Ký ức đón tù chính trị trở về từ Côn Đảo
Đại tá Nguyễn Xuân Bột nguyên là Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 172 Hải quân, hiện nghỉ hưu ở quê nhà (xã Hồng Quang, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Ngày 2/8/1964, ông từng cùng đồng đội ở Tiểu đoàn phóng lôi 133 (tiền thân của Lữ đoàn 172) trực tiếp tham gia đánh đuổi tàu khu trục Maddox của Mỹ khi con tàu này xâm phạm hải phận Việt Nam (nằm trong chiến dịch khiêu khích của Mỹ, tạo cớ tấn công đánh phá miền Bắc) gây ra 'Sự kiện Vịnh Bắc bộ'.

Đại tá Nguyễn Xuân Bột. Ảnh: Duy Hưng
Vị đại tá hải quân nay đã hơn 90 tuổi chia sẻ, sau “Sự kiện Vịnh Bắc Bộ”, ông tiếp tục gắn bó với lực lượng Hải quân; tham gia xây dựng, phát triển Trung đoàn 172 Hải quân trên cương vị Trung đoàn phó, tham mưu trưởng. Khi Trung đoàn phát triển thành Lữ đoàn, ông là người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Lữ đoàn trưởng.
Trong cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Trung đoàn 172 thực hiện nhiệm vụ chốt ở các cảng biển từ Thừa Thiên Huế đến Vũng Tàu, chặn đường rút lui của địch bằng đường biển. Tin chiến thắng dồn dập, quân ta đánh đến đâu địch tan rã đến đó. Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn lần lượt được giải phóng...
Hai ngày sau khi Sài Gòn được giải phóng (2/5/1975), tại cảng Rạch Dừa (Vũng Tàu) diễn ra một cuộc họp khẩn cấp của lực lượng Hải quân, do Tư lệnh Nguyễn Bá Phát chủ trì. Tư lệnh thông báo hiện tại đất liền đã được giải phóng nhưng chúng ta bị mất liên lạc, không nắm rõ tình hình ngoài Côn Đảo - nơi địch đang giam giữ khoảng 2.500 tù chính trị của ta; giao nhiệm vụ cho Trung đoàn 172 kết hợp với Tiểu đoàn Bộ binh của tỉnh Bà Rịa đi giải phóng, đón tù chính trị ngoài Côn Đảo về đất liền. Kế hoạch thực hiện gồm 2 phương án. Thứ nhất, ra tối hậu thư bức hàng địch, thứ hai nếu địch không hàng Hải quân và Lục quân sẽ tấn công, đổ bộ chiếm đảo, giải phóng tù nhân. Tư lệnh giao nhiệm vụ: Chỉ huy tàu thuyền ra Côn Đảo giao cho đồng chí Nguyễn Xuân Bột (Trung đoàn phó, tham mưu trưởng Trung đoàn 172 Hải quân); việc ra tối hậu thư giao cho đồng chí Luật (Cục Chính trị Hải quân); việc chỉ huy Tiểu đoàn Bộ binh đổ bộ lên đảo giao cho đồng chí Nam Ninh (Tỉnh đội tưởng Tỉnh đội Bà Rịa).
Ông Bột nhớ lại: 17 giờ 30 phút ngày 3/5/1975 đoàn nhận lệnh xuất phát. Sau 16 tiếng hành quân, chúng tôi vượt qua 100 hải lý, đến được đảo Hòn Chim - điểm rẽ vào Vụng Cá Mập (Côn Đảo). Tôi cho tàu giảm tốc độ, phát lệnh sẵn sàng chiến đấu cao. Khi ấy, nghĩ đến những gì sắp diễn ra tôi thấy lòng nôn nao, vừa vui vì Côn Đảo - địa ngục trần gian sắp được giải phóng vừa lo cho bao nhiêu sinh mạng trên đảo.
“Khi đến được Vụng Cá Mập, tôi lệnh cho tàu tắt máy, thả trôi, tăng cường quan sát. Côn Đảo yên tĩnh đến lạ thường. Bất chợt chúng tôi nhìn thấy thấp thoáng sau hàng dương có bóng cờ của Mặt trận dân tộc giải phóng. Chưa hết bất ngờ lại thấy có mấy người chạy ra từ hàng dương, vừa chạy họ vừa rối rít vẫy tay chúng tôi. Đến mép biển, họ nhảy lên một chiếc thuyền gỗ, mải miết chèo ra chỗ tàu của chúng tôi đang thả neo. Cập mạn, họ đồng thanh hô to: “Côn Đảo giải phóng rồi. Hóa ra toàn người mình cả. Các anh là lính của tàu không số, đi theo đường Hồ Chí Minh trên biển, gặp sóng to gió lớn rồi bị địch bắt giam ở Côn Đảo lâu nay. Qua các anh tôi được biết nghe tin Sài Gòn thất thủ, chúa đảo Chính Khương vội vã bỏ chạy khỏi đảo. Chớp thời cơ anh em tù nhân trên đảo đã nổi dậy, tự giải phóng rồi thành lập Ủy ban Mặt trận giải phóng Côn Đảo. Vậy là cả 2 phương án bức hàng và tấn công địch đều không phải thực hiện. Tiểu đoàn Bộ binh chỉ việc đổ bộ lên đảo rồi tỏa đi cắm chốt ở những vị trí quan trọng. Lần đầu đặt chân lên Côn Đảo, tôi bồi hồi nhớ đến chị Võ Thị Sáu và bao chiến sĩ cách mạng trung kiên khác đã bị địch bắt, giam cầm và hành quyết ở nơi này” – ông Bột kể.
