Kỳ vọng 4.500 phòng học mới ở TPHCM - Bài 1: Bước đi tiên phong
Bằng những giải pháp linh hoạt, không chỉ ưu tiên về quỹ đất, đẩy mạnh thu hồi đất dự án, TPHCM còn huy động nhiều nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, thực hiện mục tiêu đầu tư mở rộng trường lớp, nâng cao chất lượng đào tạo. Với sự đồng thuận của người dân, hàng chục ngôi trường mới khang trang, hiện đại trên địa bàn thành phố đã nên vóc thành hình.
LTS: Kể từ thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975, đất nước bước sang trang mới, bắt đầu hành trình xây dựng một đất nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển phồn vinh và hạnh phúc. Năm 2024 là năm bản lề, hướng tới nhiều sự kiện trọng đại của đất nước vào năm 2025: kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; 80 năm Quốc khánh... Cùng cả nước, TPHCM đã và đang triển khai nhiều hoạt động kinh tế - xã hội - văn hóa nghệ thuật hướng đến kỷ niệm 50 năm non sông liền một dải. Trong đó, Báo Sài Gòn Giải Phóng - tờ báo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM, ra đời ngay sau khi Sài Gòn được giải phóng (ngày 5-5-1975), chọn sứ mệnh trở thành chứng nhân ghi nhận những sự kiện lịch sử, những cuộc chuyển mình mang dấu ấn thời đại của dân tộc…
Với vai trò, sứ mệnh đã được trao truyền từ những ngày đầu và không ngừng được giữ gìn, tiếp nối, từ hôm nay, Báo Sài Gòn Giải Phóng ra mắt chuyên mục “Hướng tới kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”. Chuyên mục sẽ chuyển tải những cuộc chuyển mình lớn mạnh của đất nước về mọi mặt, mọi lĩnh vực trong suốt gần 50 năm qua. Ở đó còn là những câu chuyện hấp dẫn về những con người “phía bên kia” chọn ở lại với đất nước; là hành trình xây dựng kinh tế từ di chứng hậu chiến của những doanh nghiệp tỷ đô…
Báo Sài Gòn Giải Phóng trân trọng kính mời các tác giả trên khắp mọi miền đất nước cùng chia sẻ những câu chuyện hay, ấn tượng đến công chúng; các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cùng đồng hành lan tỏa những thông điệp giá trị, tích cực để thiết thực chào mừng những sự kiện trọng đại của đất nước.
Đột phá từ quận Tân Bình
Tháng 12-2023, UBND quận Tân Bình khởi công xây mới cụm 3 trường học công lập tại khu đất công trình công cộng hơn 50.000m2 tại phường 6 với tổng kinh phí trên 1.150 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, gồm: Trường Mầm non Sơn Ca, Trường Tiểu học Hùng Vương và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi. Khối lượng xây dựng hiện đạt khoảng 70%, dự kiến đưa vào sử dụng ngày 30-4-2025 để chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Phan Văn Quang, Trưởng Phòng GD-ĐT quận Tân Bình, không giấu được niềm vui khi tới đây, thầy và trò trên địa bàn quận sẽ được dạy và học trong những ngôi trường khang trang, hiện đại. Tháng 7 vừa qua, quận đã bổ nhiệm cán bộ quản lý, giáo viên, đồng thời phân tuyến, tuyển sinh con em nhân dân trên địa bàn quận Tân Bình vào học tại cụm 3 trường mới (hiện thầy và trò 3 trường này đang được dạy - học tạm tại một số cơ sở trên địa bàn). Sau khi tiếp nhận, đưa vào hoạt động chính thức, quận định hướng xây dựng 3 trường học trên theo mô hình tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Lâm (khu phố 1, phường 6) phấn khởi: Cụm 3 trường học trên địa bàn phường sắp hoàn thành, con em địa phương và lân cận đã được tiếp nhận vào học. Trước đây, khu vực này cây cối um tùm, nhiều bãi rác hình thành tự phát bốc mùi hôi thối…, nay đã thay da đổi thịt bằng cụm 3 trường học, có mảng xanh, công viên, bể bơi hiện đại, người dân thật sự vui mừng.
Chủ tịch UBND phường 6 Lâm Mạnh Cường chia sẻ: “Việc xây dựng cùng lúc 3 trường học ở khu đất này không chỉ giải quyết các vấn đề tệ nạn xã hội, ô nhiễm môi trường mà còn giúp con em trên địa bàn thụ hưởng những giá trị thiết thực về giáo dục. Dự án này cũng kết hợp chỉnh trang đô thị, mở rộng 2 tuyến đường giáp ranh dự án gồm đường Hưng Hóa (được mở rộng lên 16m) và đường Chấn Hưng (mở rộng lên 12m) nhằm thuận lợi cho việc đi lại, tạo bộ mặt khang trang cho đô thị”.
Hệ thống chính quyền vào cuộc
Soi mình bên dòng kênh Tham Lương - Bến Cát, Trường Tiểu học Đinh Công Tráng (khu phố 1, phường An Lạc, quận Bình Tân) nổi bật với màu xanh da trời chủ đạo, lại được điểm tô bằng những góc tiểu cảnh non bộ, thảm cỏ, cây xanh…, là nơi học tập của gần 1.000 học sinh.
