Kỳ I: Trợ lực kịp thời

Từ khi chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn được ban hành theo Nghị quyết số 22/2021/NQ-HĐND ngày 09/12/2021 (Nghị quyết 22) của HĐND tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương đã có nhiều giải pháp triển khai hiệu quả.

Góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh

Trong đó, chính sách hỗ trợ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đạt nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao ý thức trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với tình hình thực tế của địa phương đã nhanh chóng đi vào thực tiễn nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh.

Lực lượng kiểm lâm tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn.

Lực lượng kiểm lâm tại các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm tra rừng trồng gỗ lớn trên địa bàn.

Đổi mới tư duy về trồng rừng

Nghị quyết 22 quy định: Hỗ trợ chuyển hóa rừng cây gỗ lớn đối với Hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại, hộ gia đình. Điều kiện hỗ trợ: Rừng trồng keo tai tượng, keo lai và các loài cây khác khi được Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT hoặc UBND tỉnh công bố. Rừng đưa vào chuyển hóa đảm bảo đủ tiêu chuẩn theo quy định và có quy mô tập trung từ 5ha trở lên; có cam kết với UBND cấp xã, hạt kiểm lâm khai thác sau 10 năm tuổi. Hỗ trợ lần 1 khi rừng đạt từ 6 năm tuổi trở lên và đã thực hiện các biện pháp kỹ thuật chuyển hóa gỗ lớn, mức hỗ trợ 7 triệu đồng/ha; hỗ trợ lần 2 sau 3 năm thực hiện hỗ trợ lần 1, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha.

Xác định lâm nghiệp là một trong những tiềm năng, lợi thế lớn của địa phương, những năm gần đây, huyện Cẩm Khê đã tăng cường các chính sách khuyến khích, thúc đẩy phát triển kinh tế từ rừng, trong đó có rừng gỗ lớn. Việc phát triển rừng gỗ lớn với những chính sách chuyên biệt, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

Trước đây, toàn bộ 16ha rừng của gia đình ông Nguyễn Xuân Hồng ở xã Văn Khúc, đều trồng keo, khai thác gỗ nhỏ tuy mang lại hiệu quả nhưng giá trị kinh tế lại không lớn. Từ năm 2020, được lực lượng kiểm lâm huyện, lãnh đạo UBND xã tuyên truyền, gia đình ông đã chuyển toàn bộ 16ha sang trồng rừng gỗ lớn. Ông Hồng cho biết: “Ban đầu, tôi còn khá mơ hồ về hiệu quả kinh tế của rừng gỗ lớn, nhưng sau khi được cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình đã mạnh dạn làm theo. Đến nay, nhìn rừng keo vươn cao, tôi nhận thấy hướng đi của mình là đúng. Theo tính toán, chỉ cần vài năm nữa thôi, khi cây keo được hơn 10 năm tuổi sẽ cho thu nhập cao. Bên cạnh đó, khi đã chuyển hóa rừng trồng, gia đình lại được nhận tiền hỗ trợ từ chương trình chuyển hóa rừng gỗ lớn của Nhà nước, do đó sẽ có thêm kinh phí để chăm sóc cây phát triển tốt hơn”.

Không chỉ ở huyện Cẩm Khê, Yên Lập là huyện miền núi với 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với địa hình đa dạng và quỹ đất lớn, huyện có nhiều thuận lợi trong việc phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lâm nghiệp và công nghiệp lâu năm, giúp bà con nơi đây vươn lên thoát nghèo. Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trong đó mục tiêu giảm nghèo gắn với phát triển kinh tế đồi rừng, trọng tâm là cây gỗ lớn, cây dược liệu, cây ăn quả được đánh giá là giải pháp khả thi, chính quyền huyện đã tạo mọi điều kiện hỗ trợ người dân phát triển kinh tế đồi rừng, hỗ trợ vốn và giải pháp kỹ thuật, tuyên truyền phát huy vai trò nội lực, tự vươn lên thoát nghèo của người dân. Hầu hết các địa phương ở huyện Yên Lập đều chú trọng phát triển rừng gỗ lớn, tập trung ở các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, Ngọc Đồng...

