Kỳ vọng sớm thành lập khu vực thị thực chung

Doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sớm thành lập khu vực thị thực chung 6 nước ASEAN theo đề xuất của Thái Lan để tăng cơ hội hút khách quốc tế cho du lịch Việt Nam.

Du khách quốc tế đến Việt Nam Ảnh: Hồ Hạ

Du khách quốc tế đến Việt Nam Ảnh: Hồ Hạ

Sẽ là bước “nhảy vọt” cải thiện chính sách visa du lịch

Thái Lan đề xuất sáng kiến cùng 5 nước ASEAN, gồm Việt Nam, Campuchia, Lào, Malaysia và Myanmar, thành lập khu vực thị thực (visa) chung để khách quốc tế xin visa một lần, nhưng có thể đến được 6 nước. Các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng, đề xuất này sẽ sớm thành hiện thực.

Đánh giá cao đề xuất của Thái Lan, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Du lịch lữ hành UNESCO Hà Nội cho rằng, việc cấp visa một lần và sử dụng được ở 6 nước tạo cơ hội cho những khách hàng có mức chi tiêu cao đi nhiều nước, từ đó tăng nguồn thu cho ngành du lịch. Bên cạnh đó, việc áp dụng visa chung sẽ thúc đẩy thêm du lịch đường bộ, qua đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp xây dựng tour đường bộ liên tuyến Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam, Myanmar.

Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, CEO VietSense Travel Nguyễn Văn Tài đánh giá, đây là một ý tưởng rất hay. Nếu hiện thực hóa đề xuất này sẽ giúp chia sẻ nguồn khách giữa các nước và kéo dài thời gian đi du lịch của du khách vì sự thuận tiện trong việc đi lại giữa 6 nước và không cần phải xin visa nhiều lần.

Theo Bộ Công an, khi Việt Nam và các nước có ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép thì công dân sẽ được sử dụng thẻ căn cước thay cho việc sử dụng các giấy tờ xuất nhập cảnh hiện nay như hộ chiếu, giấy thông hành… trên lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên, Việt Nam chưa ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế với các nước về vấn đề này.

Các quốc gia trong ASEAN đang phấn đấu thống nhất các loại giấy tờ, theo hướng không sử dụng visa như cộng đồng châu Âu. Điều này đồng nghĩa, công dân Việt Nam có thể dùng thẻ căn cước để đi lại trong khu vực ASEAN khi các nước thống nhất được nội dung trên.

Minh chứng là, chính sách visa dùng chung của khối Schengen được xem là một trong những thành tựu vĩ đại nhất trong sự hợp tác của các quốc gia châu Âu. Hiệp ước Schengen mang lợi ích to lớn, giúp mỗi nước thành viên phát huy tối đa điểm mạnh của mình, đồng thời tận dụng được điểm mạnh của các nước thành viên khác.

“Chính sách thị thực chung sẽ tạo thuận lợi cho ngành du lịch Việt Nam liên kết với du lịch khu vực và xa hơn là liên kết với ngành du lịch của các nước khác. Xu hướng liên kết này đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới. Ngoài ra, thị thực chung sẽ giúp Việt Nam giải quyết được bài toán khó tiếp cận khách quốc tế, do còn vướng mắc trong chính sách visa. Vì thế, các doanh nghiệp du lịch kỳ vọng sớm thành lập khu vực thị thực chung này”, CEO Nguyễn Văn Tài nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, CEO AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, việc thành lập khu vực thị thực chung 6 quốc gia sẽ giúp tăng sức cạnh tranh du lịch của 6 nước so với những điểm đến khác trong khu vực ASEAN và các cường quốc du lịch ở châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Thái Lan hiện miễn visa cho khách đến từ hơn 80 quốc gia, nhưng Việt Nam mới miễn visa đối với khoảng 30 nước. Nếu tham gia chính sách visa chung sẽ là bước nhảy vọt với sự cải thiện chính sách visa du lịch của Việt Nam. Còn nếu không tham gia, Việt Nam sẽ bị mất cơ hội và lợi thế, bởi khi đó, chúng ta không chỉ có đối thủ là Thái Lan, mà cả 4 quốc gia khác nữa.