Ông Nguyễn Minh Phong, Phó Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình khu vực Bình Tân, cho biết, dự án xây mới trường này có quy mô 1 trệt 3 lầu, 28 phòng học, đầy đủ phòng chức năng, nhà thi đấu đa năng, tổng diện tích sàn xây dựng gần 9.500m2, mức đầu tư trên 198 tỷ đồng.
Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (phường Bình Hưng Hòa B) là công trình thứ hai được quận Bình Tân đưa vào sử dụng trong năm học mới. Ngoài ra, 5 ngôi trường khác trên địa bàn quận Bình Tân, gồm: Trường Mầm non Nguyệt Quế (phường Bình Hưng Hòa A), Trường Tiểu học Trần Cao Vân (phường Tân Tạo), Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (phường Bình Trị Đông A), Trường THCS Bình Trị Đông B cũng được xây dựng mới đạt chuẩn; mỗi trường có thể tiếp nhận từ 500 đến 1.700 học sinh.
Theo ông Lê Văn Hồng Phương, Trưởng Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân, công tác giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa khi thực hiện các dự án lúc đầu rất gian nan. Bà con băn khoăn nhất là mức đền bù chưa tiệm cận giá thị trường, đồng thời có dự án mà chỉ 1 hộ đã chiếm 50%-70% diện tích. Thái độ của người dân bị ảnh hưởng sẽ quyết định tiến độ công trình, vốn giải ngân của dự án.
Do đó, Quận ủy, UBND quận đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, trong đó Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Tân là nòng cốt thực hiện; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện nghiêm, có hiệu quả chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM liên quan tới các dự án công. Kết quả, ngoài việc hoàn thành xây mới 7 trường học trên, đến tháng 12 tới quận cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng 1 trường học mới với 30 phòng học, đầy đủ chức năng.
Các dự án xây mới trường học còn hướng đến chăm lo cho nhiều đối tượng học sinh yếu thế khác của quận và tăng tỷ lệ học sinh được học 2 buổi/ngày. Bà Lê Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết: “Nhiều năm qua, quận Bình Tân gặp áp lực lớn về nhập cư, từ đó kéo theo số học sinh trên địa bàn tăng lên.
Năm học tới, quận có khoảng 124.237 học sinh (công lập 97.907 học sinh), với 7 ngôi trường mới, tỷ lệ học sinh bậc mầm non học 2 buổi/ngày đạt 100%; tiểu học đạt 67% (tăng 13% so với năm học trước), và THCS là 49% (tăng 5%); sĩ số dự kiến sẽ giảm bình quân từ 42,2 học sinh/lớp còn 41 học sinh/lớp; giữ nguyên được sĩ số của bậc THCS. Đặc biệt, phường Bình Trị Đông B trước đây không có trường THCS, nay có ngôi trường mới giúp địa phương xóa trắng phường không có trường THCS, đồng thời đảm bảo được chỗ học cho 1.700 học sinh”.
Ngày 5-9 vừa qua, quận Bình Tân đã tổ chức lễ khánh thành và khai giảng năm học mới cho thầy và trò 7 ngôi trường mới. Thầy cô giáo phấn khởi, học trò hào hứng, phụ huynh học sinh yên tâm khi con em được theo học trong những ngôi trường khang trang, đạt chuẩn.
Ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3, TPHCM: Thuận lợi nhờ sự ủng hộ của người dân
Quận 3 là quận nội thành “tấc đất, tấc vàng”, nhưng nhờ sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, quận đã triển khai xây mới, cải tạo sửa chữa được hàng chục ngôi trường, đưa vào sử dụng hàng trăm phòng học mới và phòng chức năng, góp phần đảm bảo điều kiện học tập cho con em nhân dân trên địa bàn.
Trong đó, các cơ sở giáo dục được đầu tư xây mới đồng bộ, khang trang, hiện đại, đảm bảo được quy mô và chuẩn hóa chất lượng đào tạo. Thời gian tới, quận tiếp tục triển khai cải tạo, xây mới Trường THCS Lê Lợi, Trường THCS Hai Bà Trưng và chuẩn bị khánh thành Trường Mầm non 12.
Bà NGUYỄN THỊ NGA (60 tuổi, ngụ phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TPHCM): Tiên phong di dời để chính quyền xây trường học
Nhà tôi nằm trong diện thu hồi đất để xây Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ. Dự án có từ hơn 10 năm trước, lúc đầu tôi băn khoăn do diện tích đất bị thu hồi lớn với 5.200m2, tính theo giá thị trường lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong khi mức hỗ trợ của nhà nước thấp hơn giá thị trường, thiệt hại rất lớn về kinh tế. Tuy nhiên, chính quyền rất cầu thị, lắng nghe những khó khăn của tôi và những hộ dân khác.
Chúng tôi thấy đây là công trình dân sinh, có ích cho con cháu, phát triển giáo dục nên tôi tiên phong đi đầu, chấp nhận mức hỗ trợ của thành phố, sớm bàn giao mặt bằng cho quận. Gia đình tôi sẵn sàng hiến tặng cho quận Bình Tân thêm 500m2 đất phía ngoài hàng rào trường để quận mở đường, vừa tránh tình trạng kẹt xe và ngập nước mỗi khi vào mùa mưa, người dân không vứt bỏ rác ảnh hưởng tới môi trường học tập của thầy và trò nhà trường.
AN KHÁNH