Theo đồng chí Đỗ Mạnh Hiệp - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Yên Lập nhận định: Người dân Yên Lập nói chung, đặc biệt là đồng bào dân tộc nói riêng trên địa bàn huyện đã nhận thức rõ lợi ích từ kinh tế rừng, từ đó, họ sẵn sàng tham gia các dự án trồng, chuyển hóa rừng. Đến nay, cùng với các hoạt động tích cực trong bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh, trồng rừng đã đưa độ che phủ rừng của huyện lên trên 61%, phong trào phát triển kinh tế đồi rừng từ các hộ gia đình phát triển mạnh.

Hạt Kiểm lâm Phú Lâm kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng.

Hạt Kiểm lâm Phú Lâm kiểm tra chất lượng giống cây lâm nghiệp phục vụ trồng rừng.

Nâng cao chất lượng vùng trồng

Hiện tổng diện tích đất lâm nghiệp quy hoạch gần 188.000ha, chiếm trên 50% tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Diện tích rừng gần 169.000ha. Tỷ lệ che phủ rừng đạt 39,7%; sản xuất cây giống cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ trồng rừng tại các địa phương trong tỉnh. Trong đó, keo vẫn là loài cây chủ lực.

Nghị quyết 22 quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo sự phù hợp với yêu cầu phát triển, thực tiễn sản xuất và Kế hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản giai đoạn 2021-2025 của tỉnh. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, với sự vào cuộc tích cực của tỉnh, các cấp, ngành, địa phương, các nội dung hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được triển khai. Nhiều mô hình, dự án được nhận hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân, hộ gia đình, chủ trang trại, hợp tác xã, tổ hợp tác thêm nguồn lực đầu tư về cây giống, phân bón, tiếp cận kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, điều kiện để được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa cho giá trị kinh tế cao.

Chúng tôi về khu Bến Dầm, xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn để tìm hiểu về việc thực hiện chuyển hóa rừng gỗ lớn. Làm việc với lãnh đạo xã, được biết những diện tích rừng trồng manh mún của chục năm về trước đã được thay thế bằng những cánh rừng xanh ngút ngàn của các loại cây lấy gỗ.

Chỉ cho chúng tôi những ngôi nhà khang trang được xây kiên cố bên con đường bê tông bằng phẳng, ông Nguyễn Văn Hòa vui mừng chia sẻ: “Nhờ sự quan tâm các cấp chính quyền, gia đình tôi trồng keo phủ kín gần 20ha rừng. Được sự hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật của cán bộ Hạt Kiểm lâm huyện, những năm đầu khi cây keo còn nhỏ, gia đình tôi trồng các cây ngắn ngày xen canh để có thêm lương thực, đồng thời tăng độ tơi xốp cho đất và giữ nước, tránh xói mòn, giúp cây keo phát triển nhanh. Giờ đây, không chỉ gia đình tôi mà hầu hết người dân khu Bến Dầm đã yên tâm, tập trung phát triển kinh tế lâm nghiệp để có cuộc sống ấm no, đầy đủ hơn”.

Đồng chí Trương Quang Đăng- Trưởng phòng sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho rằng: Là một trong những tỉnh đi đầu của cả nước, Phú Thọ đã ban hành cơ chế cụ thể để hỗ trợ người dân trong việc chuyển hóa rừng gỗ lớn. Với việc đưa ra mục tiêu cụ thể và triển khai đồng bộ từ tỉnh, địa phương, đến nay, thực hiện chủ trương chuyển hóa rừng gỗ lớn của tỉnh, các địa phương đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp có hiệu quả. Đặc biệt các nguồn lực xã hội đầu tư cho lâm nghiệp, nhất là xã hội hóa nghề rừng được tăng cường. Các vụ việc vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được xử lý kịp thời, góp phần bảo vệ rừng bền vững.

Kỳ II: Tháo gỡ “rào cản” để đạt mục tiêu

Nhóm PV kinh tế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/ky-i-tro-luc-kip-thoi-226483.htm