“Về vấn đề kiểm soát an ninh, tôi nghĩ không có vấn đề gì. Chỉ duy nhất yếu tố kỹ thuật là phí visa được thu và phân bổ cho các nước như thế nào là chúng ta cần phải đạt được thỏa thuận với các nước”, CEO Nguyễn Tiến Đạt chia sẻ.

Động lực thúc đẩy tăng trưởng du khách quốc tế

Đánh giá lợi ích của du lịch Việt Nam nếu tham gia khu vực thị thực chung, TS. Nuno F.Ribeiro (Trường đại học RMIT) cho rằng, chính sách thị thực chung của 6 nước ASEAN sẽ là cơ hội lớn cho ngành du lịch Việt Nam thu hút du khách quốc tế đến Thái Lan, Malaysia kết hợp thăm Việt Nam. “Năm 2023, 6 quốc gia ASEAN đón 70 triệu lượt khách quốc tế. Trong đó, Thái Lan và Malaysia chiếm hơn 50% về lượng khách và doanh thu (48 tỷ USD). Nếu thỏa thuận thị thực mới thành công, chỉ cần 50% số khách quốc tế đến Thái Lan và Malaysia ghé thăm Việt Nam, thì ngành du lịch Việt sẽ bội thu khách quốc tế", TS. Nuno F.Ribeiro phân tích.

Cũng theo TS. Nuno F.Ribeiro, động lực thúc đẩy tăng trưởng du khách quốc tế của Việt Nam được nhắc đến nhiều trong năm qua là chính sách thị thực mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh các nước láng giềng như Thái Lan và Malaysia nới lỏng yêu cầu thị thực, Việt Nam cần tiếp tục mở rộng chính sách miễn thị thực để có thể hưởng lợi và thu hút du khách kết hợp khám phá nhiều quốc gia ASEAN trong một chuyến đi.

Cụ thể, Việt Nam nên xem xét miễn thị thực cho các nước có trình độ phát triển cao hơn như Australia, Canada, Mỹ và thành viên còn lại của Liên minh châu Âu. Đây là những thị trường du khách có chi tiêu du lịch lớn và tiềm năng lưu trú dài hạn. “Nếu trì hoãn chính sách miễn thị thực, Việt Nam có thể đánh mất cơ hội thu hút khách quốc tế từ các thị trường du lịch lớn”, TS. Nuno F.Ribeiro nhấn mạnh.

Theo CEO Nguyễn Văn Tài, Việt Nam là nước có nhiều cơ hội đón khách khu vực “thị thực chung” hoặc điểm cuối hành trình, vì có lợi thế 10 sân bay quốc tế và mạng bay rộng khắp cả nước. Giao thông đường bộ cũng khá thuận lợi. Đây chính là cơ hội nâng cao vị thế cho ngành du lịch bằng tiềm năng và tài nguyên du lịch sẵn có.

“Tuy nhiên, việc tham gia nhóm thị thực chung tương tự như visa Schengen của châu Âu đòi hỏi Việt Nam ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ để đồng bộ dữ liệu với các nước, để mọi chính sách đều được liên kết với nhau. Để làm được điều này, đòi hỏi sự đồng bộ dữ liệu thông tin du lịch với 5 nước còn lại. Đây là cơ hội để Việt Nam chuyển hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ số trong phát triển du lịch phù hợp với xu thế hiện nay”, CEO Nguyễn Văn Tài nhìn nhận.

Cũng theo ông Tài, nếu chính sách được triển khai, ngành du lịch cũng cần nhanh chóng có các hướng dẫn, hỗ trợ, định hướng cho doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn… cùng nắm bắt cơ hội vàng này.

Ở góc độ cơ quan quản lý du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, việc xem xét, tiến tới thực hiện visa chung 6 nước cần cân nhắc các yếu tố chính trị ổn định, đảm bảo các vấn đề quốc phòng - an ninh, ngoại giao của tất cả các nước trong nhóm nước đề xuất visa chung. Mặt khác, cần xem xét tính khả thi của đề xuất, bởi trong thực tế, hợp tác du lịch khu vực, cơ chế hợp tác 5 nước ACMECS (Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan) đã nhiều lần đưa ra sáng kiến visa chung, nhưng đến nay chưa thực hiện được.

Hạnh Phúc

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/ky-vong-som-thanh-lap-khu-vuc-thi-thuc-chung-d215460.html