Kỳ vọng lớn 'bộ tứ trụ cột' đưa đất nước vươn mình

Bốn Nghị quyết của Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây được xem là 'bộ tứ trụ cột' về thể chế. Trao đổi với Báo Xây dựng, một số doanh nhân, chuyên gia bày tỏ kỳ vọng lớn, đồng thời đề xuất giải pháp đưa các nghị quyết sớm đi vào cuộc sống.

Liều thuốc tinh thần mạnh mẽ

"Bộ tứ trụ cột" gồm: Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; Nghị quyết 57 về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế trong tình hình mới.

Theo các chuyên gia, bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển (Ảnh minh họa).

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh đòi hỏi sự đổi mới, cải cách không ngừng và phát huy mọi nguồn lực xã hội, sự ra đời của "Bộ tứ trụ cột" chính là liều thuốc tinh thần mạnh mẽ, là động lực để đất nước bứt phá, vươn lên.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM chia sẻ, trong nhiều năm qua, doanh nghiệp tư nhân thường xuyên đối mặt với 3 "nỗi sợ" lớn.

Trong đó có nỗi "sợ" ma trận thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp, kéo dài đã gây ra tình trạng "hành" là "chính".

"Phải mất 3-5 năm thậm chí lâu hơn để hoàn thành một số thủ tục hành chính. Điều này làm mất cơ hội đầu tư, ông Châu dẫn chứng.

Nỗi sợ thứ hai là "sợ" bị thanh tra, kiểm tra chồng chéo nhiều lần, làm tình làm tội gây ra "mệt mỏi" cho doanh nghiệp. Nỗi sợ thứ ba là "sợ" bị vướng pháp luật hình sự trong quá trình làm ăn sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ông Châu, Nghị quyết 68 đã hóa giải được 3 "nỗi sợ" trên và được các doanh nhân hào hứng đón nhận.

Nghị quyết đã mở ra một kỷ nguyên mới, một không gian rộng lớn để kinh tế tư nhân phát triển, trở thành động lực chính của nền kinh tế quốc gia.

Ông Châu kỳ vọng, trong 10-15 năm tới, Việt Nam sẽ hình thành 10-15 tập đoàn kinh tế tư nhân "đại bàng - sếu đầu đàn" giống như Vingroup.

Tương tự, ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco đánh giá, Nghị quyết 68 đã xác định đúng kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Ông Tiền ví von: "Nghị quyết 68 giải tỏa "cơn khát" bấy lâu của doanh nghiệp tư nhân, như thể "nắng hạn gặp mưa rào". Suốt bao năm, chúng tôi rất muốn cống hiến nhưng bị bó buộc. Giờ đây, câu chuyện đã khác, giới doanh nghiệp, doanh nhân đặt kỳ vọng rất lớn", ông Tiền nói.

Động lực để bứt phá

TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội cho biết, bốn nghị quyết lớn của Bộ Chính trị đã tạo nên một chỉnh thể thống nhất về tư duy và hành động chiến lược cho sự phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

Mặc dù mỗi nghị quyết tập trung vào một lĩnh vực trọng yếu, nhưng chúng liên kết chặt chẽ, bổ sung và thúc đẩy lẫn nhau trong quá trình quán triệt và tổ chức thực hiện.

"Điểm hội tụ chiến lược giữa bốn nghị quyết trên chính là mục tiêu kiến tạo một hệ sinh thái phát triển dựa trên nền tảng thể chế hiện đại, đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp tư nhân năng động và hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả", TS Rao phân tích.

Trong đó, đổi mới thể chế được coi là "nền móng", tạo ra môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi, hiệu lực, làm nền tảng cho các trụ cột còn lại vận hành hiệu quả.

Đổi mới sáng tạo lúc này là "động lực" để bứt phá năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên số, chuyển đổi xanh.

Còn kinh tế tư nhân là "lực lượng sản xuất chủ lực mới" của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là nơi hấp thụ, ứng dụng mạnh mẽ nhất thành quả khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

TS Rao cho rằng, hội nhập quốc tế sẽ là không gian phát triển, là điều kiện để Việt Nam tiếp cận tri thức, công nghệ, vốn và thị trường toàn cầu một cách chủ động, hiệu quả.

Đồng bộ giữa thể chế và thực tiễn vận hành

Bên cạnh những thuận lợi, TS Lê Xuân Rao cũng chỉ ra thách thức, trở ngại lớn nhất trong triển khai hiện nay là sự thiếu gắn kết giữa thể chế và thực tiễn vận hành của đổi mới sáng tạo, kinh tế tư nhân, hội nhập.

Thể chế còn chậm cập nhật với tốc độ phát triển công nghệ, dẫn đến nhiều quy định pháp luật chưa tương thích với các mô hình kinh doanh mới như kinh tế số, kinh tế xanh hay khởi nghiệp sáng tạo.

Hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia vẫn còn phân tán, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Đồng thời thiếu các cơ chế hiệu quả để đặt hàng và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

Khu vực kinh tế tư nhân còn hạn chế về năng lực cạnh tranh, khả năng tiếp cận các nguồn lực đổi mới sáng tạo. Hội nhập quốc tế đôi khi còn mang tính bị động, chưa thực sự gắn kết với chiến lược nâng cấp chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ cao.

Để "bộ tứ" này thực sự phát huy hiệu quả, TS Rao đưa ra gợi mở, cần có sự phối hợp nhịp nhàng, sự đổi mới mạnh mẽ trong thể chế, sự chủ động của doanh nghiệp, sự hỗ trợ của giới khoa học và sự kết nối hiệu quả giữa trung ương - địa phương - cộng đồng sáng tạo.

Còn theo ông Vũ Văn Tiền, nghị quyết đã có, song triển khai trong thực tế như thế nào mới là quan trọng.

"Cần có cơ quan giám sát độc lập, thực hiện đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chấp hành, thực thi và hiệu quả của các bộ ngành, địa phương. Đồng thời đây cũng là kênh tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân về quá trình thực thi", ông Tiền nêu.

Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị, cần có cơ chế để hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban Chính sách Chiến lược Trung ương vào ngày 24/2/2025.

Theo đó, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh bằng cách phấn đấu giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh, đặc biệt là chi phí hải quan, chi phí tuân thủ quy định và chi phí không chính thức.

Cùng với đó, cần bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết, với mục tiêu đưa môi trường đầu tư của Việt Nam lọt vào Top 3 ASEAN trong vòng 2-3 năm tới.

Ông Châu bày tỏ mong muốn các chủ trương của Nghị quyết 68 và 3 nghị quyết còn lại nhanh chóng được thể chế hóa, đi ngay vào cuộc sống, tạo ra một môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, công bằng.

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/ky-vong-lon-bo-tu-tru-cot-dua-dat-nuoc-vuon-minh-192250521143447408.htm