Theo Đại tá Nguyễn Xuân Bột, trên đường đến ngôi nhà có treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng, ông gặp một người đàn ông có dáng người cao to. Hỏi chuyện mới biết người này tên Dậu, nguyên là Đại tá ngụy quân, chỉ huy toàn bộ lực lượng canh gác các nhà tù ở Côn Đảo. Trước khi bỏ trốn, ông Dậu được chúa đảo Chín Khương giao nhiệm vụ phải đặt mìn vào tất cả các nhà tù, khi nào có lệnh sẽ giết hết toàn bộ tù nhân. Nhưng khi biết Chín Khương bỏ trốn, ông Dậu đã cho tháo hết mìn rồi mở cửa tất cả các nhà tù trên đảo. Sau đó, khi ông Lê Câu (người được địch xem là phần tử đặc biệt, phải canh giữ nghiêm ngặt) cùng linh mục Phạm Gia Thụy (người trông coi việc đạo tại Côn Đảo từ năm 1969) và một số người khác đứng ra thành lập Ủy ban Mặt trận dân tộc giải phóng Côn Đảo (bầu ông Lê Câu làm Chủ tịch), ông Dậu cũng tham gia trong vai trò là ủy viên...
Khi biết có lực lượng Hải quân Việt Nam ra làm nhiệm vụ giải phóng, đón tù nhân về đất liền, Ủy ban tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của đại diện dân chúng và tất cả các tù nhân trên đảo. Đại diện Ủy ban thông báo, từ nay mọi việc trên đảo tạm thời do Ủy ban điều hành. Tất cả các tù nhân trên đảo được trả tự do, chờ chủ trương, chính sách cụ thể của cách mạng. Trước mắt, theo chỉ thị sẽ lần lượt đưa các tù nhân về đất liền. Hiện tại lực lượng Hải quân đã có mặt, do vậy có thể đưa khoảng 250 người về trước. Cuộc họp thống nhất ưu tiên cho những người từng bị địch tuyên án tử hình nhưng chưa kịp hành quyết, những người đã bị giam cầm lâu nhất, những người ốm yếu, phụ nữ, người già được về chuyến đầu.
Đại tá Nguyễn Xuân Bột xúc động: Có một việc trong cuộc họp khiến ông rất cảm động, nhớ mãi. Đó là mọi người có bàn đến việc tổ chức một bữa liên hoan. Theo thông báo của đại diện Ủy ban, khi đó Côn Đảo có khoảng 500 con bò, 300 con lợn, 30 tấn gạo, mấy chục triệu tiền Sài Gòn. Mọi người thống nhất việc ăn uống vẫn phải hết sức tiết kiệm để dành vốn phát triển đảo sau này.
Thế đấy, tù đày, đói khát bao nhiêu năm, nay được tự do, việc đầu tiên nghĩ đến là phải tiết kiệm, dành của cải, vật chất để xây dựng, phát triển cho mai sau. Ba giờ sau bữa liên hoan, những người được về chuyến đầu đã tập trung đầy đủ. Khi ấy tôi nhìn thấy hầu hết mọi người đều mặc bộ bà ba đen, hành lý chẳng có gì ngoài một manh chiếu và chiếc cóng bò cũ. Ai trông cũng gầy gò ốm yếu, một số người đi lại phải có người dìu. Chuẩn bị được về đất liền nên phần lớn mọi người đều hân hoan.
16 giờ ngày 4/5/1975, khi mọi người đã yên vị, đoàn tàu nhổ neo, rời Côn Đảo. Những người ở lại chạy ra sát biển vẫy chào. Thủy thủ trên tàu cũng xếp thành hai hàng dài trên boong, vẫy tay tạm biệt những người ở lại, tạm biệt Côn Đảo. Không khí xúc động khiến nhiều người không cầm được nước mắt. Đêm ấy, biển lặng, hiền hòa, giữ cho những người vì lòng yêu nước chấp nhận gông cùm, xiềng xích một đêm bình yên trở về đất liền. Sáng tháng 5, mặt trời đã nhô lên vàng óng một góc trời. Ngọn núi cao nhất ở Vũng Tàu dần hiện ra. Tàu cập cảng. Cờ giải phóng tung bay trên các nóc nhà, đón chào những người con kiên cường trở về đất mẹ…
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/ky-uc-don-tu-chinh-tri-tro-ve-tu-con-dao-10304293.html