KỶ NIỆM 93 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA (16-7-1930 - 16-7-2023) Một dấu son sáng ngời

Cách đây 93 năm, ngày 16-7-1930, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa, Đảng bộ huyện Tân Định (thị xã Ninh Hòa ngày nay) đã vận động quần chúng nhân dân, tiến hành cuộc biểu tình chống lại thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai có quy mô lớn đầu tiên ở tỉnh Khánh Hòa và Nam Trung Bộ giành thắng lợi.

Cuộc biểu tình lịch sử

Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ phát động cuộc đấu tranh hưởng ứng, ủng hộ phong trào đấu tranh của công - nông Nghệ - Tĩnh, tháng 7-1930, Tỉnh ủy lâm thời Khánh Hòa chủ trương vận động tổ chức mít tinh biểu tình ở những nơi có cơ sở Đảng mạnh và treo cờ, rải truyền đơn khắp nơi trong tỉnh. Trên cơ sở nhận định phong trào cách mạng ở huyện Tân Định khá nhất, Tỉnh ủy chủ trương vận động quần chúng ở đây biểu tình đấu tranh phối hợp theo chủ trương của Trung ương Đảng. Ngày 12-7-1930, Tỉnh ủy Khánh Hòa chỉ thị chính thức cho Đảng bộ huyện Tân Định tổ chức cuộc biểu tình. Huyện ủy liền triệu tập các bí thư khu vực đến nhà đồng chí Lê Dung (nay là nhà số 214 đường Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) họp từ nửa đêm 13-7 đến sáng 14-7. Hội nghị chủ trương cuộc biểu tình sẽ được tổ chức vào ngày 16-7-1930.

Đúng 5 giờ ngày 16-7-1930, đông đảo người dân các vùng Hòn Khói, Suối Ré, Xuân Hòa, Mỹ Hiệp, Phước Đa, Quang Đông... đã tập trung tại vùng núi ổ Gà phía Đông làng Cây Chò (Văn Định Thượng, xã Ninh Đông ngày nay) rồi xuống đường kéo vào huyện lỵ. Đoàn biểu tình vừa đi vừa hô khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc Pháp và Nam Triều phong kiến”, “Đả đảo khủng bố”, “Giảm sưu, giảm thuế, bỏ thuế chợ, tăng giá lúa”, “Ủng hộ phong trào công nông Nghệ - Tĩnh”, “ Ủng hộ Liên bang Xô Viết”. Đoàn biểu tình hùng dũng kéo vào bao vây huyện đường, phá nhà giam, thả tù chính trị, đưa yêu sách. Trước khí thế mạnh mẽ của quần chúng, tên tri huyện Đinh Bá Cẩn và bọn nha lại kinh hoàng, run sợ, không dám có hành động chống đối, phải cúi đầu chấp nhận ký vào bản yêu sách cách mạng của nhân dân. Thừa thắng, đoàn biểu tình tỏa về các ngả đường biểu dương lực lượng, một bộ phận tập trung trước chợ Dinh tổ chức mít tinh, chợ đang đông người cùng tập trung tới nghe. Đồng chí Dương Chước giải thích vắn tắt đường lối cách mạng, kể tội ác của thực dân phong kiến, kêu gọi đồng bào tiếp tục đoàn kết đấu tranh đòi lại quyền lợi đã bị chúng cướp đoạt. Khi dứt lời, tiếng trống lệnh phát ra, đoàn biểu tình hô vang khẩu hiệu, rồi hòa nhập vào dòng người trong chợ, kết thúc thắng lợi cuộc biểu tình.

