Lạc vào thế giới hàng bãi Nhật ở Phố núi

Bước vào những điểm bán hàng bãi Nhật ở Pleiku (tỉnh Gia Lai), người mua như lạc trong đống đồ vật, dụng cụ, máy móc ngổn ngang, phảng phất mùi kim loại cũ. Ở đây, ta bắt gặp thế giới của sự đam mê, săn tìm những món đồ xưa cũ nhưng hữu ích.

Cũ người mới ta

Sau gần cả tiếng đồng hồ bới tìm, nâng lên đặt xuống trong bãi hàng Nhật trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku), ông Nguyễn Đình Đoan (xã Thăng Hưng, huyện Chư Prông) vô cùng hào hứng khi “săn” được lưỡi cưa “Made in Japan” chính hiệu. Đây là loại lưỡi cưa gỗ hình tròn có đường kính khoảng 25 cm, dày khoảng 1,5 cm, mặt cắt được thiết kế đặc biệt để xẻ gỗ công nghiệp cực kỳ sắc ngọt, chuẩn xác.

Mặc dù bề ngoài của nó không còn sáng bóng nhưng bằng con mắt tinh tường của dân trong nghề, ông Đoan khẳng định chắc nịch: “Là dân làm nghề mộc lâu năm nên nhìn lưỡi cưa này là tôi mê liền. Lưỡi cưa làm bằng thép Nhật dày dặn nên độ bền và chất lượng rất đảm bảo, chỉ cần về tút sơ lại là xài nhiều năm vẫn không hư hao”.

Nhà ở xa nhưng hễ có thời gian rảnh rỗi là ông Đoan lại xách xe máy chạy ra phố, ghé bãi hàng Nhật để “săn lùng” những món đồ nghề “second hand” mà mình ưa thích. Và thường sau mỗi chuyến lần tìm như thế, lượng đồ nghề của ông lại tăng thêm vài món để phục vụ cho công việc.

Không giống các ngành hàng khác, khách của hàng bãi Nhật hầu hết là nam giới. Trong đó, chiếm số đông vẫn là người làm nghề điện cơ, thợ tiện, thợ mộc, thợ xây, thợ sửa xe máy, ô tô và nông dân, một số ít còn lại thuộc về dân công chức văn phòng hoặc ngành nghề khác.

Là khách hàng thân quen của hàng bãi Nhật, anh Nguyễn Quang Thành (số 109/6 Phạm Văn Đồng, phường Hoa Lư, TP. Pleiku) chia sẻ: “Tôi làm nghề lái xe nên rất mê đồ nghề, dụng cụ liên quan đến xe cộ, máy móc. Mấy thứ này thì đi săn hàng bãi Nhật là chuẩn nhất, vừa chất lượng mà giá cả rất hợp lý. Cứ rảnh rỗi là tôi đi lựa đồ bãi. Thấy món nào ưng mắt là mua, nhiều khi gặp trúng món đồ lạ cũng chưa biết để làm gì nhưng thích là tôi mua về tìm hiểu cách dùng”.

Theo kinh nghiệm của anh Thành, để lựa được món đồ hoặc thiết bị ưng ý, người mua cũng cần sự hiểu biết nhất định về các loại hàng bãi, không ngại “test” hàng trước khi lựa chọn, nhất là máy móc, đồ điện vì luôn có yếu tố may rủi, hàng đã qua sử dụng, nhiều khi mua về nhưng không hoạt động được. “Nhiều khi món hàng luôn nằm ở đâu đó trong đống vật dụng cũ kỹ, chờ người hữu duyên”-anh Thành tiết lộ.

Nhiều khách hàng không tiếc thời gian để lựa món đồ hoặc thiết bị ưng ý. Ảnh: Sơn Ca

Nhiều khách hàng không tiếc thời gian để lựa món đồ hoặc thiết bị ưng ý. Ảnh: Sơn Ca

Nhiều năm qua, sức hút của hàng bãi Nhật không hề giảm nhiệt mà lan tỏa khi người mua không đặt nặng vấn đề giá cả mà tập trung vào yếu tố chất lượng, hữu ích và quyết định lựa chọn gắn bó lâu dài với nó. Anh Nguyễn Văn Sơn (số 292 Nguyễn Tất Thành, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) cho hay: “Tôi là dân kỹ thuật nên có niềm đam mê với thiết bị máy móc, dụng cụ. Hàng điện cơ nội địa Nhật sử dụng điện áp 110v, có ưu điểm máy rất bền, lõi đồng, độ chính xác cao, máy chạy êm, xài lâu không bị nóng máy. Đa phần mua về là xài được ngay, máy nào ổn là xài cả chục năm không hư hỏng. Một số dụng cụ phổ thông như: búa, kéo, dao hàng bãi Nhật đều có chất lượng rất tốt, dùng rất sướng tay”.

Theo chia sẻ thêm từ anh Sơn, cái hay của hàng bãi Nhật là thiết bị, vật dụng, dụng cụ thiết kế rất vừa tay. Từng chi tiết nhỏ cũng được gia công chắc chắn, kỹ lưỡng, sử dụng chất thép tốt nên xài qua tay nhiều năm vẫn giữ được chất lượng.

