Ký ức trung thu rực rỡ của người Sài Gòn
Những chiếc bánh nướng thơm phức được bày biện cạnh ấm trà đặc quánh, xóm nhỏ sáng trưng ánh đèn, và chiếc lồng đèn giấy kiếng xanh đỏ thì lấp lánh trên tay mấy đứa nhỏ... Cứ mỗi mùa trăng rằm tháng 8, những miền kí ức rực rỡ ấy lại thi nhau ùa về.
Ngày nhỏ, tôi hay ghen tị với những đứa em họ ở quê bởi Trung thu đối với tụi nó thật tuyệt. Có ông trăng tròn vành vạnh không bị che khuất bởi những tòa nhà chọc trời, lồng đèn của tụi nó cũng thiệt là “oai”, tự uốn những thanh tre cong cong, rồi lấp lên bằng mớ giấy kiếng nhiều màu sắc. Mấy đứa nhỏ cùng xóm được xách chiếc đèn lồng chạy mải miết trên những cánh đồng xa, reo vui đắm chìm trong một mùa trăng trọn vẹn.
Nhưng càng lớn, tôi càng nhận ra Tết trung thu được tạo nên bởi những tâm tình Đoàn viên, bởi văn hóa đậm đà bản sắc, bởi nếp sống, nếp nghĩ... của thị dân thành phố. Và Trung Thu ở Sài Gòn vẫn đẹp bởi những kí ức muôn màu.
Trung Thu và yêu thương của bố
Năm nào cũng thế, cứ vào độ tháng 7 âm lịch là các hiệu bánh Trung Thu lại bắt đầu dựng sạp hàng, nô nức trưng bày những chiếc bánh nướng vàng ươm, đủ mùi vị khiến một đứa học trò như tôi đi ngang cũng không khỏi thèm thòm. Nhà nghèo, nên việc mua Bánh Trung thu "đầu mùa" đối với tôi khi ấy là một ước mơ.
Trường học của tôi nằm ở con đường lớn ở thành phố, nơi có những cửa hàng bánh trung thu sầm uất và đông đúc nhất. Hạt sen ngũ vị, gà quay trứng muối, đậu xanh, mè đen... những vị bánh chạy trên chiếc biển quảng cáo khiến tôi cứ ngắm nhìn mãi. Bố biết điều ấy, nhưng ông không nói gì cả. Công việc tại xưởng giày của ông đã quá vất vả, nhưng ông vẫn luôn giành việc đưa đón tôi hằng ngày.
Một hôm, khi tôi đang ngồi sau xe thì ông hỏi: "Con thèm Bánh Trung Thu hả?". Tôi vẫn lắc đầu nguầy nguậy từ chối, vì tôi biết nhà mình còn bao nhiêu thứ phải lo hơn là một chiếc bánh con con kia.
Gần cuối mùa Trung Thu, tôi trở về nhà sau một ngày ở trường thì thấy một chiếc Bánh Trung thu đặt trên bàn học. "Trung Thu vui vẻ nhé, con gái", bố viết. Có lẽ ông không đủ tiền mua cho tôi cả hộp, nhưng đó là chiếc bánh đúng vị mà tôi thích. Tôi đã ăn chiếc Bánh Trung thu ngon nhất cuộc đời mình khi nước mắt ràn rụa trên mặt. Bây giờ tôi đã đủ mua những hộp Bánh Trung thu ngon nhất cho gia đình, nhưng vị bánh năm nào vẫn nằm trong kí ức, bởi nó là tình yêu thương bao la của bố.
Trung Thu phố thị
Nhà tôi ở chung cư nằm gần con đường Lương Nhữ Học, năm nào cũng đông đúc người tham quan phố lồng đèn. Tôi được "báo hiệu" một mùa Trung Thu lại về bằng những điều đặc biệt. Góc phố "đỏ rực" bởi những chiếc lồng đèn được treo lên, nhiều gia đình làm đèn truyền thống bắt đầu một mùa làm việc vất vả. Nhịp sống trở nên hối hả hơn để phục vụ cho lượng khách tham quan ngày càng nhiều.
Tôi gọi đó là con phố của niềm vui. Bởi ánh mắt vui thích của trẻ con khi được chạm vào những chiếc lồng đèn nhiều màu sắc, là những tiếng cười không ngớt của những gia đình vui Trung Thu.
Trung Thu phố thị cũng thật muôn màu, muôn vẻ. Có đứa nhỏ ngồi trước xe bố mẹ, trong tay là chiếc lồng đèn chạy pin thật đẹp mắt. Hay len lỏi trong một con hẻm nhỏ ở Sài Gòn, Trung Thu của đám con nít là chiếc đèn làm từ lon sữa bò đục lỗ. Ấy vậy mà đứa nào cũng hân hoan khi nhìn thấy ánh sáng phát ra từ chiếc đèn cầy cắm bên trong. Trung Thu theo kiểu nào cũng được, miễn là mình thấy ấm áp, thấy đoàn viên, thấy những cảm xúc đong đầy trong đêm rằm tháng 8. Đó là Trung Thu của người Sài Gòn.
Mỗi khi đi xa, tôi vẫn hay nhớ về những mùa trăng đẹp nhất trong miền kí ức của mình. Nơi đó căn chung cư cũ kĩ nhưng đầy tiếng cười của đám nhỏ chạy qua nhà nhau chơi, khi người lớn còn đang trầm ngâm bên chiếc bánh nướng cùng tách trà sóng sánh.
Trung Thu trong kí ức người Sài Gòn thật đẹp.