Kỳ vọng hợp tác Quảng Ninh - Hải Phòng trong bảo tồn vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà
Với những vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, điểm cuối trong quá trình tiến hóa karst, đại diện cho 7 hệ sinh thái liền kề và là môi trường sống của nhiều loại động vật quý hiếm, những giá trị hiếm có của vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà đã được ghi nhận, mở ra nhiều cơ hội phát triển và bảo tồn di sản đặc biệt này.
Vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà nằm ở phía Đông Bắc của Việt Nam, được mệnh danh là 'hòn ngọc của vịnh Bắc Bộ" hay "bản giao hưởng" của núi rừng hùng vĩ và biển đảo bao la. Các khu vực tự nhiên có diện tích vùng lõi là 65.650 ha, vùng đệm có diện tích 34.140ha. Trong đó, vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh và quần đảo Cát Bà thuộc thành phố Hải Phòng. Mới đây, vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà cùng được UNESCO ghi danh là Di sản Thiên nhiên thế giới.
Với hơn 1.130 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà mang một vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, có giá trị nổi bật toàn cầu. Nơi đây cũng được xem là "bảo tàng địa chất", nơi chứng kiến những thay đổi đặc trưng trong lịch sử phát triển trái đất với nhiều hệ tầng trầm tích lục nguyên và cacbonat, có tuổi từ nguyên đại Cổ sinh đến Tân sinh. Là nơi giao thoa của núi rừng và biển đảo, vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà sở hữu 7 hệ sinh thái biển - đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển và là nơi cư ngụ của hơn 4.900 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và 51 loài đặc hữu.
Năm 1994, Vịnh Hạ long được ghi danh vào danh mục Di sản thế giới bởi giá trị cảnh quan (theo tiêu chí vii); năm 2000, được mở rộng tiêu chí giá trị địa chất, địa mạo (tiêu chí viii). Đến nay, Ủy ban Di sản Thế giới chính thức ghi danh, điều chỉnh về ranh giới di sản thế giới vịnh Hạ Long và quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà bởi tiêu chí (vii) và (viii).
Theo ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao – Thông tin và Du lịch huyện Cát Hải, việc này đã mở ra một cơ hội rất lớn cho sự phát triển, đặc biệt là ngành du lịch của huyện đảo và cũng là điều kiện để giữ gìn bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. "Việc giữ gìn và bảo tồn di sản là một trách nhiệm rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền nhân dân của huyện đảo Cát Hải, người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc giữ gìn di sản này. Song song với đó, bảo tồn cũng là một điều kiện để phát triển bền vững quần đảo Cát Bà trong quá trình phát triển du lịch huyện đảo".
Ông Phạm Trí Tuyến cho biết thêm, địa phương đã phối hợp với các đơn vị thuộc TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh tham mưu cho các ban ngành hai địa phương xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài, bền vững đối với di sản cũng như dự thảo Quy chế phối hợp quản lý các điểm du lịch thuộc vịnh Lan Hạ (quần đảo Cát Bà) và vịnh Hạ Long. Những người làm du lịch hai địa phương Hải Phòng và Quảng Ninh cũng đã sẵn sàng tâm thế kết nối - bảo tồn - quảng bá rộng rãi di sản đến du khách trong nước và quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Huệ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh cho biết: "Với những người làm du lịch, chúng tôi mong rằng môi trường kinh doanh du lịch giữa Quảng Ninh và Hải Phòng sẽ được thiết lập. Các nhà lãnh đạo và người làm du lịch cần ngồi lại với nhau để bàn về công tác quản lý. Tin rằng sẽ có những sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, cuốn hút được nhiều khách du lịch tới Hạ Long và Cát Bà. Chúng tôi có trách nhiệm tuyên truyền vận động các hội viên bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới".
Việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà không chỉ nâng tầm giá trị vốn có của di sản mà còn là cơ hội để Việt Nam bảo tồn tốt hơn các di sản; đặt ra trách nhiệm lớn lao với TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh trong việc hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ môi trường và đặc biệt là “bài toán” quản lý chung giữa hai địa phương.