Gắn bó vì đam mê

Tại TP. Pleiku có khoảng 4-5 cửa hàng chuyên kinh doanh hàng bãi Nhật số lượng lớn, chủ yếu tập trung các mặt hàng điện cơ, thiết bị, dụng cụ gia dụng và số ít nông cụ. Về điểm chung, hầu hết các cửa hàng này đều có mặt bằng tương đối rộng rãi, tọa lạc ngay mặt tiền các tuyến đường lớn như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thánh Tôn.

Anh Hồ Ngọc Tí-chủ cửa hàng bãi Nhật 1041 Phạm Văn Đồng-chia sẻ: “Trước đây, tôi phụ nghề ở Sài Gòn, Đak Lak. Ba năm nay, khi đã có kinh nghiệm và tích lũy được ít vốn, tôi về Pleiku mở cửa hàng của riêng mình. Tay ngang không ai dám nhảy vào làm hàng bãi. Nếu không am hiểu nghề này là cầm chắc lỗ vốn, bởi hàng bãi giá cả vô chừng lắm”.

Đặc thù hàng bãi Nhật thường bán sỉ theo lô, đơn vị tấn, hàng mua trên bề mặt “sa cạ” nên tính may rủi cực lớn. Tùy theo chất lượng mỗi lô hàng mà giá nhập vào có thể trên dưới 100-200 triệu đồng. Trong khi đó, giá bán lẻ có thể tính theo món hoặc theo ký, dao động 60-100 ngàn đồng/kg.

Để khách dễ dàng lựa chọn, ngay tại bãi hàng của mình, anh Hồ Ngọc Tí đã chủ động phân loại thiết bị, máy móc, dụng cụ theo từng khu vực, từng nhóm. Đồng thời, anh còn bỏ công sức vệ sinh, “dọn” lại một số thiết bị, máy móc cho “bắt mắt” trước khi bày bán.

Khoát tay chỉ về phía bãi hàng bày la liệt dưới đất, anh Tí vui vẻ cho biết thêm: “Làm hàng bãi Nhật riết rồi ghiền luôn. Thấy máy nào về hay hay là tôi sẵn sàng xả ra vệ sinh, “dọn” lại cho ngon lành hơn. Khách mua hàng chỗ tôi cũng yên tâm hơn hẳn”.

Một điểm bán hàng bãi Nhật trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku). Ảnh: Sơn Ca

Một điểm bán hàng bãi Nhật trên đường Trường Chinh (TP. Pleiku). Ảnh: Sơn Ca

“Gia Lai là vùng đất của cây công nghiệp dài ngày nên các mặt hàng nông cụ nội địa Nhật rất được lòng khách hàng là nông dân. Đây là lý do mà chúng tôi chọn bán nông cụ hàng bãi Nhật mấy năm qua”-anh Hà Văn Tiệp-chủ cửa hàng Tiệp Tín Lợi (53 Lê Duẩn, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) bộc bạch.

Trên thực tế, ưu điểm dòng máy hàng nội địa Nhật là nhỏ gọn, độ bền cao, lợi xăng. Đơn cử như hàng máy cắt cỏ, đa số là dòng động cơ 2 thì, sử dụng xăng pha nhớt. Hoặc máy xịt thuốc trừ sâu, máy cưa lốc thiết kế gọn gàng, vừa vặn với cỡ tay người châu Á, thuận tiện cho nhu cầu sử dụng gia đình.

Những năm trước, số lượng máy cắt cỏ bán ra chiếm tới 70% doanh số của cửa hàng. Vài năm trở lại đây thì doanh số hàng nội địa và hàng mới chiếm tỷ trọng 50/50 vì nhu cầu của khách sử dụng dòng máy công suất lớn tăng hơn trước. Cũng theo anh Tiệp, làm dòng hàng bãi Nhật, dù là hàng cũ đã qua sử dụng nhưng máy có độ bền, tùy theo nhu cầu thực tế khách sử dụng nhiều hay ít thì sau vài ba năm, máy mới cần kiểm tra, bảo dưỡng hoặc thay thế linh kiện.

Anh Trần Lưu Nghĩa-chủ cửa hàng 190 Trường Chinh (phường Trà Bá, TP. Pleiku) thông tin: “Đặc thù của hàng bãi Nhật là bán lai rai quanh năm. Mặc dù lượng hàng trong bãi luôn bày la liệt nhưng nếu để lâu, thấy không còn hút khách là phải thanh lý bớt, nhập hàng mới về. Thậm chí, vài năm là phải tính toán chuyển địa điểm một lần để có lượng khách mới”. Bên cạnh cửa hàng bãi Nhật tại TP. Pleiku, gia đình anh Nghĩa cũng đang hợp tác kinh doanh hàng bãi Nhật tại Đak Lak, Bình Dương, Khánh Hòa, Quảng Trị.

Trên thực tế, thị trường đồ cũ nói riêng và hàng bãi Nhật “sống được” là nhờ người kinh doanh và khách hàng tìm được tiếng nói chung, có niềm đam mê với những món đồ cũ chất lượng. Không chỉ vậy, hàng bãi Nhật còn tạo ra giá trị tinh thần tích cực khi nhiều người chủ động tìm kiếm, “săn lùng” món đồ yêu thích, tái sử dụng vào đời sống một cách hữu ích. Ngoài giá trị của sự tiện dụng, sâu xa hơn ở đây còn là việc chung tay góp phần bảo vệ môi trường sống.

SƠN CA

Nguồn Gia Lai: http://baogialai.com.vn/channel/1622/202011/lac-vao-the-gioi-hang-bai-nhat-o-pho-nui-5711924/