh đến các quốc gia xuất khẩu như Việt Nam mà còn làm tăng giá trị của đồng USD trên toàn cầu, do dòng vốn tiếp tục chảy vào các tài sản an toàn. Các chính sách của ông Trump có thể khiến lạm phát Mỹ tăng trở lại và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất mạnh như dự kiến, dẫn đến tạo áp lực với tỉ giá USD/VNĐ.
Dù có những thách thức nhưng ông Nguyễn Thanh Lâm cho rằng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam có thể tăng, tương tự nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Bởi lẽ, 10% thuế nhập khẩu vẫn tốt hơn nhiều so với mức 60%.
"Dựa vào những gì đã xảy ra trong thương chiến Mỹ - Trung năm 2018-2019, có thể thấy Việt Nam là một trong những lựa chọn hàng đầu cho việc dịch chuyển sản xuất của DN Mỹ. Điều này sẽ tiếp tục diễn ra nếu ông Trump tăng mạnh mức đánh thuế hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60%, từ mức khoảng 20% hiện nay.
Chưa kể, Việt Nam và Mỹ đã đưa mối quan hệ hai nước lên cấp độ cao hơn, điều này thể hiện sự tin tưởng về mặt chiến lược giữa hai nước, có thể giúp Việt Nam có thêm lợi thế khi Mỹ định hình chiến lược" - ông Lâm phân tích.
Đáng chú ý, những cơ hội kinh doanh mới có thể xuất hiện trong các ngành năng lượng, công nghệ thông tin và logistics hàng không, khi Việt Nam có thể tìm cách nhập khẩu nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn từ Mỹ (LNG, phần mềm…).
Nếu ông Trump thực hiện chính sách cô lập mạnh hơn đối với hàng hóa Trung Quốc, Mỹ sẽ có nhu cầu bù đắp những nguyên vật liệu, hàng hóa không mua từ nước này và cũng ít có lợi thế cạnh tranh để hoàn toàn sản xuất trong nước.
"Lĩnh vực khai thác đất hiếm chẳng hạn, có thể sẽ là một cơ hội kinh doanh mới dành cho Việt Nam nếu chính phủ Mỹ muốn tìm đến một đối tác mà họ có sự tin tưởng hơn và có nguồn cung dồi dào" - ông Lâm dẫn chứng.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định nếu ông Donald Trump tiếp tục chính sách cứng rắn với Trung Quốc sẽ khiến các công ty quốc tế, đặc biệt là các DN Mỹ, phải cân nhắc rút khỏi nước này hoặc ít nhất là tìm các điểm sản xuất thay thế để giảm rủi ro. Trong bối cảnh ấy, Việt Nam sẽ là một trong những lựa chọn hàng đầu nhờ vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công thấp và môi trường đầu tư - kinh doanh ổn định.
"Chính sách của ông Trump có thể khiến thị trường bất động sản công nghiệp tại Việt Nam bùng nổ. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, dòng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Bình Dương, Đồng Nai và Bắc Ninh đã tăng mạnh. Phân khúc bất động sản công nghiệp sẽ tiếp tục phát triển mạnh. Các dự án khu công nghiệp không chỉ tạo ra nhu cầu về bất động sản DN mà còn kéo theo nhu cầu nhà ở cho công nhân, văn phòng và các dịch vụ tiện ích liên quan" - ông Hiếu nhận xét.
Trong bối cảnh này, nếu không muốn các nhà đầu tư Mỹ tìm đến Thái Lan hoặc Indonesia, các DN Việt Nam cần phải bảo đảm được cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng.
Cẩn trọng với hàng hóa né xuất xứ
Theo TS Vũ Hoàng Linh, giảng viên Trường ĐH Kinh tế - ĐHQG Hà Nội, khi ông Donald Trump làm Tổng thống Mỹ lần 2, nhiều khả năng kinh tế nước này sẽ "hưng phấn" trong giai đoạn trước mắt. Điều này sẽ tác động tích cực tới quan hệ kinh tế với Việt Nam.
Về dài hạn, việc giao thương còn phụ thuộc vào chuyện Tổng thống Donald Trump sẽ thực hiện những lời hứa của ông khi tranh cử thế nào. Ví dụ, việc tăng thuế quan với hàng nhập khẩu của tất cả các nước, đặc biệt là đánh thuế 60% với hàng Trung Quốc, nếu ông Trump thực hiện sẽ làm cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung ngày càng gay gắt. Điều này sẽ tác động tới Việt Nam ở cả chiều tích cực lẫn tiêu cực. Hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ dù đứng trước nguy cơ chịu thuế cao song có thể ở vị thế tốt hơn...
Mặt khác, TS Vũ Hoàng Linh lưu ý Việt Nam cần thận trọng để tránh việc hàng Trung Quốc "núp bóng", mượn xuất xứ của nước ta để xuất khẩu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-an-voi-my-nhieu-co-hoi-khong-it-thach-thuc-19624110722002916.htm