Thắng lợi của cuộc biểu tình ngày 16-7-1930 đã giáng đòn bất ngờ làm xáo động bộ máy thống trị của đế quốc và quan lại ở đây, đánh dấu bước phát triển của phong trào cách mạng trong tỉnh, hòa vào trào lưu chung của phong trào cách mạng cả nước, mở ra thời kỳ đấu tranh mới của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa. Cuộc biểu tình chứng minh ý thức chấp hành chủ trương của Trung ương một cách nghiêm túc, sự năng động, sáng tạo trong lãnh đạo và tổ chức quần chúng đấu tranh cách mạng của Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa - một Đảng bộ vừa mới thành lập chưa đầy 5 tháng. Đồng thời cũng chứng minh tinh thần yêu nước và cách mạng của nhân dân Khánh Hòa, ngay từ khi có Đảng đã đi theo con đường cách mạng của Đảng. Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng của sự kiện lịch sử này, ngày 17-12-2002, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết định lấy ngày 16-7 hàng năm là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

Tượng đài 16-7 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa. Ảnh: MẠNH HÙNG

Phát huy truyền thống cách mạng

Phát huy tinh thần ngày 16-7-1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân tỉnh Khánh Hòa tiếp tục cuộc chiến đấu chống thực dân, phong kiến và đế quốc xâm lược. Vượt qua những mất mát, đau thương, quân và dân Khánh Hòa vẫn một lòng, một dạ theo Đảng, kiên cường, bền bỉ chiến đấu và đã góp phần xứng đáng cùng với cả nước làm nên đại thắng mùa Xuân năm 1975, hoàn thành cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Sau ngày giải phóng, đặc biệt, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Khánh Hòa đã đạt được thành tựu quan trọng, nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội. Tốc độ tăng trưởng GRDP tỉnh giai đoạn 2021 - 2023 bình quân tăng 7,6%/năm. Thu nhập bình quân đầu người gần 3.690 USD, đạt 64,9% so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng, tăng dần khu vực dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, giảm tỷ trọng nông - lâm - thủy sản. Theo đó, dịch vụ chiếm 47,83%; công nghiệp - xây dựng chiếm 31,94%; nông nghiệp chiếm 10,43%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 52,81%. Cơ sở vật chất kỹ thuật được đầu tư phát triển, bộ mặt đô thị, nông thôn và miền núi có nhiều khởi sắc. Hệ thống các đô thị trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ theo hướng văn minh, hiện đại. Chất lượng giáo dục - đào tạo tăng lên, khoa học - công nghệ được quan tâm; công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử được tăng cường; triển khai tốt nhiệm vụ xây dựng, củng cố các tiềm lực trong khu vực phòng thủ tỉnh, bảo đảm hài hòa phát triển kinh tế đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Khánh Hòa được các bộ, ngành Trung ương, các tổ chức trong và ngoài nước thường xuyên lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch, hội nghị, hội thảo khoa học mang tầm quốc gia và quốc tế. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được các cấp ủy chú trọng triển khai thường xuyên, bài bản, đạt nhiều kết quả tích cực. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Việc xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đảng viên thường xuyên được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, Đảng bộ tỉnh có 691 tổ chức cơ sở đảng (266 đảng bộ, 425 chi bộ). Công tác kết nạp đảng viên mới cơ bản đảm bảo về số lượng và ngày càng nâng cao về chất lượng. Toàn Đảng bộ tỉnh đã kết nạp được 4.299 đảng viên, đạt tỷ lệ 50,5% so với chỉ tiêu cả nhiệm kỳ, nâng tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh hiện nay lên 47.587 đảng viên.

Thời gian trôi qua nhưng những âm hưởng hào hùng và những bài học lịch sử rút ra từ truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Khánh Hòa mãi vang vọng và giữ nguyên giá trị cho đến hôm nay và mai sau. Tượng đài 16-7 đã trở thành biểu tượng sáng ngời của lòng quả cảm, ý chí quyết chiến, quyết thắng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hòa nói chung, thị xã Ninh Hòa nói riêng; là niềm tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng vẻ vang, anh hùng của quê hương. Phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, các nghị quyết của Trung ương về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa, phấn đấu xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

T.K

(Theo tài liệu tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202307/ky-niem-93-nam-ngay-truyen-thong-dau-tranh-cach-mang-cua-dang-bo-va-nhan-dan-tinh-khanh-hoa-16-7-1930-16-7-2023-mot-dau-son-sang-ngoi-4c64cd3/