Kỳ vọng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đảm bảo tính 'mẫu mực' trong đào tạo

Sáng 15/5, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức Lễ công bố Quyết định công nhận Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, tân Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (phải) trao quyết định và tặng hoa chúc mừng PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, tân Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Phát biểu tại lễ công bố quyết định, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Ngành Giáo dục của nước ta luôn được Đảng, Nhà nước và nhân dân đặc biệt quan tâm, cũng vì thế mà áp lực rất lớn. Làm hiệu trưởng một trường đại học thời kỳ tự chủ, đổi mới, được toàn xã hội kỳ vọng nhiều, đó là áp lực. Nhất là trường mẫu mực cho các trường khác và mô phạm trong sự mô phạm là việc khó, nên càng cần chia sẻ... Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn mong muốn Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn sẽ vượt qua khó khăn thử thách, tận dụng được điều kiện thuận lợi từ công cuộc đổi mới giáo dục, nhu cầu học tập rất lớn của người Việt Nam hiện nay, nhu cầu phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục để đưa Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Bộ trưởng bày tỏ tin tưởng, trong giai đoạn tới, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ làm tốt việc rà soát, điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp với yêu cầu và tình hình, nhiệm vụ mới của trường; đề ra được chính sách thu hút và phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng đội ngũ có trình độ cao, xứng tầm với vị thế, yêu cầu phát triển của nhà trường. Đồng thời, nghiên cứu đổi mới mô hình, chương trình đào tạo của nhà trường; đảm bảo tính chất “mẫu mực” trong xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo để từ đó có thể chuyển giao cho các trường sư phạm khác trên cả nước.

Nhà trường cũng cần phát triển năng lực nghiên cứu khoa học giáo dục, quản lý giáo dục, cung cấp các dịch vụ giáo dục… để giải quyết những vấn đề cụ thể của ngành, của đất nước và đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội. Đồng thời phát triển cơ sở vật chất, đặc biệt là hạ tầng công nghệ thông tin theo định hướng đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề để phát triển mô hình đại học thông minh, xanh và bền vững, làm mẫu cho các trường đại học khác.

Bên cạnh đó, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cần tiếp tục đóng góp tích cực và thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.

Những năm qua, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội là trường trọng điểm quốc gia và khu vực, đào tạo chuyên gia xuất sắc có đóng góp đặc biệt quan trọng cho hệ thống giáo dục và xã hội thông qua các chương trình nghiên cứu, hợp tác đào tạo đại học, sau đại học chất lượng cao. Trường xây dựng chiến lược đến năm 2030 sẽ có những kết quả vượt trội trong nghiên cứu khoa học công nghệ, đặc biệt là khoa học giáo dục, đào tạo giáo viên chất lượng cao ở tầm quốc gia và quốc tế.

Hiện nhà trường có 45 ngành đào tạo trình độ đại học, trong đó có 28 chuyên ngành sư phạm, 17 chuyên ngành ngoài sư phạm, 55 chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 43 chuyên ngành đào tạo trình độ tiến sĩ. Nhà trường hiện có hơn 1.030 viên chức, người lao động, trong đó có 648 giảng viên (11 giáo sư, 115 phó giáo sư, 304 tiến sĩ và tiến sĩ khoa học).

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Sơn đã từng giữ các chức vụ: Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Việt Hà- Lê Vân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giao-duc/ky-vong-truong-dai-hoc-su-pham-ha-noidam-bao-tinh-mau-muctrong-dao-tao-20240515115830459.htm